Kết luận Hội thảo quốc tế "Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam"
TP.Hồ Chí Minh ngày 26 tháng 7 năm 2014
Đơn vị tổ chức: Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam
………………………………………….
Thưa quý vị,
Sau thời gian chuẩn bị hết sức công phu và một ngày làm việc Hội thảo đã hoàn thành nội dung và chương trình làm việc mà Ban tổ chức đã đề ra trên tinh thần khoa học. Ban tổ chức chúng tôi rất vui và vinh dự được đón hơn 50 học giả Việt Nam và quốc tế đến từ Mỹ, Thụy Điển, Ấn Độ, Liên bang Nga, Philippines, Italia, Hungari, Bungari, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapo, Indonesia….và hơn 300 đại biểu khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Hội thảo quốc tế “NHỮNG KHÍA CẠNH PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ KIỆN TRUNG QUỐC HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN HẢI DƯƠNG 981 TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM” do trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt nam phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Qua 3 phiên làm việc với 13 tham luận, và nhiều ý kiến phát biểu, tranh luận của đại biểu tham dự, các học giả trong nước và quốc tế đã tập trung phân tích rất sâu sắc nội dung 03 chủ đề của Hội thảo là:
(1) Luật pháp quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haỉ Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
(2) Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị-ngoại giao trong pháp luật quốc tế;
(3) Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế.
Qua nghe các học giả trình bày tham luận và thảo luận tại Hội thảo, các học giả đều chung nhận định rằng, Biển Đông là vùng biển có vị trí địa chính trị rất quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á mà còn đối với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại quốc tế bình thường trên Biển Đông là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia.
Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các học giả cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết tranh chấp trên Biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011. Đồng thời, hành vi này đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được quy định tại Điều 56,77 và 81 Công ước 1982; Ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới; làm tổn hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Các học giả đã thống nhất rằng, một môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không và an ninh của các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Hội thảo cũng đã phân tích sâu sắc vai trò Asean và các quốc gia ngoài khu vực đối với tình hình bất ổn hiện nay ở Biển Đông. Theo các học giả, với tư cách là tổ chức quốc tế khu vực, Asean cần tăng cường đoàn kết, hợp tác hơn nữa nhằm thống nhất ý chí chung của khối, hành động có trách nhiệm, đúng luật pháp quốc tế để tiến tới cùng Trung Quốc ký COC để kiểm soát và giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các học giả đều chung nhận định rằng, vì lợi ích và sự phát triển chung của khu vực và thế giới, các tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982. Không bên nào được quyền hành xử đơn phương, áp đặt, trái luật pháp quốc tế bằng cách sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia khác. Do đó, các quốc gia trong khu vực phải tận tâm, thiện chí hợp tác để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi nhằm duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mỗi quốc gia phải được bảo đảm. Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, tuân thủ và thực hiện tromg đó có Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982.
Các học giả đã bàn về những ưu điểm và hạn chế của việc áp dụng các biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến Chương Liên Hợp quốc và Công ước của Liên Hợp quốc năm 1982. Về thực tiễn, các biện pháp chính trị ngoại giao là một biện pháp giải quyết tranh chấp đã được nhiều quốc gia sử dụng từ trước tới nay. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao sẽ được các bên tranh chấp tuân thủ, thực hiện bởi đó chính là kết quả của sự thoả thuận ý chí, quyền lợi ích của các quốc gia hữu quan. Do vậy, việc Việt Nam đã, đang kiên trì sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc là một giải pháp tích cực và có triển vọng.
Tuy nhiên, một số học giả và đại biểu cho rằng, trước tình hình và diễn biến trên Biển Đông hiện nay, và nhất là khi Trung Quốc không thiện chí để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao thì trong trường hợp cần thiết, Việt nam cũng nên cân nhắc việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan với Trung Quốc. Bởi lẽ, khi các biện pháp chính trị-ngoại giao đã được sử dụng nhưng không mang lại kết quả thì sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp là sự lựa chọn khôn ngoan, hòa bình, văn minh được luật quốc tế thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Vì trật tự của thế giới vẫn phải được vận hành trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Nhiều học giả cho rằng, trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982 để kiện về việc Trung Quốc hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bởi vì, theo quy định của Phụ lục VII, Công ước 1982, Tòa trọng tài quốc tế về luật biển có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về giải thích và dụng Công ước ngay cả khi Trung Quốc từ chối tham gia. Tuy nhiên, các học giả kiến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản các chứng cứ pháp lý, lịch sử và nội dung để khởi kiện khi thấy cần thiết. Đặc biệt là, cần nghiên cứu kỹ để vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để chứng minh cho luận điểm và các tuyên bố của mình đối với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông theo Công ước 1982. Ngoài ra, các học giả cũng kiến nghị, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý như Singapo, Malaysia, Guyana, Suriname, Indonesia, Thái Lan… Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm gần đây của Philippines cả về việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cũng như kinh nghiệm đối phó với những phản ứng về chính trị, kinh tế, ngoại của Trung Quốc để chống lại vụ kiện tại Toà trọng tài quốc tế về luật biển. Mặt khác các học giả kiến nghị, nếu Việt Nam quyết định biện pháp thì cần lựa chọn một số điểm rất cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh để chứng minh mà cụ thể là tập trung vào những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là khả thi nhất trong thời điểm hiện nay.
Kết quả của hội thảo này sẽ được Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp thành Kỷ yếu Khoa học. Các kiến nghị khách quan, khoa học của các học giả và đại biểu tham dự hôm nay sẽ được gửi cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam và cơ quan, tổ chức quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi tuyên bố bế mạc hội thảo!
Chúc quý vị thật nhiều sức khỏe và thành đạt!
Back Top page Print Email |