Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 17 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013: Tập trung vào chính sách (20/6)

Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2013. Mục tiêu này sẽ đặt sức ép lên điều hành vĩ mô của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế.

Tập trung vào thực hiện các giải pháp chính sách, trước hết là các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đất đai, cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%. Đó là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu trong năm 2013, vừa được Chính phủ phát đi trong Chỉ thị 19/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm, 2013 - 2015.

 

Mục tiêu đã rõ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu tăng trưởng đó? “Điều này còn phụ thuộc vào việc thực hiện kế hoạch năm 2012”, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bình luận.

 

Theo Nghị quyết của Quốc hội, thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 6 - 6,5%. Trả lời chất vấn Quốc hội vào cuối tuần trước, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nền kinh tế đã đi qua thời kỳ khó khăn nhất và Chính phủ sẽ phấn đấu điều hành để đạt mức tăng GDP khoảng 6%, còn lạm phát ở mức 7-8%.

 

Tuy nhiên, con số 6% được giới chuyên gia kinh tế cho rằng không dễ để đạt được và nó mang tính “mục tiêu để phấn đấu” nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay, với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 4,31%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong tuần trước, cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP năm 2012 sẽ chỉ khoảng 5 - 5,5%, không đạt mục tiêu đề ra.

 

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã nhắc tới kịch bản có 7 chữ “nếu”, để nền kinh tế có thể vượt qua khó khăn, thách thức trong hiện tại và thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2013.

 

“Trước mắt, có thể nhìn thấy nhiều yếu tố dẫn tới suy giảm kinh tế, nhưng nền kinh tế có thể vượt qua thách thức nếu như chúng ta khắc phục được sự suy giảm của vốn đầu tư toàn xã hội, khắc phục tình trạng tăng trưởng tín dụng quá thấp, cũng như sức mua của thị trường, khó khăn của hệ thống doanh nghiệp…”, ông Giá nói và phân tích rằng, ở một nền kinh tế mà tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng vốn đầu tư như ở Việt Nam, mà cả vốn đầu tư dài hạn (vốn đầu tư toàn xã hội) lẫn vốn ngắn hạn (thông qua hệ thống ngân hàng) đều đang ở mức tăng quá thấp, thì không tạo được động lực cho tăng trưởng.

 

Thêm vào đó, theo ông Giá, dù các số liệu thống kê gần đây cho thấy, có tới gần 22.000 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, song con số quan trọng hơn cả cần tổng hợp, đó là những doanh nghiệp còn sống, nhưng chỉ sản xuất cầm chừng.

 

“Nếu chỉ sản xuất tương đương năm trước thì không có tăng trưởng. Và nếu tất cả các vấn đề nói trên không được giải quyết thì sẽ không ngăn chặn được nền kinh tế suy giảm sâu, và điều này sẽ để lại hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế trong năm 2012 và năm 2013”, ông Giá nói.

 

Có cùng quan điểm, ông Lê Đình Ân cũng cho rằng, hai vấn đề mấu chốt hiện tại cho nền kinh tế trong năm nay, là giải quyết vấn đề vốn đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng dư nợ tín dụng.

 

“Dư nợ tín dụng hiện gần như đang ở vạch xuất phát. Nếu vẫn quyết tâm đạt bằng được mục tiêu tăng 15-17% mà tung mạnh tiền ra trong những tháng cuối năm, thì sẽ ảnh hưởng tới lạm phát. Con số hợp lý hơn cả là tăng dư nợ tín dụng khoảng 10%, nhưng nếu vậy, thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của năm sau”, ông Ân nói và bày tỏ quan điểm rằng, mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% là phù hợp hơn cho năm tới.

 

Con số này, theo ông Ân là hợp lý, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, còn trong nước, Chính phủ theo đuổi mục tiêu tái cấu trúc, sẽ có một nguồn lực nhất định, cũng như sự hy sinh nhất định cho kế hoạch dài hạn này.

 

“Chỉ lấy ví dụ với tái cơ cấu đầu tư công, chúng ta sẽ phải cắt giảm đầu tư công, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước, do vậy, nền kinh tế khó có thể tăng trưởng cao. Nhưng bù lại, thực hiện tái cấu trúc, nền kinh tế sẽ phát triển ổn định hơn, tạo đà cho tăng trưởng nhảy vọt những năm sau”, ông Ân nhận định.

 

Trong mục tiêu tổng quát của năm 2013 mà Chính phủ đề ra, cũng đã nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đi đôi với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững.

 

Một khía cạnh quan trọng khác, đó là tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Điều đó có nghĩa rằng, sức ép lên nền kinh tế trong năm 2013 càng trở nên nặng nề hơn.

 

Theo VQLKTTW, Nguồn: Đầu tư

 

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer