Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31

(MOFA) - Dưới đây là toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể các Quý vị,

1. Tôi chân thành cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ Ma-lai-xi-a đã chủ trì thành công hợp tác APEC trong năm 2020 đầy thách thức.

2. Sau hơn một phần tư thế kỷ kể từ khi các Mục tiêu Bô-go được thông qua, ngày hôm nay chúng ta lại cùng nhau chứng kiến một dấu mốc lịch sử mới của hợp tác APEC và khu vực.

Sự phát triển thần kỳ đã đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động và sáng tạo nhất thế giới đang bị thách thức bởi khủng hoảng nghiêm trọng cả về quy mô và mức độ chưa từng có trong thế kỷ qua. Khả năng phục hồi chưa đồng đều và chắc chắn.

Xung đột địa chính trị, thách thức toàn cầu nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, thiên tai đang làm ảnh hưởng đến những nỗ lực hướng đến mục tiêu chung về thịnh vượng và cuộc sống ấm no của tất cả người dân.

Sau hơn ba thập kỷ tổn tại, hợp tác APEC bước sang giai đoạn phát triển mới trong cục diện khu vực đang định hình với những nhân tố kinh tế đang thay đổi.

3. Tôi chia sẻ với nhiều đánh giá và đề xuất của các đồng nghiệp vừa nêu và muốn nhấn mạnh 3 điểm sau:

Thứ nhất, đại dịch lần này đã một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Đại dịch và các tác động của đại dịch chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác và hành động đa phương.

Do đó, hơn bao giờ hết, các thành viên APEC cần đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực đóng góp xây dựng để khu vực của chúng ta sớm vượt qua thách thức và đi đầu dẫn dắt quá trình phục hồi.

APEC cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng kinh tế lấy con người làm trung tâm.

APEC cũng cần đi đầu trong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, hoạt động hiệu quả với việc ủng hộ cải cách thiết yếu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm bảo đảm tính thích ứng của hệ thống thương mại đa phương trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và chuyển đổi sâu sắc của các mô hình kinh tế, kinh doanh.

Chính tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng đã giúp ASEAN vững vàng vượt lên những thách thức to lớn trong năm qua và tiếp tục tiến lên phía trước.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống y tế cũng như phát triển kinh tế xã hội.

Bởi vậy, chúng ta cần tập trung ưu tiên tăng cường kết nối, chuỗi cung ứng bền vững, cải cách cơ cấu, kinh tế số nhằm hướng tới quá trình phục hồi kinh tế bao trùm và một khu vực tự cường trước những khủng hoảng và “cú sốc” trong tương lai.

Nhân dịp này, tôi cũng hoan ngênh những nỗ lực của APEC trong việc duy trì động lực hợp tác kinh tế khu vực trong năm qua.

Những sáng kiến thúc đẩy khả năng tiếp cận vắc-xin một cách công bằng, tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển của hàng hoá thiết yếu, xây dựng nền tảng số về COVID-19, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, cân nhắc thành lập Tiểu quỹ APEC về COVID-19, cùng với nhiều sáng kiến khác là những đóng góp quý giá của APEC cho nỗ lực toàn cầu trong vấn đề này.

Thứ ba, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ thông qua Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo về Tầm nhìn APEC sau năm 2020, nhằm định hướng tương lai của khu vực chúng ta.

Với một Tầm nhìn đầy tham vọng và hướng đến hành động, chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định vị thế chiến lược của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu và là động lực chính để xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, kết nối, tự cường và sáng tạo.

Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp và khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Hội đồng doanh nghiệp APEC (ABAC) và tất cả các thành viên APEC trong nỗ lực xây dựng Tầm nhìn trong ba năm qua.

Thưa các đồng nghiệp,

Hợp tác đa phương tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Với vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam đã cùng với cộng đồng quốc tế nỗ lực thúc đẩy và làm sống động hợp tác đa phương, trong đó hợp tác APEC.

Chúng tôi cam kết phối hợp với tất cả các thành viên APEC để cùng nhau thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng trước mắt là ứng phó với khủng hoảng ngày hôm nay và xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Xin cảm ơn./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer