Sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp đã giải cứu hàng loạt doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Ngày 20/6/2013, Luật sửa đổi bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp (Luật số 37/2013/QH13) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2013.
 
Khoảng 3000 doanh nghiệp FDI rơi vào tình trạng “vi phạm Luật”


Trước đây, tại Khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn đăng ký lại hoặc không đăng ký lại; nếu đăng ký lại thì các doanh nghiệp sẽ được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 và pháp luật khác có liên quan, nhưng việc đăng ký lại phải được thực hiện gọn trong thời hạn 2 năm tính từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực thi hành; nếu không đăng ký lại thì doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Năm 2009, để đảm bảo kéo dài thời hạn đăng ký lại cho doanh nghiệp FDI, Quốc hội đã sửa đổi, gia hạn thời hạn này thành 5 năm, tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2011(quy định tại Điều 3 Luật số 38/2009/QH12) và coi đó là thời hạn cuối cùng để Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại.

Tuy nhiên, tính đến ngày 1/7/2011, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này khoảng 18,5 tỷ USD với số lao động sử dụng là 446.000 người. Trong đó, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại giấy phép đầu tư nhưng không kịp đăng ký lại; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong giấy phép đầu tư nhưng chỉ muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh; một số doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động và phương thức quản lý đã ổn định trong nhiều năm; một số doanh nghiệp muốn đăng ký lại nhưng không có được sự đồng thuận, nhất trí giữa các bên liên doanh; một số doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ những khó khăn có thể nảy sinh nếu không đăng ký lại... Và vô tình, khoảng 3000 doanh nghiệp này đều rơi vào tình trạng vi phạm Luật.

Hậu quả gì sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp này khi thời hạn đăng ký lại (ngày 01 tháng 7 năm 2011) đã hết? đương nhiên, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động và giải thể trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đang được duy trì tốt.

Nội dung sửa đổi


Ngày 20 tháng 6 năm 2013, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Sửa đổi bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp.Theo quy định mới, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 có quyền lựa chọn một trong hai trường hợp sau đây:

- Đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư thì thời hạn cho việc đăng ký lại là trước ngày 01 tháng 02 năm 2014;

- hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn được phép điều chỉnh, bổ sung ngành nghề. Tuy nhiên, nếu sự điều chỉnh làm thay đổi thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư thì các doanh nghiệp này phải thực hiện đăng ký lại.

Nội dung sửa đổi theo quy định mới đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, giải cứu cho các doanh nghiệp này khỏi tình trạng vi phạm pháp luật; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này yên tâm gắn bó lâu dài với nền kinh tế của Việt Nam./.

(Nguồn: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính)

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn