Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 21 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thế giới trước nguy cơ "chạy đua hạ giá đồng tiền"

Ngày 6/10, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã bất đồng với nhau quanh vấn đề tỷ giá hối đoái, giữa lúc các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi rằng các chương trình kích thích kinh tế của họ có thể gây tổn hại cho quá trình phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói các nước xuất siêu thương mại lớn cần nâng giá đồng tiền của mình, nếu không sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua hạ giá tiền tệ. Ngày 6/10, phát biểu trước kỳ họp hàng năm vào cuối tuần này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Geithner nói: “Khi các nền kinh tế lớn có tỷ giá hối đoái thấp tìm cách giữ giá đồng tiền của mình, họ sẽ khuyến khích các nước khác hành động tương tự”. Các quan chức trên khắp thế giới lo ngại rằng cuộc “chạy đua hạ giá đồng tiền” như vậy có thể dẫn tới những hàng rào thương mại và các biện pháp bảo hộ khác, gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế toàn cầu. Trong bài viết đăng trên “Thời báo Tài chính” (Anh) ngày 6/10, Giám đốc điều hành của IMF Strauss-Kahn cũng cho rằng sử dụng tỷ giá hối đoái như một “công cụ chính sách” để thúc đẩy xuất khẩu của mình và gây hại cho các nền kinh tế khác “có thể tạo ra nguy cơ vô cùng nghiêm trọng cho tiến trình phục hồi toàn cầu”.
Tuy nhiên Trung Quốc, nước đang bị tố cáo giữ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của họ thấp một cách giả tạo để thúc đẩy xuất khẩu, đã bác bỏ ý kiến này. Ngày 6/10, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt gây áp lực đòi Bắc Kinh định giá lại đồng NDT và cho rằng việc thay đổi nhanh chóng tỷ giá hối đoái có thể dẫn tới những bất ổn về xã hội ở Trung Quốc. Phát biểu trong chuyến thăm Brúcxen (Bỉ), ông Ôn Gia Bảo giải thích: “Nhiều công ty xuất khẩu của chúng tôi sẽ phải đóng cửa, nhiều lao động di cư sẽ phải trở về quê quán và nếu xảy ra bất ổn về xã hội và kinh tế ở Trung Quốc, đây sẽ là thảm họa cho toàn thế giới”.
Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng cung tiền tệ để hạ thấp hơn nữa lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã làm cho đồng euro, yên và tiền của các nền kinh tế mới nổi tăng giá so với USD trong những tháng gần đây, buộc một số chính phủ phải hành động.
Hệ thống tỷ giá hối đoái toàn cầu và vấn đề cân bằng phát triển kinh tế thế giới dự kiến sẽ là những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự kỳ họp lần này của IMF, cũng như trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính nhóm G-20 ngày 8/10. Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty cho biết các quan chức tài chính sẽ thảo luận vấn đề can thiệp tiền tệ và tỷ giá hối đoái linh hoạt. Bất chấp bất đồng giữa các chính phủ, nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard vẫn “lạc quan” về triển vọng tìm được giải pháp cho vấn đề này. Ông nói: “Tiến trình thương thuyết mới chỉ bắt đầu và hãy còn quá sớm để nói rằng nó đã thất bại”. Tuy nhiên nhiều người khác lại không lạc quan thế. Nhà kinh tế Brendan Brown của công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ cho rằng IMF, mà Mỹ nắm cổ phần lớn nhất, không nên cố tìm cách làm cho đồng USD yếu hơn. Ông cho rằng IMF đã “không thực hiện được sứ mệnh trung tâm của mình là ngăn chặn chiến tranh tiền tệ”. Hôm 6/10 đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng rưỡi qua, do người ta cho rằng FED sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, đẩy đồng yên của Nhật Bản tăng lên mức cao mới trong 15 năm qua. Đồng yên mạnh đã buộc Nhật Bản phải bán ra đồng tiền của mình, lần can thiệp đầu tiên kể từ năm 2004. Một vài nền kinh tế đang nổi lên khác đã theo gót Nhật Bản. Bộ trưởng Tài chính Braxin gọi đây là “chiến tranh tiền tệ quốc tế” và trong tuần này Braxin đã tăng gấp đôi mức thuế đánh vào các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu địa phương lên 4,0%, nhằm ngăn không cho đồng tiền của họ tăng giá.
Một số nhà kinh tế cho rằng các nước đã phát triển phải chịu trách nhiệm về những bất đồng quanh tỷ giá hối đoái hiện nay. Họ cho rằng việc FED nới lỏng chính sách tiền tệ đã buộc Nhật Bản và Braxin phải có biện pháp bảo vệ các nhà xuất khẩu của mình. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz, cho rằng chính sách của Mỹ là “vô cùng kỳ lạ và gây xáo trộn trên toàn thế giới”.
Lãnh đạo của các nền kinh tế đang nổi lên nói rằng dòng tiền khổng lồ mà các nhà đầu tư đổ vào các nước đang phát triển nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao đã làm cho đồng tiền địa phương tăng giá và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu của họ, trong khi các nước đã phát triển lại hạ giá đồng tiền của mình để thúc đẩy kinh tế trong nước. Hàn Quốc đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể áp đặt thêm giới hạn buôn bán, trong khi Ấn Độ và Thái Lan cho biết họ đang xem xét các biện pháp kiểm soát dòng vốn đầu cơ. Trong một động thái bất ngờ, tuần này Nhật Bản đã đẩy lãi suất của họ trở lại số 0 và tuyên bố sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế, nhằm cạnh tranh với các đồng tiền khác. Các nhà kinh tế cho biết trong cuộc họp ngày 7/10 của Ngân hàng Anh, có ý kiến ủng hộ việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế, một động thái có thể làm cho đồng bảng Anh yếu đi.


Theo TTXVN

HL.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer