Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Sáng ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công thương, ông Frank Donavan, Giám đốc Văn phòng USAID Việt Nam, Giáo sư Peter Petri, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Brandeis, Hoa Kỳ cùng các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các trường đại học và phóng viên thông tấn báo chí.

 

Đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công thương phát biểu khai mạc, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công thương cho biết Hiệp định TPP hiện nay có 9 nước tham gia đàm phán trong đó có Việt Nam. Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ là hiệp định kiểu mẫu của Thế kỷ 21, một sáng kiến nâng cao thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Ngoài các nội dung truyền thống như cắt giảm thuế quan, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, dịch vụ…, Hiệp định TPP đề cập tới một số vấn đề phi truyền thống như lao động, công đoàn, môi trường mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước, liên kết chuỗi cung ứng.

 

Việt Nam tham gia Hiệp định TPP với tư cách là quan sát viên vào tháng 3 năm 2009 và trở thành thành viên chính thức vào tháng 11 năm 2010. Bên lề hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Nhật Bản. Tới nay, Việt Nam đã tích cực tham gia 11 phiên đàm phán của Hiệp định TPP và đang nỗ lực cùng với các nước TPP khác chuẩn bị cho các phiên đàm phán tiếp theo trong năm 2012 nhằm đạt được mục tiêu mà các nhà lãnh đạo TPP đặt ra. Việt Nam tham gia Hiệp định TPP đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nước và quốc tế. Bên cạnh đó, TPP đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường mua sắm, tạo cơ hội cải thiện các vấn đề liên quan tới biện pháp phòng vệ thương mại cũng như chuyển từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường. TPP còn cam kết về các lĩnh vực quan trọng như về dịch vụ (bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, pháp lý và môi giới), đầu tư, viễn thông và thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ... Có thể nói, TPP đem đến một cơ hội để Việt Nam có thể kết nối nền kinh tế của mình với Hoa Kỳ và các thành viên TPP khác.

 

Trình bày của Giáo sư Peter Petri, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Brandeis, Hoa Kỳ nhận định Viêt Nam là một trong những nước đạt được nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định TPP. Có 5 yếu tố giải thích cho kết quả này: Thương mại với Hoa Kỳ; bảo hộ nước ngoài cao chống lại các quy định về xuất khẩu của Việt Nam; vị thế có tính cạnh tranh cao trong công nghiệp, như may mặc và giầy dép là ngành mà lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc đang giảm dần; tính bảo hộ trong nước cao và phạm vi ảnh hưởng lớn đối với các ngành sản xuất chính. Những yêu tố đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu và điều kiện thương mại trong phạm vi TPP. Giáo sư Peter Petri cho biết thêm, đối với hiệp định TPP, lợi ích toàn cầu tăng trưởng từ 16 tỷ USD năm 2012 đến 84 tỷ USD năm 2020 và 104 tỷ USD đến năm 2025. Trong những giai đoạn đó sự quan tâm của các quốc gia chính là việc được ưu tiên tiếp cận tới thị trường Hoa Kỳ rộng lớn.

 

TPP là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương, có nền tảng là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương ký kết từ năm 2005, còn gọi là Hiệp định P4. Đến nay TPP có 9 nước tham gia đàm phán gồm: Australia, Chile, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Bruney, New Zealand, Malaysia, Việt Nam

 

Tại Hội thảo, các học giả đến từ Hoa Kỳ sẽ chia sẻ nghiên cứu và đánh giá về tác động của hiệp định này đối với nền kinh tế nói chung và các ngành kinh tế nói riêng. Đại diện các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm về thuận lợi và thách thức do Hiệp định TPP mang lại cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để các Bộ, ngành liên quan trao đổi trực tiếp ý kiến chuyên môn với các học giả, chuyên gia và giới doanh nghiệp nhằm hiểu rõ hơn về Hiệp định TPP. Qua đó, giúp các đối tượng chịu ảnh hưởng từ hiệp định có cái nhìn tổng quan và rõ ràng về vai trò của Hiệp định TPP đối với Việt Nam một khi Hiệp định này có hiệu lực./.

 

Theo: NICIEC (Mai Phương)

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn