Tam giác phát triển CLV

     Sáng kiến Tam giác phát triển CLV được đưa ra tại cuộc gặp giữa Thủ tướng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Viên Chăn, Lào tháng 10/1999 nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo góp phần giữ vững ổn định, an ninh của cả 3 nước.
     Sau cuộc họp cấp cao lần thứ nhất hình thành Tam giác CLV, cuộc họp cấp cao giữa ba Thủ tướng lần thứ hai tại TP. HCM (2002), xác định ưu tiên triển khai hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế.
     Cuộc họp cấp cao lần thứ ba tại Siem Reap (2004), khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tam giác CLV và phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng đường giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án. Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 10, ngày 28/11/2004, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố Viên Chăn về xây dựng Tam giác phát triển và thông qua Quy hoạch tổng thể Tam giác phát triển.
     Cuộc họp cấp cao lần thứ tư tổ chức tại Đà Lạt (tháng 12-2006) đã thông qua việc thành lập Uỷ ban điều phối chung, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp trong huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản.
     Cuộc họp cấp cao lần thứ năm được tổ chức tại Viêng Chăn năm 2008 thúc đẩy triển khai công tác của các nhóm chuyên gia, kỹ thuật.
     Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ sáu đã diễn ra vào ngày 16/11/2010 tại Phnompenh, Campuchia. Ba Thủ tướng Căm-pu-chia, Lào và Việt Nam đã trao đổi và đánh giá cao các kết quả hợp tác đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của 13 tỉnh thuộc Tam giác phát triển CLV trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên ba Thủ tướng cũng nhất trí cho rằng đây vẫn là khu vực có trình độ phát triển thấp so với các khu vực khác do đó cả ba nước vẫn cần có sự quan tâm và ưu tiên trong chính sách phát triển đối với khu vực này.
     Hội nghị cấp cao CLV 6 đã xem xét và thông qua Bản Quy hoạch lại khu vực Tam giác Phát triển đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam chủ trì xây dựng thay thế cho bản Quy hoạch cũ năm 2004. Các Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị và chứng kiến lễ ký điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác phát triển giữa ba Chủ tịch Uỷ ban điều phối.
     Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế hợp tác CLV, đã chủ trì thực hiện việc rà soát và xây dựng Quy hoạch lại Tam giác phát triển đến 2020, xây dựng website riêng của Tam giác phát triển bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Lào và Khơ-me)... Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu và đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến việc triển khai Quy hoạch lại Tam giác phát triển đến 2020, cụ thể Quy hoạch Tổng thể này phải gắn với quy hoạch phát triển của mỗi nước và quy hoạch phát triển của cả tiểu vùng Mê Công, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường; đồng thời phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả các dự án ưu tiên trong Quy hoạch Tổng thể. Bên cạnh các đề xuất này, Thủ tướng còn nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thực hiện tốt Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho Khu vực Tam giác phát triển và đề cập các biện pháp tăng cường quan hệ với đối tác phát triển là Nhật Bản.
     Về hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể
     Về giao thông, các tuyến đường liên kết các tỉnh của ba nước trong khu vực Tam giác phát triển được ưu tiên phát triển như quốc lộ 40 nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kom Tum). Đối với Lào, đường 18B đã hoàn thành tháng 5/2006 để nối thông với Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam. Đối với Campuchia, Việt Nam cho Campuchia vay ưu đãi xây dựng đường 78 từ Ban Lung (tỉnh Rattanakiri) đi O Yadav (huyện Andong Pích, Campuchia) dài 70 Km, trị giá khoảng 26 triệu USD, bắt đầu khởi công từ tháng 1/2007. Đến tháng 3/2010, việc xây dựng đường 78 đã hoàn thành.
     Về năng lượng, Việt Nam đã đưa vào vận hành thủy điện Ialy (720MW) và chuẩn bị khởi công thủy điện Buôn Kướp (280MW) cùng hệ thống lưới truyền tải 220kV, 110kV. Lào đã cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng thủy điện Sêkamản 3 (230 MW) và dự kiến đưa vào vận hành 2009. Việt Nam đang nghiên cứu khả thi các dự án thuỷ điện Sêkamản1, 4, Sêkông 4, Sêkông 5, Sêpiên- Sênậmnoi.
     Về thương mại, đầu tư, Việt Nam cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và đang hỗ trợ Lào xây dựng trạm liên kiểm cửa khẩu Phu Cưa (đối diện cửa khẩu Bờ Y). Trạm liên kiểm tại Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) đang triển khai. Việt Nam hỗ trợ Campuchia xây dựng chợ biên giới O Yadav tại Ban Lung tỉnh Ratanakiri thông qua viện trợ không hoàn lại. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đầu tư vào các tỉnh của Lào và Campuchia trong khu vực Tam giác xây dựng cơ sở chế biến với phương châm “vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam, lao động và tiềm năng đất đai của Lào và Campuchia".
     Về đào tạo, Việt Nam tiếp nhận khoảng 50 cán bộ, học sinh của Lào mỗi năm sang học tập tại các tỉnh trong Tam giác phát triển và đang đầu tư xây dựng mới khu ký túc xá học sinh Lào, Campuchia tại trường ĐH Tây Nguyên. Trước mắt, Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng trường dân tộc nội trú tại tỉnh Sêkông, hỗ trợ Campuchia xây dựng trường phổ thông nội trú với quy mô 150 học sinh tại Ban Lung tỉnh Ratanakiri bằng viện trợ không hoàn lại (gần 1 triệu USD/ trường).
     Về cơ chế phối hợp
     Bên cạnh các cuộc Hội nghị cấp cao, ba nước CLV đã nhất trí thành lập Uỷ ban điều phối chung Tam giác phát triển, gồm 4 tiểu ban: kinh tế, xã hội- môi trường, địa phương, an ninh- đối ngoại. Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Uỷ ban và uỷ viên Uỷ ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Tam giác. Uỷ ban điều phối chung sẽ họp thường niên trên cơ sở luân phiên. Phiên họp thứ 1 UBĐP đã được tổ chức tháng 5/2007 tại Pleiku (Gia Lai). Phiên họp thứ 2 đã được tổ chức tại Campuchia vào ngày 17-18/2/2008. Phiên họp lần thứ 3 đồng thời là họp SOM chuẩn bị cho HNCC CLV (tại Lào). Hội nghị Ủy ban Điều phối lần thứ 4 được tổ chức tại Đắc Lắc, Việt Nam vào ngày 20 - 21/12/2009.
     Hợp tác CLV+ Nhật trong xây dựng Tam giác phát triển: Tại Hội nghị Cấp cao CLV+Nhật lần thứ nhất (Viên Chăn, 30/11/2004), Nhật Bản đồng ý xem xét hỗ trợ ba nước CLV xây dựng Tam giác phát triển, trong đó xem xét viện trợ không hoàn lại các dự án nhỏ trong lĩnh vực phát triển nông thôn và an sinh xã hội trong khu vực Tam giác. Ba nước CLV đã trao cho Nhật Bản 12 dự án ưu tiên về giao thông, giáo dục, y tế trong khu vực Tam giác (gần 300 triệu USD) để Nhật Bản xem xét tài trợ. Tại Hội nghị Cấp cao CLV+ Nhật lần thứ 2 (Malaysia, tháng 12/2005),  Nhật Bản cam kết hỗ trợ 2 tỷ Yên cho 16 dự án về giáo dục, đào tạo, y tế, dân sinh và phát triển nông thôn trong khu vực Tam giác phát triển.
     Tại HNBT CLV+ Nhật lần 3 (Cebu, ngày 12/1/2007), Nhật Bản đưa ra 3 "sáng kiến": (i) Ngoài khoản hỗ trợ 52 triệu USD cho thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN- Nhật Bản, Nhật Bản dành 40 triệu USD cho các nước CLMV, trong đó hỗ trợ 20 triệu USD cho khu vực Tam giác phát triển CLV; (ii) Xúc tiến đàm phán ký Hiệp định đầu tư song phương với Lào và Campuchia ; (iii) Đề xuất tổ chức hội nghị bộ trưởng giữa Nhật Bản với 5 nước Tiểu vùng Mê Công tại Tôkyô trong năm 2007 để tăng cường hợp tác và đối thoại giữa Nhật và Tiểu vùng Mêkông.
     Hội nghị chuyên viên CLV+Nhật lần 2 (Phnôm Pênh, 3-4/6/2007) đã nhất trí lộ trình Nhật Bản xem xét các dự án của 3 nước CLV sử dụng khoản hỗ trợ 20 triệu USD, trong đó Campuchia được phân công làm đầu mối điều phối giữa ba nước CLV và Nhật Bản trong việc giải ngân khoản hỗ trợ 20 triệu USD.
     Tại Hội nghị Bộ trưởng Mêkông- Nhật Bản (16-17/1/2008), ba nước CLV và Nhật Bản đã thông qua danh mục dự án CLV sử dụng khoản hỗ trợ 20 triệu USD của Nhật Bản, trong đó Việt Nam có 7 dự án trị giá 3,5 triệu USD (đều nằm ở tỉnh Kontum). Đến nay các dự án của Việt Nam đã được giải ngân và triển khai trên thực tiễn.
     Tại Hội nghị chuyên viên CLV + Nhật lần 3 tại Viên Chăn (11/8/2009), ba nước CLV đã rà soát lại tiến trình thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ CLV + Nhật do Nhật Bản tài trợ dành cho khu vực tam giác phát triển. Cho đến thời điểm, 7 dự án tại tỉnh Kontum do phía Việt Nam đề xuất đã được chính phủ Nhật phê duyệt và đang trong quá trình triển khai thuận lợi. Các dự án này phần lớn đã qua giai đoạn phê duyệt và dự kiến sẽ được thực hiện bắt đầu từ tháng 8/2009. Các nước cũng chuyển cho phía Nhật danh sách các dự án (của các nước chuẩn bị riêng) trong khu vực Tam giác Phát triển kêu gọi phía Nhật tài trợ. Việt Nam chuyển cho phía Nhật danh sách 4 dự án kêu gọi tài trợ của tỉnh Đắc Lắc tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và phát triển nông thôn. Ngoài ra các nước cũng nhắc lại với phía Nhật Bản về danh sách các dự án chung của ba nước đã chuyển cho phía Nhật Bản từ năm 2004. Phía Nhật chỉ ghi nhận nhưng chưa có cam kết gì cụ thể.
     Hội nghị cấp chuyên viên CLV + Nhật lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 30/3/2010, nhằm mục đích rà soát lại các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác, tiếp tục thúc đẩy Nhật Bản có cam kết cụ thể hỗ trợ các dự án mà các nước CLV đề xuất trong hội nghị chuyên viên CLV + Nhật lần thứ 3, và đề xuất những biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác CLV + Nhật đặc biệt khi khu vực Tam giác Phát triển kết nạp thêm 3 tỉnh mới. Tại cuộc họp, các nước đã báo cáo về tiến trình triển khai các dự án trong khuôn khổ khoản viện trợ 20 triệu USD của Nhật Bản dành cho khu vực. Về cơ bản các dự án đã được thông qua, đang trong giai đoạn triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2010. Nhật Bản bày tỏ mong muốn thấy các dự án sẽ được hoàn thành sớm với các kết quả cụ thể, để có cơ sở xem xét các khoản hỗ trợ mới cho khu vực này. Nhật Bản khẳng định sự quan tâm của mình đối với khu vực Tam giác Phát triển, tuy nhiên, trong tương lai, cần đơn giản hóa và giảm thiểu các cuộc họp CLV + Nhật không cần thiết. Đối với một số vấn đề không thật sự quan trọng có thể quyết định tại họp SOM Mê Công – Nhật./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn