Ngày 14/7/2010, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao kinh tế nhằm tổng kết tình hình triển khai công tác Ngoại giao kinh tế (NGKT) 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng cho 6 tháng cuối năm. Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng chủ trì cuộc họp với sự tham gia và đóng góp ý kiến sôi nổi của lãnh đạo các đơn vị liên quan trong Bộ Ngoại giao.
Bám sát các mục tiêu phát triển của đất nước trong năm 2010, ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã ký ban hành Quyết định 588/QĐ-BNG-THKT về trọng tâm công tác NGKT năm 2010 kèm theo kế hoạch NGKT cụ thể cho từng đơn vị của Bộ và từng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp nối thành công của năm 2009, công tác NGKT trong 6 tháng đầu năm 2010 được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều kết quả tích cực.
NGKT thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế
Trong 6 tháng đầu năm 2010, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại quan trọng. Nổi bật là Hội nghị Cấp cao ASEAN-16 vào tháng 4/2010. Theo sáng kiến của Việt Nam, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua “Tuyên bố về Phục hồi và Phát triển bền vững” khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại nội khối cũng như thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững của ASEAN gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Các hội nghị chuyên ngành về kinh tế-tài chính do các cơ quan đầu mối của Việt Nam tổ chức đều đạt kết quả tốt, đóng góp vào thành công chung của Hội nghị.
Tháng 6/2010, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đông Á lần đầu tiên tại Việt Nam với sự tham dự của hơn 450 đại biểu gồm các chính khách cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế cùng nhiều học giả có uy tín. Nước chủ nhà Việt Nam đã thể hiện rất chủ động vai trò điều phối tổ chức Hội nghị thông qua việc phối hợp với WEF xây dựng chương trình nghị sự, nội dung thảo luận, chuẩn bị về lễ tân, hậu cần... Các nội dung thảo luận cũng như ý kiến đóng góp của các diễn giả Việt Nam tại Hội nghị, đặc biệt là bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tạo ấn tượng tốt đẹp. WEF đánh giá Diễn đàn WEF Đông Á tại TP. Hồ Chí Minh đã thành công vượt dự kiến và là một trong những sự kiện của WEF được tổ chức tốt nhất từ trước đến nay.
Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam đó là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao G20 tại Toronto, Canada từ ngày 26-27/6/2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã đại diện cho các nước ASEAN tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến với các nước thành viên G20 về định hướng đảm bảo sự phục hồi bền vững và cân bằng của kinh tế thế giới và đối phó với các thách thức đang nổi lên như khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, thâm hụt tài khóa tại một số nước phát triển và sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại...
Ngoài các hoạt động nổi bật nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2010, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung triển khai có kết quả các trọng tâm của công tác NGKT năm 2010. Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp chuẩn bị các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao tới nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Trong khuôn khổ các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thành công vòng đàm phán thứ 6 Hiệp định PCA với EU tại Hà Nội (tháng 2) và vòng 7 tại Brussels (tháng 5), mở ra khả năng sớm kết thúc đàm phán trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chuẩn bị nội dung tham dự 02 phiên đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Mỹ, Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru và Singapore.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy đã có sự phục hồi tương đối khả quan song vẫn phải đối mặt với những thách thức mới nổi lên, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu về tình hình và diễn biến của kinh tế thế giới, các biện pháp phục hồi kinh tế của các nước, các tác động và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Định kỳ hàng tháng, Bộ Ngoại giao đều có báo cáo gửi Chính phủ cập nhật về tình hình kinh tế thế giới. Công tác nghiên cứu và tham mưu về các vấn đề kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục là trọng tâm công tác của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện trong thời gian tới.
Định hướng công tác NGKT 6 tháng cuối năm
Ngày 16/4/2010, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này khẳng định sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác NGKT, tạo tiền đề đưa công tác này trở thành nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Nhằm triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư và tăng cường hiệu quả đóng góp của NGKT đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong 6 tháng cuối năm Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác NGKT, trong đó tập trung vào một số định hướng lớn sau:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt các sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 10 và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu về kinh tế, phục vụ cho điều hành chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành..., và đóng góp tích cực vào việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.
Ba là, chuẩn bị và phục vụ tốt nhất Lãnh đạo Cấp cao thăm song phương các nước; tham dự các diễn đàn và hội nghị quốc tế quan trọng, trong đó có Hội nghị Cấp cao G20 tại Seoul, Hàn Quốc tháng 10/2010 và Hội nghị Cấp cao về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc tháng 9/2010.
Bốn là, tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với Bộ, ngành triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam với một số đối tác quan trọng.
Năm là, đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEM, TPP, Mekong... và xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới.
Sáu là, tăng cường hiệu quả đôn đốc triển khai các cam kết, thỏa thuận kinh tế đã ký giữa Việt Nam và các nước, bao gồm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của các Phân ban Việt Nam tại các Ủy ban hợp tác liên Chính phủ giữa Việt Nam và các nước
Bảy là, triển khai các biện pháp nhằm củng cố cơ chế, bộ máy và nguồn lực triển khai công tác NGKT, bao gồm triển khai Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị 41-CT/TW, sửa đổi quy chế Quỹ Hỗ trợ các hoạt động NGKT, tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho cán bộ ngoại giao./.
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam