Ngoại giao Việt Nam: Từ nền ngoại giao kháng chiến, kiến quốc đến nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và phục vụ phát triển đất nước

(MOFA) - Cách đây đúng 76 năm, ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao được thành lập cùng với sự ra đời của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Suốt 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Phục vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi thành lập trong tình thế đất nước “thù trong, giặc ngoài”, thực hiện những quyết sách ngoại giao mưu lược và khôn khéo của Đảng và Bác Hồ, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tạo thời gian hòa bình quý giá để đất nước chuẩn bị lực lượng cho trường kỳ kháng chiến. Những sách lược ngoại giao như “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “tâm công”, “phân hóa kẻ thù”, v.v... đã trở thành những bài học kinh điển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, ngoại giao đã trở thành một mặt trận chiến lược trong hai cuộc kháng chiến và kiến quốc, tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã “chuyển hóa” thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi ngoại giao trên bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ năm 1954 và Pa-ri năm 1973, mở ra thời cơ chiến lược cho dân tộc đi tới ngày toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà.

Đất nước bước ra từ những năm tháng chiến tranh với vô vàn khó khăn và thử thách, ngoại giao đã tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoại giao trở thành mặt trận tạo lối, mở đường, đi đầu từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và nhiều đối tác, mở ra cục diện đối ngoại mới phục vụ đắc lực công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước.

Ngoại giao trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngoại giao cùng các binh chủng đối ngoại đã “đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước”  và nâng cao vị thế quốc gia.

Thông qua mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, ngoại giao cùng quốc phòng và an ninh góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời mở ra nhiều thị trường, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.

Thực hiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều cơ chế đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về Đông Á (2010) và về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên (2019), v.v…

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước vươn lên trong Đổi mới. Bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hiệu quả, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc, tạo thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phát triển quê hương, đất nước.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, ngành ngoại giao đã tiên phong cùng các bộ, ngành đẩy mạnh “ngoại giao y tế”, “ngoại giao vắc-xin”, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vắc-xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế- xã hội.

Những thành tựu đối ngoại nói trên đã đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm Đổi mới, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, sự phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, trong đó có nỗ lực và đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao. Chính trong Đổi mới, ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành và phát triển hướng tới toàn diện, hiện đại.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội Đảng XIII, nhiệm vụ của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Tính toàn diện trước hết thể hiện ở chủ thể đối ngoại gồm cả hệ thống chính trị, địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học- công nghệ, giáo dục- đào tạo, y tế, môi trường, văn hóa- xã hội…; đối ngoại trong thế giới thực và không gian mạng; với tất cả đối tác, trọng tâm là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác,chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc.

Tính hiện đại thể hiện ở sự kết hợp hài hòa, vận dụng sáng tạo truyền thống và bản sắc ngoại giao độc đáo của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và tinh hoa ngoại giao của thời đại; ở vận hành nền ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình; ở lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ, hiện đại về tư duy, phong cách và phương pháp làm việc, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các binh chủng đối ngoại và trụ cột của ngoại giao nỗ lực đóng góp vào thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nòng cốt, “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”. Với tư duy “phục vụ”, ngoại giao cùng các cấp, các ngành góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo thuận lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và tri thức.

Ôn lại chặng đường 76 năm trưởng thành và phát triển của ngoại giao cách mạng Việt Nam, các thế hệ cán bộ ngành ngoại giao bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và để lại cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam một di sản tư tưởng ngoại giao đặc sắc và vô giá. Phát huy tư tưởng ngoại giao của Người và truyền thống vẻ vang 76 năm xây dựng và trưởng thành, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước nỗ lực cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, hùng cường và thịnh vượng./.

Bùi Thanh Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn