Việt Nam và Liên hợp quốc hợp tác thực hiện quyền con người
Cam kết trên được đưa ra trong một tuyên bố của Phái đoàn Liên hợp quốc tại Việt Nam nhân Ngày Quốc tế về Quyền con người (10/12) và để chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 60 Tuyên bố về Quyền con người sẽ diễn ra vào tháng tới.
“Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội và đi đầu trong việc phê chuẩn một số hiệp ước quốc tế quan trọng về quyền con người,” ông John Hendra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định.
Theo Điều phối viên Liên hợp quốc, Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới vị trí của một nước thu nhập trung bình, và vì vậy cần phải đảm bảo cho kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai sẽ mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng dân cư hơn nữa, bao gồm cả nam giới, phụ nữ và trẻ em.
“Hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế của mình cũng như tiếp tục phấn đấu để mọi người dân Việt Nam đều được hưởng các quyền nêu trong bản Tuyên ngôn về Quyền con người cách đây gần 60 năm,” ông Hendra nói.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) và Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và cũng đã phê chuẩn các công ước, hiệp ước quan trọng khác về quyền con người.
Theo Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Jesper Morch, Việt Nam đã làm được rất nhiều việc vì trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đề ra các cơ chế chính thức để trẻ em được tham gia một cách có ý nghĩa ở tầm vĩ mô cấp quốc gia hay tầm vi mô tại cộng đồng, trường học và gia đình.
Việt Nam đã tiến hành một bước quan trọng để thực hiện Công ước CEDAW, là thông qua Luật Phòng chống Bạo lực gia đình. Theo bà Suzette Mitchell, cán bộ của Quỹ phát triển vì phụ nữ của Liên hợp quốc (UNIFEM), Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Công ước CEDAW, nhưng để đảm bảo cho phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ nông thôn và phụ nữ các dân tộc thiểu số - có khả năng tham gia đầy đủ trong đời sống chính trị, được học hành và chăm sóc sức khỏe cũng như tham gia vào thị trường lao động thì cần phải thực hiện nhiều điều khoản hơn nữa trong công ước CEDAW đối với phụ nữ.
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam cũng đã ký Công ước Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật nhằm tạo điều kiện cho hơn 5 triệu người khuyết tật Việt Nam hòa nhập đầy đủ hơn nữa với xã hội thông qua các chính sách mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng dân cư hơn, các cơ hội việc làm tốt hơn và bảo vệ họ khỏi bị phân biệt đối xử./.(TTXVN)
Back Top page Print Email |