Bãi bỏ quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Thực thi phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành ban hành kèm theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ, ngày 22/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo đó, một trong các nội dung được quy định tại Nghị định số 46/2012/NĐ-CP nêu rõ: “ Trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở hoặc chủ phương tiện phải có văn bản thông báo cam kết với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; đồng thời, gửi kèm theo các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy”.
Như vậy, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, chủ phương tiện, chủ cơ sở chỉ cần có văn bản thông báo cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy cùng các tài liệu chứng minh đi kèm là có thể hoạt động ngay mà không cần chờ phản hồi từ phía cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Quy định tại Nghị định số 46/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/7/2012 được áp dụng cho các đối tượng sau:
1. Nhà ở, khách sạn, văn phòng làm việc, nhà cho thuê văn phòng có chiều cao từ 7 tầng trở lên.
2. Cơ sở sản xuất, chế biến xăng dầu, khí đốt hoá lỏng và hoá chất dễ cháy, nổ, với mọi quy mô.
3. Cơ sở sản xuất, gia công, cung ứng, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
4. Kho xăng dầu có tổng dung tích 500 m3 trở lên, kho khí đốt hoá lỏng có tổng trọng lượng khí từ 600 kg trở lên.
5. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng.
6. Chợ kiên cố hoặc bán kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1200m2 trở lên hoặc có từ 300 hộ kinh doanh trở lên, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hoá có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
7. Nhà máy nhiệt điện có công suất từ 100.000 KW trở lên, nhà máy thuỷ điện có công suất từ 20.000 KW trở lên, trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên.
8. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy như tàu thủy, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm cháy, nổ được chế tạo mới hoặc hoán cải.
Quy định mới tại Nghị định số 46/2012/NĐ-CP đã tạo thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện phòng, chống cháy, nổ nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình và xã hội.
(Nguồn: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |