Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn phát biểu tại Lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) – La Lay (Salavan), tháng 6/2014.
Báo Thế giới và Việt Nam - Trong năm qua, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và hết sức phức tạp. Công tác biên giới lãnh thổ gặp nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc tăng cao trên các tuyến biên giới, đặc biệt là trên biển với vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo và chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao với các Bộ ngành, cơ quan chức năng và các địa phương liên quan, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ Bộ Ngoại giao, chúng ta đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, thể hiện ở một số mặt tiêu biểu sau:
Trước hết, ta tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan đàm phán giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Việt Nam và Lào đã phối hợp triển khai và hoàn thành toàn bộ công tác cắm cọc dấu bổ sung và các công việc phát sinh.
Nỗ lực lớn trong phân giới cắm mốc
Đây là cơ sở quan trọng để hai bên tiến tới xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào, ghi nhận toàn bộ thành quả đàm phán từ trước đến nay. Trong thời gian tiếp theo, hai bên sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai các công việc còn lại, phấn đấu hoàn thành toàn bộ kế hoạch tăng dày tôn tạo, để ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam- Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trong năm 2015.
Công tác tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tuy còn khó khăn nhưng đã có những bước chuyển biến. Năm 2014, hai bên đã có nỗ lực rất lớn trong công tác phân giới cắm mốc, xác định được 16 vị trí/18 cột mốc và xây dựng 13 vị trí/15 cột mốc, đây là một bước tiến lớn so với năm trước. Việt Nam và Campuchia đều quyết tâm giải quyết những vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, thể hiện tiêu biểu trong Tuyên bố chung Việt Nam- Campuchia nhân chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 23-24/12/2014: "Hai bên tái khẳng định tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Hiệp ước, Hiệp định và các Thỏa thuận về biên giới giữa hai nước và quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền nhằm xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển". Thời gian tới hai bên cố gắng hoàn thành các công việc trên thực địa, làm cơ sở cho công tác nội nghiệp và xây dựng các văn kiện quản lý biên giới.
Quản lý tốt biên giới biển
Thứ hai, công tác quản lý biên giới và vùng biển đã được thực hiện tốt. Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc, chúng ta tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc, góp phần duy trì trật tự trị an ở khu vực biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh biên giới. Ngoài ra, hai bên tiếp tục thúc đẩy công tác đàm phán của hai Nhóm công tác chung: Nhóm công tác về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam- Trung Quốc.
Công tác quản lý biên giới biển năm 2014 đã đạt được những thành tích nổi bật, đặc biệt là trong xử lý vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Trong suốt quá trình đấu tranh phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc (từ 2/5- 15/7/2014), chúng ta đã hết sức kiềm chế, theo dõi sát mọi diễn biến, đề xuất chủ trương và biện pháp, xử lý vụ việc trên tất cả các mặt trận chính trị, ngoại giao, pháp lý và tuyên truyền nhằm bảo vệ quyền lợi của đất nước. Chúng ta đã cho lưu hành ở Liên hợp quốc năm công hàm và tài liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trong ngoại giao song phương với Trung Quốc, ta đã tiến hành hơn 40 cuộc tiếp xúc, giao thiệp với phía Trung Quốc ở nhiều cấp, nhiều ngành, gồm cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Bên cạnh đó, ta đã tổ chức năm cuộc họp báo quốc tế để thông báo tình hình cho báo giới và cộng đồng quốc tế. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của ta đã chủ động thông báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế, khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sự vận động quốc tế nhanh chóng và kịp thời đã giúp ta nhận được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của các nước và các tổ chức quốc tế. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 24 lần đầu tiên sau gần 20 năm ra Tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông; Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Lãnh đạo Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Tổng Thư ký NATO, Cao ủy EU về An ninh và Đối ngoại và chính quyền nhiều nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Australia, Ấn Độ đều lên tiếng bày tỏ quan ngại trước diễn biến căng thẳng ở Biển Đông và nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Nhờ xử lý vụ việc đồng bộ, kịp thời trên tất cả các mặt trận, ta đã kiểm soát tốt tình hình, kiên trì đấu tranh và Trung Quốc đã phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam (15/7/2014), đồng thời ta vẫn giữ được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như quan hệ với Trung Quốc.
Đối với các hành vi lấn biển, mở rộng, xây dựng các công trình trên các cấu trúc ở Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, Người phát ngôn ta cũng đã phát biểu yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng ta đang phối hợp tốt với các nước ASEAN từng bước thúc đẩy Trung Quốc tham gia bàn bạc cụ thể hóa Điều 5 Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), yêu cầu các bên kiềm chế, không có những việc làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình.
Thứ ba, công tác ngoại giao đa phương liên quan đến biên giới lãnh thổ cũng được Bộ Ngoại giao chú trọng với tâm điểm là phối hợp với các nước ASEAN và bạn bè quốc tế nêu cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực, thực hiệm nghiêm túc DOC. Với những nỗ lực không ngừng, ta cùng các nước ASEAN từng bước cùng Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tiến tới ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Vai trò truyền thông
Thứ tư, ta đã làm tốt công tác tuyên truyền liên quan đến biên giới lãnh thổ. Ngoài công tác tuyên truyền thường xuyên, phải kể đến những hoạt động đấu tranh, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Chúng ta đã chuẩn bị tốt nội dung, cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo các cấp trả lời báo chí; tham gia các diễn đàn, hội nghị trong nước và quốc tế; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn, cập nhật nội dung, in ấn và tái bản các ấn phẩm tuyên truyền phục vụ yêu cầu tuyên truyền trong nước và ở ngoài nước. Nhờ sự tích cực và hiệu quả của công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo ở cả trong và ngoài nước, ta đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Nhìn lại một năm qua, công tác biên giới lãnh thổ đã được thực hiện tốt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, duy trì môi trường quốc tế hòa bình ổn định cho phát triển đất nước. Bước sang năm 2015, công tác ngoại giao nói chung và công tác biên giới lãnh thổ nói riêng sẽ tiếp tục có những thử thách và khó khăn mới. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, Bộ Ngoại giao cũng sẽ luôn nỗ lực hết sức mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi của đất nước. Trong năm tới, chúng ta sẽ phấn đấu giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác biên giới lãnh thổ, tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã đề ra.
Hồ Xuân Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia