Cùng ngày, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã ra Tuyên bố của Lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà nhằm tổng kết toàn bộ hoạt động và các kết quả quan trọng của Năm APEC 2019, năm kỷ niệm tròn ba thập kỷ kể từ khi APEC được thành lập.
Với chủ đề “Kết nối con người, vun đắp tương lai”, dù Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 không diễn ra như kế hoạch, năm 2019 tiếp tục đánh dấu những bước triển khai mạnh mẽ của APEC trên tất cả các trụ cột hợp tác, nhất là hiện thực hóa các ưu tiên về thương mại tự do và mở, xây dựng xã hội số, liên kết 4.0, phụ nữ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và tăng trưởng bền vững, bao trùm…
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt, tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm, các thành viên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, xây dựng các kế hoạch hành động hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), đẩy mạnh chuỗi cung ứng và sự hội nhập toàn cầu của MSMEs và doanh nghiệp khởi nghiệp. Các thành viên cũng nhấn mạnh cần xác định các biện pháp thiết thực và cụ thể để APEC ủng hộ mạnh mẽ hơn những nỗ lực hiện nay của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Hội nghị thông qua chủ trương xây dựng Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu sau năm 2020, trong đó chú trọng cải cách cơ cấu toàn diện, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo môi trường kinh doanh hiệu quả và thích ứng với những thay đổi của kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, Hội nghị đặc biệt đề cao thúc đẩy hợp tác APEC về kinh tế số, thương mại điện tử, thương mại thông minh. Hội nghị đánh giá cao APEC đã chính thức thành lập Nhóm chỉ đạo kinh tế số trong năm 2019 nhằm tăng cường hợp tác để châu Á - Thái Bình Dương đi đầu trong tận dụng các cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ công nghệ số.
Cũng tại Hội nghị, các thành viên đã thông qua Lộ trình La Serena về Phụ nữ và tăng trưởng bao trùm, Lộ trình APEC về rác thải cứng đại dương và Lộ trình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đây là những kết quả nổi bật của APEC trong năm nay nhằm đóng góp thiết thực vào các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và bao trùm, đem lại lợi ích cho người dân.
Các thành viên đánh giá cao Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến năm 2040”. Báo cáo là kết quả nghiên cứu của Nhóm trong suốt hai năm qua theo sáng kiến APEC hướng tới tương lai được thông qua tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng hàng đầu trong quá trình thảo luận về Tầm nhìn APEC để trình các nhà Lãnh đạo thông qua trong năm tới.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị với đại diện của Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã tiếp tục đóng góp tích cực, cùng các thành viên thúc đẩy thông qua các kết quả quan trọng của Năm APEC 2019. Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với Malaysia và các thành viên ASEAN để bước đầu xác định những trọng tâm hợp tác của năm 2020 khi Malaysia đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC.
Cũng trong dịp này, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn đã thay mặt Nhóm báo cáo các khuyến nghị về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Đây là đóng góp nổi bật của Việt Nam nhằm tiếp tục phát huy vai trò khởi xướng ý tưởng xây dựng tầm nhìn trong Năm APEC 2017.
Nhìn lại năm 2019 đầy biến động phức tạp và khó lường, với những kết quả quan trọng đạt được, có thể khẳng định hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ APEC tiếp tục được giữ vững. APEC tiếp tục là diễn đàn quan trọng hàng đầu thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đóng góp duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Các thành viên APEC quyết tâm cùng hướng tới tương lai với niềm lạc quan và tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò không thể thiếu của APEC vì một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, gắn kết và vì lợi ích của người dân.
|