Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tăng cường giáo dục kỹ năng số cho phụ nữ và trẻ em gái – Giải pháp quan trọng thúc đẩy Tăng trưởng bao trùm tại châu Á – Thái Bình Dương

Ngày 12/4/2019, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm thông qua tăng cường kiến thức và kỹ năng số cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh công nghiệp 4.0” tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đây là sáng kiến quan trọng và thiết thực của Việt Nam nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai kết quả của Năm APEC 2017 về phát triển bao trùm và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Sáng kiến được các thành viên APEC đánh giá cao, trong đó Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Chi-lê, Niu Di-lân, Đài Bắc - Trung Hoa đã đồng bảo trợ. Sáng kiến cũng nhằm đóng góp triển khai một trong những ưu tiên của Năm APEC 2019 do Chi-lê đề xuất về xã hội số và tăng trưởng bao trùm. Chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo, Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quang Ninh đánh giá cao chủ đề của Hội thảo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Bà Trịnh Thị Minh Thanh cho rằng Hội thảo là cơ hội quý báu để các sở, ban, ngành và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh trao đổi với các thành viên APEC và các tổ chức quốc tế về tiếp cận và ứng dụng công nghiệp 4.0, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, nâng cao giáo dục kỹ năng số cho phụ nữ và trẻ em gái. Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, liên kết và đổi mới sáng tạo toàn cầu trong thế kỷ 21, APEC cần tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển về bình đẳng giới trong thời đại số. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội thảo tập trung xác định một số hướng hợp tác mới trong APEC, trong đó quan trọng nhất cần có cách tiếp cận tổng thể và thống nhất trong nhận thức và hành động về thúc đẩy phát triển bao trùm về số cho phụ nữ và trẻ em gái. Cần xác định thúc đẩy phát triển bao trùm về số cho phụ nữ và trẻ em gái là một trong những giải pháp quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Thứ hai, cần tăng cường phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các hiệp hội... vì phát triển bao trùm về số cho phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao sự phối hợp và bổ trợ giữa APEC với các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu như Tổ chức phụ nữ của Liên hợp quốc, G20, ASEM, ASEAN… Thứ ba, cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong thu hẹp khoảng cách giới về công nghệ số, chú trọng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng số, hỗ trợ chính sách và hạ tầng số, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành nghề về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM). Hội thảo cũng cần đóng góp ý tưởng xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 để APEC tiếp tục đóng vai trò là “vườn ươm” ý tưởng về đổi mới sáng tạo, đưa châu Á – Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Bà Alison Davidian, Đại diện của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh phát triển bao trùm về số cho phụ nữ và trẻ em gái là quan tâm hàng đầu tại nhiều diễn khu vực và quốc tế nhằm giúp phụ nữ tận dụng được các cơ hội và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ số. Tại Phiên thảo luận thứ nhất, các thành viên APEC đã tập trung trao đổi về những cơ hội và thách thức nghề nghiệp đối với phụ nữ và trẻ em gái, khoảng cách giới trong việc tiếp cận thiết bị, công nghệ và dịch vụ số, các rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, và thúc đẩy mạng lưới xã hội nhằm trao quyền cho phụ nữ. Trên cơ sở xác định những cơ hội và thách thức đang nổi lên, Phiên 2 của Hội thảo tiếp tục thảo luận các giải pháp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo lại và đào tạo nâng cao, chính sách và hạ tầng số, tái định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ nhằm thích nghi với nền kinh tế số, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp và các nhà khởi nghiệp nữ nhằm tận dụng lợi ích của các công nghệ mới. Các Phiên thảo luận tiếp theo đã trao đổi và thông qua nhiều khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường sự tham gia về số của phụ nữ và trẻ em gái cũng như những đóng góp xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020. Kết thúc Hội thảo, các thành viên APEC nhất trí thông qua bộ khuyến nghị trong 6 lĩnh vực cụ thể để báo cáo lên Nhóm Đối tác chính sách của APEC về Phụ nữ và Kinh tế và các Quan chức cao cấp APEC tại cuộc họp tháng 5 tới Chi lê. Các nền kinh tế APEC và tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo như OECD, UNESCO, UNDP... đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam và kết quả của Hội thảo trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, hướng tới một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, bao trùm vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. *Trước đó, ngày 11/4/2019, trong khuôn khổ Hội thảo, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Đối thoại giữa các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế với các cơ quan trung ương, các sở, ban ngành và doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh về nâng cao giáo dục kỹ năng số cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0./.
 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer