Quy định mới về thủ tục thủ tục cấp phép cho tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác
Nhiều nội dung của phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được thực thi
Tại Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT, thủ tục cấp các giấy tờ có liên quan đến tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam được quy định chi tiết hơn, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Thông tư quy định cụ thể mẫu đơn đề nghị, trong đó đã bỏ yêu cầu có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, nơi chủ tàu cá đăng ký. Đây là loại bỏ một thủ tục hành chính "con" không cần thiết trong quá trình thực hiện, giúp giảm chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức theo đúng phương án được phê duyệt tại Nghị quyết số 57/NQ-CP. Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định rõ đặc tính của các thành phần hồ sơ phải nộp là bản sao chụp thay thế cho bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực. Đồng thời, giảm thời gian cấp phép từ 07 ngày xuống còn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đối với thủ tục nhận lại các giấy tờ của tổ chức, cá nhân đã nộp cho Tổng cục Thủy sản sau khi kết thúc khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam, Thông tư đã cụ thể hóa mẫu đơn đề nghị, cũng như quy định cụ thể thời hạn giải quyết là 02 ngày làm việc (giảm 03 ngày làm việc so với trước đây). Đây chính là những điểm mới thể hiện rõ tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức.
Vẫn còn những bất cập trong quy định cần tiếp tục đơn giản hóa
Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT đã thể hiện được nhiều nội dung của phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 57/NQ-CP, tuy nhiên, một số nội dung quy định về nhóm thủ tục hành chính đối với tàu cá đi khai thác ở ngoài vùng biển Việt Nam vẫn còn những bất cập có thể gây khó khăn, làm tăng chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện.
Đối với thủ tục cấp phép cho tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác ở ngoài vùng biển Việt Nam
Thông tư quy định rõ Tổng cục Thủy sản xem xét thẩm định hồ sơ và cấp các giấy tờ (kết quả giải quyết thủ tục hành chính) gồm: (1) Giấy phép cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam, (2) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, (3) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, (4) Danh sách thuyền viên và người làm việc trên tàu cá; đồng thời, yêu cầu khi đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân nộp lại cho Tổng cục Thủy sản bản chính các giấy tờ sau để lưu giữ và sẽ trả lại cho cá nhân, tổ chức khi kết thúc khai thác gồm: (1) Giấy phép khai thác thủy sản, (2) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, (3) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Có thể thấy, đối với Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, khi tổ chức, cá nhân đăng ký đi khai thác ở ngoài vùng biển Việt Nam thì cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Tổng cục Thủy sản sẽ thu lại và cấp cho tổ chức, cá nhân Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá mới.
Quy định này làm phát sinh chi phí không cần thiết cho cả nhà nước và cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, khi mẫu số (2) và (3) đang áp dụng theo Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS ngày 03/07/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc ban hành Quy chế Đăng ký tàu cá và thuyền viên đã được chuẩn hóa quốc tế (có cả nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Do đó, khi đăng ký đi khai thác ở vùng biển ngoài Việt Nam, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể sử dụng giấy tờ này nếu đáp ứng đủ điều kiện và còn thời hạn sử dụng trong quá trình khai thác ở ngoài vùng biển Việt Nam để giảm chi phí và tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan quản lý trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nói trên.
Đối với thủ tục nhận lại các giấy tờ của tổ chức, cá nhân đã nộp cho Tổng cục Thủy sản sau khi kết thúc khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam
Khoản 2 Điều 4 Thông tư này bổ sung yêu cầu khi đến nhận lại các giấy tờ đã nộp cho Tổng cục Thủy sản, tổ chức, cá nhân phải nộp thêm Biên bản thanh lý Hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với đối tác nước ngoài khi hết hạn (Thanh lý hợp đồng bản chính tiếng Việt hoặc bản sao dịch sang tiếng Việt có công chứng) hoặc văn bản giải trình lý do phải về nước sớm; trường hợp chủ tàu bị mất các giấy tờ đã được cấp, phải có đơn trình báo lý do mất, được cơ quan Công an hoặc UBND xã xác nhận. Việc yêu cầu nộp thêm Biên bản thanh lý hợp đồng hoặc văn bản giải trình lý do về nước sớm là không cần thiết, can thiệp sâu vào quan hệ dân sự, kinh tế của cá nhân, tổ chức. Việc thực hiện hợp đồng và thời gian khai thác như thế nào cho phù hợp là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, khi yêu cầu cơ quan công an hoặc UBND xã xác nhận vào đơn trình báo trong trường hợp mất giấy tờ vừa chưa rõ nội dung xác nhận, vừa không phù hợp vì thực tế việc khai thác diễn ra ở ngoài phạm vi quản lý của các cơ quan này nên việc xác thực lý do mất như quy định trên chỉ mang tính hình thức.
Có thể thấy, ngoài một số điểm đã được cải cách cho phù hợp với phương án đơn giản hóa tại Nghị quyết số 57/NQ-CP, Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT vẫn còn những quy định không cần thiết và gây khó khăn, tốn kém chi phí cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính hướng tới thủ tục hành chính thật sự đơn giản, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động khai thác thủy sản./.
(Nguồn: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính)
Back Top page Print Email |