Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường đi dự WEF Đông Á 2014 và thăm Philippines

(Chinhphu.vn) – Hôm nay (21/5/2014), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm làm việc tại Philippines từ ngày 21-22/5 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab.
 

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương...

Hội nghị WEF Đông Á 2014 có chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”. Các nội dung thảo luận chính của Hội nghị tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.

Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực.

Các hoạt động chính của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị dự kiến bao gồm: Tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể, tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến “Tăng trưởng châu Á” với chủ đề “Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN” và “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”, chủ trì phiên đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số tập đoàn/doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị.

Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010 đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TPHCM. Năm 2012 và năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar.

Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Philippines nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Philippines.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Philippines tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp.

Tháng 11/2002, hai nước ký Khuôn khổ  Hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo. Tháng 10/2011, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016, định hướng cho quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nhất trí đưa quan hệ lên tầm chiến lược.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, kim ngạch thương mại song phương tăng đều hằng năm, từ năm 2008-2011 đạt mức trên 2 tỉ USD, năm 2012 đạt xấp xỉ 2,9 tỉ USD, năm 2013 đạt 2,6 tỉ USD.

Từ năm 2008, mỗi năm Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD sang Philippines, lớn nhất trong khối ASEAN, trong đó gạo là mặt hàng chủ lực với khoảng 1,5 triệu tấn/năm, chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2008, Chính phủ hai nước ký Bản Thỏa thuận về việc mua bán gạo (gia hạn 2010 và 2013).

Ngoài gạo, Việt Nam xuất sang Philippines linh kiện điện tử và hàng nông sản và nhập của Philippines chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng...

Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam-Philippines cũng đạt được nhiều kết quả. Hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về hợp tác học thuật (10/2010), Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2012-2015 (10/2011). Số lượng du học sinh Việt Nam sang Philippines ngày càng tăng (học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bằng học bổng hoặc tự túc), khách du lịch Philippines tới Việt Nam có chiều hướng tăng lên: 27.000 lượt (2008) lên hơn 100.501 lượt (2013). Lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Philippines cũng tăng gần 3 lần, từ 6.000 lượt năm 2009 lên 17.000 lượt năm 2010.

Về quan hệ an ninh, quốc phòng, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký kết: Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng (10/2010), Bản Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines (hai bên đang thảo luận phụ lục để tiến tới thiết lập đường dây liên lạc), Bản Ghi nhớ về tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines.

Bên cạnh đó, hợp tác biển và đại dương, hợp tác nông-ngư nghiệp, thủy sản... cũng là những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước. Một số mảng hợp tác biển, đại dương chính: (i) Khảo sát nghiên cứu khoa học chung về biển và đại dương (JOMRSE-SCS): Kết thúc giai đoạn I năm 2008. Từ năm 2008 đã họp được 3 cuộc họp chuẩn bị cho giai đoạn II (trong năm 2008) với sự tham gia của Trung Quốc; (ii) Thoả thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam-Philippines-Trung Quốc (JMSU) từ 2005, kết thúc tháng 6/2009. Philippines chưa có chủ trương gia hạn tiếp. Hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về Hợp tác xử lý sự cố tràn dầu và Bản Thỏa thuận về Hợp tác tìm kiếm cứu nạn (10/2010).

Trong hợp tác nông-ngư nghiệp, Việt Nam bắt đầu hợp tác với Viện nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines từ năm1963 với việc cử cán bộ đến IRRI thực tập, nghiên cứu (từ 1964-2009, IRRI đã đào tạo cho Việt Nam 254 nhà khoa học, trong đó có 55 thạc sỹ, 29 tiến sỹ). Việt Nam và IRRI đã hợp tác trao đổi nhiều giống lúa. Hiện có khoảng 70% diện tích trồng lúa của Việt Nam được gieo cấy bằng giống lúa của IRRI hoặc giống được tạo ra có nguồn gốc từ IRRI.

Về thủy sản, hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về Hợp tác Thủy sản (6/2010) để triển khai các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thuỷ sản và thành lập Ủy ban Hợp tác Nghề cá (họp lần 1 tháng 7/2011 tại Manila, lần 2 tháng 8/2012 tại TPHCM), trong đó nhất trí thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép và hỗ trợ ngư dân.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn