Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Các xu hướng mới trong liên kết kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương


Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu Khai mạc buổi Tọa đàm. Ảnh: TG&VN/Quang Hòa
Sáng 23/11/2012, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã tổ chức buổi “Tọa đàm các xu hướng mới trong liên kết kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức trên thế giới như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Temasek về Thương mại và Đàm phán Singapore; Trung tâm Nghiên cứu AFEC của New Zealand… và nhiều diễn giả là nhà lãnh đạo của các tổ chức kinh tế, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Phát biểu Khai mạc buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “… đây là sự kiện đầu tiên, đánh dấu việc khởi động một Dự án hợp tác mới, hết sức thiết thực Chính phủ phủ Việt Nam, mà Bộ Ngoại giao là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện với UNDP về “Nâng cao năng lực quốc gia phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020””. Về nội dung cuộc Tọa đàm, Thứ trưởng cho rằng trên thế giới hiện nay tình hình và tương quan lực lượng ở khu vực và trên thế giới đang diễn ra những chuyển dịch hết sức nhanh chóng và sâu sắc. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các diễn giả tham dự cuộc Tọa đàm hôm nay tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển dịch của cục diện kinh tế - chính trị và các tập hợp lực lượng trên thế giới và tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, triển vọng kinh tế thế giới. Đâu là những nhân tố chính tác động đến những chuyển dịch này và tác động của nó đối với Việt Nam.

Đại biểu và các chuyên gia kinh tế dự Khai mạc buổi Tọa đàm. Ảnh: TG&VN/Quang Hòa

Ngay sau đó Hội nghị đã thảo luận Phiên thứ nhất với chủ đề: “Những chuyển dịch căn bản trong cục diện thế giới và tại châu Á - Thái Bình Dương”. Nội dung chính trong phiên này được các diễn giả tập trung vào vấn đề: Những chuyển dịch về kinh tế, chính trị và tập hợp lực lượng trên thế giới và tại châu Á - Thái Bình Dương; Triển vọng kinh tế thế giới, khu vực và của hệ thống thương mại đa phương toàn cầu… Qua bài phát biểu của các chuyên gia đã phần nào đánh giá được những tác động của các vấn đề đó đến các xu hướng liên kết kinh tế khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngồi giữa) chủ trì Phiên họp thứ nhất. Ảnh: TG&VN/Tuấn Anh
Ông Vũ Khoan - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế của Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: TG&VN/Tuấn Anh

Tại phiên thứ hai, Hội nghị đã thảo luận về xu hướng liên kết kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương và triển vọng hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Tham luận của các đại biểu đã tập trung thảo luận xu hướng của liên kết kinh tế và các cơ chế hợp tác kinh tế trong khu vực như: Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN (RCEP), các sáng kiến Hợp tác kinh tế mở rộng ASEAN - Hoa Kỳ, hay triển vọng hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)… Qua Phiên họp này, các đại biểu tiếp tục đánh giá những nhân tố thúc đẩy hoặc cản trở các xu hướng liên kết trong khu vực đồng thời nhận định vai trò của các nước vừa và nhỏ trong các liên kết mới này. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao đã chủ trì phiên họp.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao đã chủ trì phiên họp thứ hai. Ảnh: TG&VN/Tuấn Anh
Các chuyên gia kinh tế thế giới và Việt Nam dự phiên họp. Ảnh: TG&VN/Tuấn Anh

Trong phiên thảo luận thứ ba do bà Nguyễn Nguyệt Nga - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao chủ trì, Hội nghị đã thảo luận về những cơ hội và thách thức để đổi mới công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Qua phiên thảo luận này các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như: TS. Chu Đức Dũng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Lê Đăng Doanh… đã chỉ ra triển vọng kinh tế Việt Nam đến năm 2020 và các vấn đề khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Ý kiến của một số chuyên gia đã chỉ ra rằng hiện số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm nhưng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước lại không hề thay đổi nên đã đánh mất cơ hội phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước sẽ là vấn đề cốt lõi cần làm khi tái cơ cấu nền kinh tế.

Nguyễn Nguyệt Nga - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao chủ trì Phiên họp thứ ba. Ảnh: TG&VN/Minh Châu
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: TG&VN/Tuấn Anh

Như vậy, với một ngày làm việc, Hội nghị đã gợi mở rất nhiều các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam và nêu ra một số biện pháp giải quyết những khó khăn nội tại đó, đồng thời cũng đánh giá nhiều kịch bản khác nhau về sự liên kết trong khu vực và các khuynh hướng liên kết sẽ phát triển trong thời gian tới.

Tuấn Anh

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer