Luật Công chứng (sửa đổi) có một số điểm mới trong quy định về phạm vi
công chứng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã
hội-nghề nghiệp và quản lý nhà nước về công chứng.
Trong các điểm mới nêu trên thì có một điểm mới đáng lưu ý là phạm vi
công chứng. Theo đó, phạm vi công chứng được mở rộng hơn so với Luật
công chứng năm 2006, cụ thể là bên cạnh nhiệm vụ chứng nhận tính xác
thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật công chứng (sửa đổi)
giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản
từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại (Khoản 1 Điều 2); đồng
thời, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao
từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện
theo quy định của pháp luật về chứng thực (Điều 78).
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5
năm 2007 của Chính phủvề cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ
bản chính, chứng thực chữ ký và Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày
20/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số
79/2007/NĐ-CP, để thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng
thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản thìngười dân thực hiện thủ tục chứng
thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với chứng thực bản sao
từ bản chính các văn bản giấy tờ bằng tiếng Việt, chứng thực chữ ký
trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt) và tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với chứng thực bản
sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; giấy tờ,
văn bản song ngữ, văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký
của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng
Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong
các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, giấy tờ, văn bản song ngữ và
giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt).Thủ tục chứng thực được giải
quyết trong ngày làm việc, trường hợp yêu cầu chứng thực với số lượng
lớn thì việc chứng thực có thể được hẹn lại để chứng thực sau nhưng
không quá 2 ngày làm việc (đối với chứng thực bảo sao từ bản chính);
trường hợp cần phải xác minh làm rõ nhân thân của người yêu cầu chứng
thực thì thời hạn trên được kéo dài thêm nhưng không được quá 3 ngày làm
việc (đối với chứng thực chữ ký).
|
Người dân đang chờ để thực hiện thủ tục chứng thực tại UBND quận Ba Đình
Ảnh: Trà My
|
Với quy định nêu trên đã tạo thuận lợi phần nào cho cá nhân, tổ chức
khi thực hiện thủ tục. Tuy nhiên trong một số thời điểm, ở một số cơ
quan nhà nước thì hoạt động chứng thực đang gây quá tải cho đơn vị bởi
cán bộ tư pháp – hộ tịch còn phải giải quyết nhiều công việc khác bên
cạnh hoạt động chứng thực.
Như vậy, với quy định mới của Luật Công chứng (sửa đổi) thì người dân
sẽ có thêm sự lựa chọn trong việc thực hiện thủ tục chứng thực, thay vì
chỉ được thực hiện thủ tục chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy
ban nhân dân cấp huyện thì người dân có thể lựa chọn thực hiện thủ tục
này tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn địa phương (bao
gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng). Từ đó có thể rút ngắn
được thời gian thực hiện cho cá nhân, tổ chức và giảm áp lực cho các cơ
quan hành chính nhà nước.
Nguồn: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính