Bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021, tích cực góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII"

(MOFA) - Tháng 4/2021, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong nhiệm kỳ 2020-2021. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết "Phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021, tích cực góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII". Dưới đây là nội dung bài viết.

Tháng 4/2021, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là trọng trách đa phương đầu tiên mà Việt Nam đảm nhiệm sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đề ra tầm nhìn và những định hướng và chủ trương lớn cho sự phát triển của đất nước, trong đó có đường lối đối ngoại trong giai đoạn tới.

Dấu ấn Việt Nam tại HĐBA – hành trang thuận lợi để tiếp nối thành công

Lần thứ hai tham gia HĐBA, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn gia tăng, các điểm nóng xung đột, bất ổn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới và nhất là đại dịch COVID-19 hoành hành, Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác HĐBA, hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ và ghi rõ “dấu ấn Việt Nam” tại cơ quan quan trọng nhất của LHQ về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đó là dấu ấn và bản sắc đối ngoại của một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phản đối mọi hình thức chiến tranh và sử dụng vũ lực, đề cao Hiến chương LHQ, tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của một ủy viên HĐBA LHQ luôn thúc đẩy đồng thuận chung, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột. Chúng ta đã kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực, chủ động, xây dựng và có trách nhiệm, xử lý thỏa đáng các vấn đề phức tạp trong chương trình nghị sự của HĐBA, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước.

Việt Nam đã tích cực đề xuất các sáng kiến, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số vấn đề quan trọng. Trong lần đầu tiên làm Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, chúng ta đã chủ trì thành công Thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” (1) ; và Cuộc họp về “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN” lần đầu tiên tạo diễn đàn trao đổi hợp tác giữa HĐBA và ASEAN, tạo sự gắn kết, phát huy tốt vai trò kép là Ủy viên không thường trực HĐBA và Chủ tịch ASEAN năm 2020, góp phần thúc đẩy, đề cao đoàn kết, vai trò của ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN với LHQ, HĐBA.

Việt Nam cũng đã chủ trì thành công Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, với sự tham gia của hơn 400 đại biểu từ gần 90 quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ quan trọng. Các nước đặc biệt ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm đăng cai sự kiện này của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cũng như vai trò chủ trì của Việt Nam trong việc xây dung văn kiện “Cam kết hành động Hà Nội” với nội dung đề cao và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong mọi tiến trình hòa bình, được 75 nước từ tất cả các khu vực tuyên bố đồng bảo trợ, được lưu hành là tài liệu chính thức của LHQ.

Không chỉ thế, trên thực địa, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể và thiết thực góp phần duy trì ổn định, tái thiết và kiến tạo hòa bình thông qua việc tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Lực lượng của ta triển khai tại các Phái bộ LHQ đã hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được nhân dân sở tại yêu mến, tin tưởng.

Những kết quả tích cực nêu trên đã góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tiếp tục đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt của chúng ta với các nước và đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, lan tỏa và gắn kết chặt chẽ đối ngoại đa phương và song phương.

Đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch HĐBA, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại

Bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ HĐBA và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Những định hướng chiến lược, tư duy mới về đối ngoại, cùng với những thành công của năm đầu tiên tham gia HĐBA là nền tảng thuận lợi để Việt Nam phát huy vai trò hơn nữa trọng trách Chủ tịch HĐBA lần thứ hai vào tháng 4/2021.

Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam sẽ tổ chức, chủ trì, điều hành khoảng 30 cuộc họp của HĐBA, đại diện HĐBA trong quan hệ với các nước thành viên ngoài HĐBA, các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế, báo chí, theo phương châm tích cực, chủ động, có trách nhiệm, vừa bảo đảm sự khách quan, minh bạch, vừa linh hoạt, xử lý hài hòa, cân bằng quan tâm của các nước đối với các vấn đề được thảo luận và thúc đẩy hợp tác, đồng thuận tại HĐBA.

Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy các ưu tiên và sự kiện mang đậm dấu ấn, đồng thời là cam kết của Việt Nam nhiệm kỳ này là “Đối tác vì hòa bình bền vững”, đó là tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, đặt người dân vào vị trí trung tâm, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương.

Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ chủ trì 03 sự kiện dấu ấn quan trọng trong tháng Chủ tịch HĐBA, với những chủ đề ý nghĩa, thời sự.

Sự kiện trọng tâm là Phiên Thảo luận mở Cấp cao diễn ra vào ngày 19/4 với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”. Đây là sự tiếp nối ưu tiên của chúng ta về tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, là dịp để chúng ta cùng các nước chia sẻ bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong xử lý các thách thức toàn cầu nói chung và ngăn ngừa, giải quyết xung đột ở các khu vực nói riêng – một chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với lợi ích của nước ta và đáp ứng quan tâm, trông đợi của cộng đồng quốc tế.

Chúng ta sẽ tổ chức phiên họp cấp Bộ trưởng (ngày 08/4) về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Là một nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thúc đẩy, thu hút sự quan tâm của HĐBA về vấn đề này, đồng thời cùng các nước khẳng định ủng hộ khía cạnh nhân đạo, nhân văn cao cả và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” sẽ được tổ chức vào ngày 27/4. Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, đặc biệt là bảo vệ các cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân như cơ sở sản xuất, phân phối lương thực, cung cấp nước, điện, bệnh viện, là vấn đề được quan tâm, thường xuyên thảo luận tại HĐBA và nhiều cơ chế, diễn đàn đa phương khác.

Với quyết tâm cao khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021 với những đóng góp, dấu ấn mới./.

(1) Với kỷ lục 111 diễn giả từ 106 quốc gia, thông qua Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA đầu tiên đề cập riêng về việc tuân thủ Hiến chương LHQ.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn