Hội nghị khu vực Bắc Trung bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững
Ngày 24/7, tại thành phố Huế, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị khu vực Bắc Trung bộ về Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số - Những vấn đề đặt ra với địa phương và doanh nghiệp.
Đây là hội nghị thứ 2 sau thành công của Hội nghị gặp gỡ Nhật Bản- Khu vực Bắc Trung bộ 2019" do Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức vào tháng 4/2019.
Tham dự hội nghị có : Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện tổ chức, vụ, đơn vị, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo 6 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và các doanh nghiệp trong khu vực.
Hội nghị được tổ chức nhằm cập nhật tình hình thế giới và những vấn đề mới đặt ra cho hội nhập quốc tế nước ta trong thời đại số và trong thực thi các FTA thế hệ mới để giúp cho các địa phương nắm bắt và vận dụng trong đề xuất, xây dựng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, qua đó kết nối, hỗ trợ và đồng hành cùng với các địa phương khu vực Bắc Trung bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, giúp cho Bộ Ngoại giao tiếp nhận các ý kiến của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để đóng góp cho xây dựng đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới, góp phần đề xuất chính sách và biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển và hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, cuộc cách mạng 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới phải xử lý, trong khi đó thì đói nghèo, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh...vẫn là thách thức lớn của toàn cầu. Những năm qua, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đi đầu tăng trưởng và liên kết kinh tế nhưng cũng gia tăng những nhân tố bất ổn.
Năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập quốc tế của Việt Nam, đó là hội nhập và liên kết quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiện nước ta là tâm điểm của mạng lưới kết nối 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 59 đối tác, mở ra cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với sự phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, công tác đối ngoại và hội nhập của các tỉnh Bắc Trung bộ đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển chung của cả nước và từng địa phương. Trong đó, các địa phương và doanh nghiệp trong khu vực đã tích cực và chủ động trong đàm phán, tham gia và tranh thủ cơ hội từ các cam kết kinh tế quốc tế của Việt Nam để phát triển và thúc đẩy thương mại, du lịch, thu hút đầu từ, mở rộng thị trường... góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Năm 2019, Việt Nam bước vào giai đoạn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế then chốt như FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Hồng Công, nhất là FTA thế hệ mới. Việt Nam nằm trong nhóm nước đầu tiên triển khai Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có quy mô cam kết rộng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, việc ký kết FTA Việt Nam - EU vào tháng 6/2019 được Cộng đồng Châu Âu (EU) đánh giá là một FTA tham vọng nhất mà EU từng thỏa thuận với một nước đang phát triển.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc tham gia các Hiệp định quốc tế là những đột phá quan trọng của hội nhập quốc tế nước ta, tạo ra cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo đường lối phát triển của Đảng. Song hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng cũng đặt ra những yêu cầu mới, hoàn toàn khác so với giai đoạn trước, nhất là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số; hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực đồng bộ và sự đồng hành của các cấp, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo thông tin về tình hình thế giới, khu vực và tác động đối với quá trình triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam; xu thế kinh tế thế giới và giai đoạn mới của hội nhập kinh tế của Việt Nam trong kỷ nguyên số- vấn đề đặt ra với địa phương, doanh nghiệp; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đến năm 2030 - những vấn đề đặt ra với các tỉnh Bắc Trung bộ trong phát triển nhanh và bền vững; triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam-thời cơ và thách thức.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức buổi tọa đàm, trao đổi giữa các chuyên gia và các địa phương, doanh nghiệp những vấn đề cần quan tâm trong hội nhập quốc tế hiện nay./.