Tăng trưởng xanh – Xu thế tất yếu cho Việt Nam
Tăng trưởng xanh: hướng đi mới của các quốc gia trên thế giới
Ngày nay, khi các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính và kinh tế, sự phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hoá thạnh đã tạo ra khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Những áp lực này yêu cầu cộng đồng các quốc gia, tổ chức, thể chế để tìm những hướng phát triển mới hài hòa hơn với thiên nhiên vì tương lai bền vững của trái đất.
Hàn Quốc là một quốc gia điển hình đã kết hợp giải quyết khủng hoảng kinh tế với gói kích thích quan trọng cho chi tiêu xanh, chuyển mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, ít các-bon. Hàn Quốc đã đưa ra những định hướng chính sách chính giảm phát thải khí nhà kính (GHG) hiệu quả; giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ xanh như là năng lượng trong tương lai; xây dựng nền tảng chính sách cho kinh tế xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Tăng trưởng xanh – Xu thế tất yếu cho Việt Nam
Trước xu thế của thế giới, Việt Nam xác định phải chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển bền vững. Việc ban hành những chính sách và đầu tư hợp lý sẽ giúp đạt được mục tiêu thích ứng nâng cao khả năng tồn tại, đồng thời giảm thiểu để đóng góp vào nỗ lực chung, tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế có tính chống chịu biến đổi khí hậu và tham gia có trách nhiệm vào kinh tế toàn cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm cơ quan chủ trì cùng các Bộ, ngành chuẩn bị Chiến lược Phát triển xanh của Việt Nam. Mục tiêu tổng quát mà Dự thảo Khung chiến lược đề xuất là Việt Nam hình thành về cơ bản cơ sở kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh, ít các-bon, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường cao, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.
Một số chỉ tiêu được Chiến lược xác định là tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo; giảm phát thải trong nông nghiệp, sản xuất sạch hơn; tỷ lệ phần trăm đầu tư cho môi trường; GDP xanh. Các giải pháp, lựa chọn chính sách, có thể là: tái cấu trúc kinh tế, công nghệ; tài chính; tổ chức chỉ đạo, giám sát, xử lý vi phạm, lồng ghép.
Định hướng phát triển của Quảng Ninh gắn với mục tiêu và động lực tăng trưởng xanh
Tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh khẳng định: Quảng Ninh quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ nóng sang xanh và phát triển bền vững; gắn tái cơ cấu nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh sẽ không ngừng cải thiện toàn diện môi trường đầu tư từ tư duy tiếp cận, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư đến chính sách thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư FDI, ODA và các khu vực tư nhân vào Quảng Ninh một cách tích cực, hài hoà, hợp lý, khoa học và hiệu quả trong thời gian tới.
Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” Quảng Ninh hội tụ đầy đủ điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội, rừng tài nguyên và biển, đường biên giới… nhưng sức ép về môi trường như hệ thống xử lý nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ cảnh quan tại các khu di tích lịch sử, các khu du lịch sinh thái đang là vấn đề đặt ra.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Quảng Ninh đẹp, lãng mạn là điểm thu hút các nhà đầu tư, Hạ Long là thành phố quan trọng nhất của Quảng Ninh vì sở hữu một Vịnh đẹp, một kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Với những giá trị của vịnh Hạ Long như giá trị cảnh quan, giá trị địa chất – địa mạo, giá trị đa dạng sinh học, giá trị lịch sử… Quảng Ninh sẽ vươn lên phát triển từ sự khác biệt./.
Thúy Quyên
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |