Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN ASEM

TÀI LIỆU CƠ BẢN ASEM VÀ THAM GIA CỦA VIỆT NAM TRONG ASEM


I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DIỄN ĐÀN HỢP TÁC ASEM

1. Thành lập: Tháng 3/1996, Tiến trình Hợp tác Á - Âu (Asia-Europe Meeting - gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

2. Thành viên: Qua 5 đợt mở rộng, ASEM hiện có 53 thành viên (22 Á và
31 Âu): (i) HNCC ASEM 5, Hà Nội, 2004 (từ 26 thành viên lên 39); (ii) HNCC ASEM 7, Bắc Kinh, 2008 (45 thành viên); (iii) HNCC ASEM 8, Brussels, 2010
(48 thành viên); (iv) HNCC ASEM 9, Vientiane, 2012 (51 thành viên); và (v) HNCC ASEM 10, I-ta-li-a, 2014 (53 thành viên).

Vị thế và tiềm năng của ASEM: đại diện gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55 % GDP và gần 60 % thương mại toàn cầu.

3. Mục tiêu của ASEM: là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.

4. Nguyên tắc hoạt động: theo “Khuôn khổ Hợp tác Á-Âu 2000” (AECF 2000), thông qua tại Cấp cao ASEM 2, tháng 4/1998 và Cấp cao ASEM 3, tháng 10/2000, ASEM hoạt động theo 6 nguyên tắc:

(i) Đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi: Việc duy trì
nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ASEM do sự
đa dạng về lịch sử và văn hóa, về chế độ chính trị-xã hội và chênh lệch về trình độ phát triển.

(ii) ASEM là một tiến trình mở và tiệm tiến, không chính thức nên không
nhất thiết phải thể chế hóa.
Các hoạt động thường không có chương trình nghị sự bắt buộc, mà đối thoại thoải mái, cởi mở trên cơ sở một số vấn đề chính và
quan tâm của các thành viên.
ASEM không có Ban Thư ký thường trực mà
hoạt động được điều phối qua 4 điều phối viên.

(iii) Đồng thuận: Các quyết định của ASEM thường thông qua quá trình đạt đồng thuận, mà không ký kết hay bỏ phiếu.

(iv) Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình
đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động
phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.

(v) Triển khai cả 3 lĩnh vực hợp tác chủ yếu với sự thúc đẩy đồng đều -
tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy tới hợp tác trong các lĩnh vực khác.

(vi) Việc mở rộng thành viên được thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các Vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

5. Cấp quyết định chính sáchHội nghị Cấp cao, gồm các vị đứng đầu
Nhà nước hoặc Chính phủ của thành viên ASEM, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu và
Tổng Thư ký ASEAN; họp hai năm một lần, luân phiên Á – Âu nhằm quyết định phương hướng hợp tác dài hạn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn và kết nạp thành viên mới.

- Về cơ chế điều phối hoạt động:

(i) Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quan chức cao cấp ngoại giao (SOM) là kênh điều phối chung toàn bộ các hoạt động. Bộ trưởng kinh tế, tài chính, văn hóa …và cấp thứ trưởng điều phối trong các lĩnh vực chuyên ngành và nhóm họp khi cần thiết.

(ii) Cơ chế điều phối viên ASEM bảo đảm phối hợp các hoạt động
thường xuyên vì ASEM chưa thể chế hoá nên chưa có Ban Thư ký thường trực. Hiện có bốn điều phối viên, phân bổ như sau: 02 Châu Á (01đại diện Tiểu Nhóm ASEAN, 01 đại diện Tiểu Nhóm Đông Bắc Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương) và 02 châu Âu (EEAS là điều phối viên thường xuyên và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU). Các điều phối viên thu thập và cung cấp thông tin cho các thành viên,
thay mặt cho khu vực mình trao đổi với các khu vực khác về các vấn đề, sơ bộ lên kế hoạch hoạch hoạt động hàng năm
.

(iii) “Nhóm hỗ trợ Chủ tịch Hội nghị ASEM”  được thành lập tại  HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 10 (Hungary, 6/2011), nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi trong trao đổi và cập nhật thông tin, tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEM.

(iv) “Các Nhóm hợp tác ASEM theo lĩnh vực” được thành lập tại HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 11 (Ấn Độ, 11/2013) nhằm tăng cường hiệu quả
hoạt động của ASEM cũng như góp phần mở rộng nội hàm hợp tác và tăng tính
thực chất của Diễn đàn. ASEM hiện có 20 Nhóm hợp tác trong các lĩnh vực quản lý thiên tai, quản lý nguồn nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lượng, công nghệ, giáo dục, đào tạo nghề, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, quản lý
chất thải, thúc đẩy thương mại và đầu tư, và giảm nghèo...

6. Các hoạt động đối thoại và hợp tác ASEM tiến hành đồng đều trên 03
trụ cột chính:

(i) Đối thoại chính trị:

Các thành viên ASEM đã tiến hành đối thoại chính trị ở Cấp cao, cấp
Bộ trưởng Ngoại giao và cấp Đại diện Quan chức Cao cấp (SOM) nhằm tăng điểm đồng, tạo cơ sở cho việc xây dựng các mối quan hệ, hướng tới tiếng nói chung giữa các đối tác. Đối thoại chính trị tập trung vào các nhóm vấn đề như hòa bình, an ninh, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống.

(ii) Hợp tác kinh tế - tài chính:

Tập trung vào hợp tác thương mại, đầu tư và tài chính và được đẩy mạnh nhất trong phối hợp chính sách tài chính và hài hòa hóa thủ tục hải quan.

  • Hợp tác thương mại và đầu tư được thúc đẩy thông qua "Kế hoạch
    Hành động Thuận lợi hoá Thương mại" (TFAP), "Kế hoạch Hành động Xúc tiến Đầu tư" (IPAP). Diễn đàn doanh nghiệp (AEBF) trở thành một kênh quan trọng
    thúc đẩy trao đổi giữa các doanh nghiệp của hai châu lục. Kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM bị gián đoạn từ năm 2005.

  • Hợp tác tài chính được tiến hành chủ yếu thông qua kênh hội nghị
    Bộ trưởng tài chính ASEM (tổ chức 2 năm/lần), trao đổi các vấn đề cùng quan tâm như: cấu trúc tài chính quốc tế, chống rửa tiền, triển khai hiệu quả các nguyên tắc giám sát và quy định về tài chính, tăng cường hợp tác hải quan... Quỹ Tín thác ASEM (đã chấm dứt hoạt động năm 2006) là sáng kiến đem lại nhiều kết quả
    thiết thực, được đánh giá có hiệu quả cao nhất, góp phần giúp các nước thành viên châu Á điều chỉnh hệ thống tài chính - ngân hàng, giảm thiểu ảnh hưởng của
    khủng hoảng tài chính - tiền tệ, đóng góp phát triển xã hội và xoá đói nghèo.

    (iii) Hợp tác khác:

    Đây là mảng hợp tác có nhiều hoạt động, được triển khai thành công nhất, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng vào hợp tác xã hội, văn hóa và
    giáo dục, góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Á - Âu.

  • Hợp tác quản lý nguồn nước, đặc biệt là Đối thoại ASEM về Phát triển bền vững, được đồng bảo trợ bởi Hungary, Việt Nam, Rumani, Bungari, Thái Lan, Lào và gần đây là EU và Slovakia, là cơ chế đối thoại mới duy nhất được thiết lập kể từ HNCC ASEM 1.

  • Hợp tác văn hóa, đặc biệt là Đối thoại văn hóa văn minh được coi là một trọng tâm hợp tác ASEM và được thảo luận tại hầu hết các HNCC ASEM.
    Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh (thông qua tại ASEM 5) và Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa – Văn minh lần thứ nhất tại Bắc Kinh, 12/2003) và lần thứ hai tại Pari, 7/2005 vạch định hướng cho hợp tác trên lĩnh vực này.

  • Hợp tác giáo dục được các thành viên quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt là các chương trình giao lưu và hợp tác đào tạo thanh niên và sinh viên hai châu lục.  (sáng kiến Trung tâm giáo dục ASEM và học bổng ASEM-DUO). Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác đào tạo sau đại học và đào tạo nghề, các thành viên ASEM đã quyết định thành lập Ban Thư ký giáo dục ASEM do
    châu Á và châu Âu luân phiên đảm nhiệm (nay là Indonesia).

  • Các hoạt động tăng cường hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai
    châu lục phần lớn được thực hiện thông qua Quỹ Á – Âu (ASEF), có trụ sở tại Singapore với mục đích thúc đẩy giao lưu, hiểu biết giữa hai châu lục. Thành phần tham gia các hoạt động của ASEF gồm các học giả, các viện nghiên cứu, các cán bộ thuộc cơ quan chính phủ, các nhà hoạt động văn hóa, các tổ chức phi chính phủ, thanh niên, sinh viên và học sinh. Thông qua 4 kênh chính là giao lưu nhân dân, giao lưu trí thức, giao lưu văn hóa và quảng bá tuyên truyền, cho đến nay
    (từ 2/1997), Quỹ đã triển khai được hơn 600 dự án (Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học ASEM, mạng lưới các trường đại học Á-Âu, đối thoại thanh niên, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo trẻ, Hội trại Âm nhạc…), thu hút hơn 17.000 công dân Á - Âu tham gia. Những hoạt động này thực sự đã thúc đẩy giao lưu, tăng cường
    hiểu biết giữa nhân dân hai châu lục.

    II- VỀ SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM TRONG ASEM

    1. Qua 2 thập kỷ tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên
    tích cực, năng động và có trách nhiệm
    , phát huy được vai trò và vị thế tại
    Diễn đàn, nổi bật nhất là việc tổ chức thành công HNCC ASEM 5 (2004),
    05 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012).

    - Ta đề xuất hướng giải quyết cho 2 lần mở rộng ASEM (ASEM 5, 2004 và FMM 9, 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định
    quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố
    Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).

    - Ta đã tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến
    hợp tác trong khuôn khổ ASEM. Đến nay, ta đã đề xuất 22 sáng kiến và đồng
    bảo trợ 25 sáng kiến, đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn cùng nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước,
    ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, biến đổi khí hậu, giáo dục…

    - Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế
    hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về
    phát triển bền vững”,
    trong đó tập trung
    hợp tác tiểu vùng các nước ven sông
    Mê Công – Đa-nuýp, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên
    khu vực
    .

    - Đồng thời, ta đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên 2 nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á – Âu giai đoạn 2008 - 2012). Hiện nay ta đang phát huy vai trò tích cực trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai và đào tạo nghề.

    2. Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, chú trọng
    hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương, trong đó coi trọng Diễn đàn ASEM
    , tham gia ASEM của Việt Nam trong năm 2016 có nhiều nét nổi bật.

    Thứ nhất, ta tích cực tham gia đóng góp xây dựng định hướng hợp tác ASEM trong thập niên tới để đề xuất tại HNCC ASEM 11 (U-lan-ba-to, 15 – 16/7/2016) thông qua việc tổ chức “Hội nghị tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện trong thế kỷ 21” (Hà Nội, 20/4/2016) - Hội nghị quốc tế đầu tiên của diễn đàn đa phương sau Đại hội Đảng XII và cũng là Hội nghị tầm chính sách đầu tiên về ASEM do
    Việt Nam đăng cai kể từ sau khi tổ chức HNCC ASEM 5.

    Thứ hai, ta tích cực triển khai 3 sáng kiến của Lãnh đạo ta về “Tuần lễ
    thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức đói nghèo” (Hà Nội, 31/3 – 7/4/2016)
    ; “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro
    thiên tai: Sáng tạo và công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường”
    (Đà Nẵng, 14 – 15/9/ 2016); “Diễn đàn ASEM về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững” (Hà Nội, 27 – 28/10/2016).

    Thứ ba, ta cũng tích cực tham gia và chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của ASEM trong năm 2016 nhất là các lĩnh vực như kết nối, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn nước, an ninh lương thực, khoa học công nghệ,
    giáo dục đào tạo, nâng cao quyền năng của phụ nữ, phát triển nguồn nhân lực...

    3. Trong năm 2017, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức 03 hoạt động bao gồm:
    (i) Hội nghị ASEM về Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển
    bền vững (nửa đầu 2017); (ii) Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á – Âu lần thứ 37 (tháng 11 - 12/2017); (iii) Hội nghị Mô phỏng Hội nghị Cấp cao ASEM dành cho
    cán bộ trẻ các bộ, ngành và cơ quan đại diện thành viên ASEM tại Việt Nam
    (tháng 5 – 6/2017).

 

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2017

 


DANH SÁCH CÁC THÀNH VIÊN ASEM

 

Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) ra đời năm 1996. Cho đến nay, trải qua
5 lần mở rộng, số lượng thành viên ASEM đã tăng từ 26 lên 53 thành viên,
cụ thể như sau:

  • Tại HNCC ASEM 5 (Hà Nội, 2004): kết nạp 13 thành viên mới
    (Lào, Cam-pu-chia,
    Mi-an-ma, Síp, Séc, Ét-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Lít-va, Man-ta, Ba Lan, Xlô-va-ki-a, Xlô-vê-ni-a)

  • Tại HNCC ASEM 7 (Bắc Kinh, 2008): kết nạp 6 thành viên (Ấn Độ,
    Mông Cổ,
    Pa-kít-xtan, Ban Thư ký ASEAN, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni)

  • Tại HNCC ASEM 8 (Bờ-rúc-xen, 2010): kết nạp 3 thành viên (Nga,
    Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân)

  • Tại HNCC ASEM 9 (Viêng Chăn, 2012): kết nạp 3 thành viên
    (Băng-la-đét,  Na-uy, Thụy Sĩ)

  • Tại HNCC ASEM 10 (Mi-lan, 16-17/10/2014): kết nạp 2 thành viên
    (Crô-a-ti-a và Ca-dắc-xtan)

     

THÀNH VIÊN CHÂU Á

1.     Ốt-xtrây-li-a (năm 2010)

2.     Brunây Đa-ru-xa-lem

3.     Cộng hòa nhân dân Băng-la-đét (năm 2012)

4.     Vương quốc Cam-pu-chia (năm 2004)

5.     Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa

6.     Cộng hoà In-đô-nê-xi-a

7.     Cộng hoà Ấn Độ (năm 2008)

8.     Đại hàn Dân quốc

9.     Nhật Bản

10.                        Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (năm 2004)

11.                        Ma-lai-xi-a

12.                        Mông Cổ (năm 2008)

13.                        Liên bang Mi-an-ma (năm 2004)

14.                        Niu Di-Lân (năm 2010)

15.                        Cộng hoà Hồi giáo Pa-kít-xtan (năm 2008)

16.                        Cộng hoà Phi-líp-pin

17.                        Liên bang Nga (năm 2010)

18.                        Cộng hoà Xinh-ga-po

19.                        Vương quốc Thái Lan

20.                        Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

21.                        Ban Thư ký ASEAN (từ năm 2008)

22.                        Cộng hòa Ca-dắc-xtan (năm 2014)

 

THÀNH VIÊN CHÂU ÂU

1.     Cộng hoà Áo

2.     Vương quốc Bỉ

3.     Cộng hoà Bun-ga-ri (năm 2008)

4.     Cộng hoà Síp (năm 2004)

5.     Cộng hoà Séc (năm 2004)

6.     Vương quốc Đan Mạch

7.     Cộng hoà Ét-xtô-ni-a (năm 2004)

8.     Uỷ ban Châu Âu

9.     Cộng hoà Phần Lan

10.                        Cộng hoà Pháp

11.                        Cộng hoà Liên bang Đức

12.                        Cộng hoà Hy Lạp

13.                        Hung-ga-ri (năm 2004)

14.                        Ai-len

15.                        Cộng hoà I-ta-li-a

16.                        Cộng hoà Lát-vi-a (năm 2004)

17.                        Cộng hoà Lít-va (năm 2004)

18.                        Đại công quốc Lúc-xăm-bua

19.                        Cộng hoà Man-ta (năm 2004)

20.                        Vương quốc Na-uy (năm 2012)

21.                        Vương quốc Hà Lan

22.                        Cộng hoà Ba Lan (năm 2004)

23.                        Cộng hoà Bồ Đào Nha

24.                        Ru-ma-ni (năm 2008)

25.                        Cộng hoà Xlô-va-ki-a (năm 2004)

26.                        Cộng hoà Xlô-vê-ni-a (năm 2004)

27.                        Vương quốc Tây Ban Nha

28.                        Vương quốc Thụy Điển

29.                        Liên bang Thụy Sĩ (năm 2012)

30.                        Vương quốc Anh

31.                        Cộng hòa Crô-a-ti-a (năm 2014)./.

Nguồn: Vụ KTĐP

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer