CPTPP có 11 nền kinh tế tham gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.
CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất sáu quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiệp định bao gồm 30 Chương và đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước,...
Sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.
Tổng thống Chile Bachelet nhấn mạnh, các thành viên CPTPP sẽ hoan nghênh Mỹ trở lại nhưng Washington sẽ phải chấp nhận các điều khoản của hiệp định sửa đổi. Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nhận định, triển vọng Mỹ quay lại trong vài năm tới rất khó xảy ra và ngay cả khi Washington sẵn sàng tham gia, cũng không có gì bảo đảm rằng các thành viên khác sẽ đồng ý áp dụng trở lại những “điều khoản treo”. Trong trường hợp Mỹ tham gia CPTPP, các bên sẽ phải thể hiện sự nhượng bộ và mềm dẻo trong đàm phán.
Ngày 8-3, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ quyết định có gia nhập CPTPP trong năm nay hay không, sau khi xem xét tác động của hiệp định này đối với nền kinh tế quốc gia và tham vấn các nước thành viên. Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận thương mại song phương với chín trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP. Kể cả khi CPTPP có hiệu lực, tác động tiêu cực của hiệp định này đối với nền kinh tế Hàn Quốc sẽ rất hạn chế./.
Nguồn: Báo Nhân Dân, ngày 9/3/2018.