Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Kinh tế và thương mại của APEC tăng trưởng vững dù kinh tế toàn cầu còn bất ổn

Hà Nội (TTXVN 10/9) Theo báo cáo của Bộ phận hỗ trợ chính sách diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) công bố cuối tuần qua, kinh tế APEC gồm 21 nước thành viên tiếp tục đạt mức tăng trưởng thương mại và kinh tế tương đối khá, bất chấp kinh tế toàn cầu còn bất ổn.

Mặc dù tăng trưởng thương mại hàng hóa (tính theo giá trị danh nghĩa và bằng USD) của các nền kinh tế thành viên APEC đã chậm lại mức 4,6% trong tháng 5/2012, so với 12,1% trong tháng 12/2011, nhưng mức này cũng tạm đủ để khối duy trì vị trí dẫn đầu về phát triển so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Trong khi đó, thương mại hàng hóa của phần còn lại của thế giới giảm 5,6% trong tháng 5/2012.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó đã dự báo kinh tế APEC tăng trưởng 4,2% trong năm 2012, cao hơn mức tăng 4,1% năm 2011, trước khi đạt nhịp độ tăng trưởng 4,5% năm 2013, vượt xa xu hướng tăng trưởng toàn cầu. Denis Hew, Giám đốc Bộ phận hỗ trợ chính sách APEC, nhận định mặc dù hoạt động thương mại trên toàn khu vực diễn ra không đồng đều trong 6 tháng đầu năm nay, do nhu cầu toàn cầu yếu và giá hàng hóa giảm mạnh, nhưng sự tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế thành viên APEC tương đối mạnh và mau phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung đáng khích lệ, nhờ khu vực này chi phối khoảng gần một nửa mức tăng trưởng của luồng vốn FDI trên toàn cầu trong năm 2011.

 

Tuy nhiên, Giám đốc Hew cảnh báo tăng trưởng kinh tế của các thành viên APEC và luồng vốn đầu tư và thương mại của các nền kinh tế này có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi những rủi ro liên quan đến môi trường bên ngoài. Mặc dù vậy, hoạt động kinh tế của khối này dự báo sẽ tương đối mạnh.

 

Bộ phận hỗ trợ chính sách của APEC đã đề xuất các biện pháp giúp làm giảm những rủi ro này. Các đề xuất này bao gồm việc duy trì các thị trường tự do và mở, nêu lại cam kết rút các biện pháp hạn chế hiện hành và chống các hình thức bảo hộ mới để thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, Giám đốc Hew cũng khuyến nghị APEC nên tiếp tục giám sát các biện pháp thương mại và đầu tư của các nền kinh tế thành viên.

 

Trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh thường niên APEC với chủ đề "Hội nhập để tăng trưởng, và đổi mới để Thịnh vượng" trong hai ngày 8-9/9 tại thành phố cảng Vladivostok (Nga), các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhất trí rằng thương mại quốc tế, đầu tư và hội nhập kinh tế mạnh mẽ là những động lực chủ chốt tạo đà tăng trưởng mạnh bền vững và cân bằng, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng thương mại khu vực, tán đồng ý kiến xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới mọi hình thức, tăng cường an ninh lương thực nhưng đồng thời không giới hạn xuất khẩu lương thực.

 

Trong bối cảnh đà phục hồi của kinh tế thế giới còn gian nan và các thị trường đang nổi tăng trưởng chậm lại, các nền kinh tế APEC cần biến những từ ngữ trên giấy tờ thành các hành động cụ thể để tiếp thêm động lực tăng trưởng cho Vành đai châu Á - Thái Bình Dương và sự thịnh vượng của thế giới nói chung. Một trong những thành tựu của Hội nghị APEC lần này là việc các nước thành viên thông qua danh sách 54 mặt hàng thân thiện với môi trường trong diện được giảm 5% thuế vào năm 2015, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tán dương là ví dụ điển hình của cơ chế linh hoạt và hiệu quả.

 Theo TTXVN

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer