Tối ưu hoá lợi ích dòng vốn FDI (05/9)
Đây là nhu cầu tất yếu, bởi xu thế và đặc điểm phát triển mới của kinh tế Việt Nam đòi hỏi bảng phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và vị trí của dòng vốn FDI cũng như dòng vốn đầu tư của DN Việt Nam trên bản đồ kinh tế Việt Nam phải được thay đổi một cách căn bản.
Nhìn lại 25 năm qua, tính từ thời điểm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành (năm 1987), dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng đóng góp của khu vực FDI vào GDP của Việt Nam rất ấn tượng, với tỷ lệ khoảng 18,3%, khá cao so với mức trung bình của thế giới (10,6%). Con số này khẳng định sức ảnh hưởng của khu vực FDI tới nền kinh tế Việt Nam trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy cạnh tranh, hội nhập, đưa Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu…
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu thay đổi to lớn. Khác với các giai đoạn trước đây, nhất là giai đoạn đầu Việt Nam thu hút FDI, năng lực hấp thụ của nền kinh tế đã tăng đáng kể. Từ một nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 86 USD vào năm 1988, đến năm 2011, Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.375 USD.
Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, từ gần như chưa phát triển chỉ 40.000 doanh nghiệp (tính từ năm 1991 đến năm 2000, thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực), đã lên tới 600.000 doanh nghiệp vào năm 2011. Trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp Việt Nam đã ghi dấu ưu thế cạnh tranh nhất định.
Song, vào thời điểm này, sau hàng loạt bất ổn mang tính cơ cấu được phát hiện, nền kinh tế Việt Nam đang đi những bước đầu tiên, nhưng căn bản để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong lúc này, nguồn lực đầu tư trong nước lại bị giới hạn do tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, đòi hỏi sự tham gia tích cực và hiệu quả của các dòng vốn từ bên ngoài, đặc biệt là vốn FDI.
Như vậy, việc thay đổi định hướng thu hút FDI thế nào, đặt lại vị trí của FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam giai đoạn tới ra sao... cần phải có những nghiên cứu thấu đáo, những quy hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần phải có chiến lược rõ ràng để dẫn hướng cho từng bộ phận của nền kinh tế, từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương trong xây dựng chính sách để lựa chọn và tiếp nhận dòng vốn quan trọng này, đảm bảo đúng tín hiệu thị trường và mục tiêu của nền kinh tế.
Cũng phải nói thêm, các nghiên cứu mới nhất về hiệu quả thu hút và sử dụng dòng vốn FDI đang cho thấy, những hạn chế của dòng vốn này trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam không hề nhỏ. Cụ thể là, mục tiêu thu hút lao động gần như không đạt kỳ vọng, xét cả về số lượng lẫn chất lượng. Mong muốn hút FDI vào một số ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông – lâm - ngư nghiệp đòi hỏi công nghệ hiện đại, mang tính dẫn hướng thị trường, tạo sức lan toả công nghệ cho khu vực doanh nghiệp trong nước chưa đạt được…
Thực tế còn cho thấy, tư duy ôm đồm, cát cứ trong thu hút FDI ở các địa phương trong thời gian qua thể hiện rất rõ. Nếu thiếu một cơ chế quản lý thống nhất, tập trung, đây có thể lại rào cản lớn cho các kế hoạch dịch chuyển, nâng cấp chất lượng dòng vốn này. Thậm chí, các chương trình xúc tiến đầu tư, nhất là với các dự án có quy mô lớn, liên vùng, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược… sẽ khó đi đúng hướng nếu thiếu hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng gắn với chiến lược dài hạn về thu hút và sử dụng FDI.
Nguồn: Đầu tư
Theo Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |