Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự và chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện các cơ quan trung ương, các Bộ, ngành và các diễn giả là nhà lãnh đạo của nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới lãnh đạo và Việt Nam.
Những chuyển dịch căn bản…
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu diễn ra từ năm 2008 đến nay, theo TS. Deborah Elms, Giám đốc Quỹ Temasek về Thương mại và Đàm phán Singapore: “đã khiến thương mại toàn cầu gần như sụp đổ”. Xuất khẩu toàn cầu giảm 23%, GDP toàn cầu giảm 2,5%. Riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu giảm 24%, vào Bắc Mỹ giảm 25%... Điều đó đã khiến các sáng kiến thương mại toàn cầu ngưng trệ và các hiệp định tự do thương mại (FTA) ngày càng phát triển.
Còn TS. Robert Scollay, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC của New Zealand, Đại học Auckland cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc, làm cho nước này và Mỹ như “nhóm G2 không chính thức” trong nền kinh tế thế giới, khiến Mỹ mất vị trí thống trị toàn cầu về kinh tế. Và Mỹ đã nhìn nhận mối quan hệ với Trung Quốc là “mối quan hệ quan trọng và thách thức nhất”.
Trong bối cảnh đó, các học giả cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đã và đang nổi lên là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất. Khu vực này đã và đang thu hút sự quan tâm của các nước, nhất là các cường quốc và các nước này đều có những điều chỉnh chiến lược, nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình ở đây.
Theo Thứ trưởng Thanh Sơn, tình hình và tương quan lực lượng ở khu vực và trên thế giới đang diễn ra những chuyển dịch hết sức nhanh chóng và sâu sắc. Các nước đều đang tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng, tích cực hội nhập và liên kết kinh tế, coi liên kết kinh tế là “công cụ” để phục hồi và nâng cao vị thế trong cục diện mới. “Sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do những lợi ích khi hội nhập với khu vực “đang phát triển năng động này” mang lại - TS. Robert Scollay khẳng định. Tiềm năng hội nhập sâu hơn và thu được lợi ích kinh tế lớn hơn kể cả khi Vòng đàm phán Doha của WTO thành công, ông Robert Scollay nhấn mạnh.
… và tác động đến Việt Nam
Các con số thống kê cho thấy, chỉ trong 10 năm (2000 - 2010), số lượng FTA song phương và khu vực được ký kết ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 20 lần, từ 3 lên 61 và hiện vẫn còn khoảng 80 hiệp định khác đang được đàm phán. Bên cạnh đó, hàng loạt các sáng kiến liên kết kinh tế mới đã và đang được thúc đẩy, hình thành, nổi bật là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN (RCEP), FTA Đông Bắc Á, sáng kiến Hợp tác kinh tế mở rộng ASEAN - Hoa Kỳ (E3) và các mục tiêu dài hạn như hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
“Những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc này tác động không nhỏ đến chủ trương, chính sách và các bước tham gia liên kết kinh tế quốc tế của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam” - Thứ trưởng Thanh Sơn nhận định. Để hội nhập quốc tế mới, sâu rộng và toàn diện, Thứ trưởng Thanh Sơn cho rằng “Thời gian 5-10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với phát triển và định vị nước ta. Hội nhập kinh tế quốc tế cần tạo chuyển biến về chất, đưa các mối quan hệ kinh tế vào chiều sâu, tăng cường lợi ích đan xen và chuẩn bị các điều kiện để hội nhập ở cấp độ cao hơn”.
Chỉ ra những lợi ích cụ thể khi Việt Nam tham gia vào các liên kết, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: ngoài APEC (elip lớn ở hình minh họa) thì ASEAN+3 đang chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ gây ảnh hưởng bởi TPP. Giao thoa giữa các khối này gồm 4 nước: Singapore, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Thâm hụt thương mại ngày càng lớn của Việt Nam đối với ASEAN+1 nên Việt Nam không được hưởng lợi. Trong khi đó khi tham gia TPP thì Việt Nam sẽ có lợi hơn về thương mại.
Báo Thế Giới và Việt Nam (Tuấn Anh)