Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Người dân có thêm quyền lựa chọn khi thực hiện hoạt động chứng thực (02-07-2014)

Ngày 20 tháng 6 năm 2014, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ 90,16% đại biểu Quốc hội tán thành trên tổng số 90,56% đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp. Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.


Luật Công chứng (sửa đổi) có một số điểm mới trong quy định về phạm vi công chứng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và quản lý nhà nước về công chứng.

Trong các điểm mới nêu trên thì có một điểm mới đáng lưu ý là phạm vi công chứng. Theo đó, phạm vi công chứng được mở rộng hơn so với Luật công chứng năm 2006, cụ thể là bên cạnh nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật công chứng (sửa đổi) giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại (Khoản 1 Điều 2); đồng thời, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực (Điều 78).

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủvề cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, để thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản thìngười dân thực hiện thủ tục chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với chứng thực bản sao từ bản chính các văn bản giấy tờ bằng tiếng Việt, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt) và tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; giấy tờ, văn bản song ngữ, văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, giấy tờ, văn bản song ngữ và giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt).Thủ tục chứng thực được giải quyết trong ngày làm việc, trường hợp yêu cầu chứng thực với số lượng lớn thì việc chứng thực có thể được hẹn lại để chứng thực sau nhưng không quá 2 ngày làm việc (đối với chứng thực bảo sao từ bản chính); trường hợp cần phải xác minh làm rõ nhân thân của người yêu cầu chứng thực thì thời hạn trên được kéo dài thêm nhưng không được quá 3 ngày làm việc (đối với chứng thực chữ ký).

Người dân đang chờ để thực hiện thủ tục chứng thực tại UBND quận Ba Đình

Ảnh: Trà My

Với quy định nêu trên đã tạo thuận lợi phần nào cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục. Tuy nhiên trong một số thời điểm, ở một số cơ quan nhà nước thì hoạt động chứng thực đang gây quá tải cho đơn vị bởi cán bộ tư pháp – hộ tịch còn phải giải quyết nhiều công việc khác bên cạnh hoạt động chứng thực.

Như vậy, với quy định mới của Luật Công chứng (sửa đổi) thì người dân sẽ có thêm sự lựa chọn trong việc thực hiện thủ tục chứng thực, thay vì chỉ được thực hiện thủ tục chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người dân có thể lựa chọn thực hiện thủ tục này tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn địa phương (bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng). Từ đó có thể rút ngắn được thời gian thực hiện cho cá nhân, tổ chức và giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.

Nguồn: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer