Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đối ngoại Việt Nam 2014 - Tích cực và chủ động
|
Nhà báo Việt Lâm, nhà báo Minh Nguyệt và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc đối thoại trực tuyến (từ trái sang). Ảnh: Quang Hòa |
Xin cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành thời gian đến với chương trình và trao đổi với độc giả. Thưa ông, rất nhiều độc giả muốn đặt cho ông câu hỏi: nếu phải nhận xét ngắn gọn trong một vài chữ thì nguyên Phó Thủ tướng sẽ dùng những từ nào để mô tả về đối ngoại Việt Nam 2014? Trước khi trả lời, tôi muốn nói rằng chúng ta sắp kết thúc một năm cũ 2014 và bước sang một năm mới 2015, tôi rất vui khi có dịp nói chuyện với nhà báo, độc giả của hai tờ báo phổ biến ở nước ta là VietNamNet và Thế giới &Việt Nam. Tôi đến đây với danh nghĩa một người nghiên cứu, phát biểu với tư cách cá nhân của một cán bộ về hưu. Nhân dân ta vốn ham thời sự, người về hưu càng ham thời sự hơn. Tôi cũng là một trong số đó, cho phép tôi chia sẻ suy nghĩ của một người ham thời sự thôi chứ không đại diện cho một cơ quan chính thức nào cả. Các hoạt động xã hội nói chung và đặc biệt là các hoạt động ngoại giao liên quan đến nhiều quốc gia và không thể khái quát hết bằng một hai chữ. Có khi nói một hai chữ dẫn đến không hiểu rõ, có thể hiểu sai. Mặc dù vậy, theo tôi, ấn tượng trong năm 2014 về hoạt động ngoại giao được khái quát trong hai chữ “chủ động”, “tích cực”. “Chủ động” ở đây là chúng ta tự quyết định các hoạt động để phục vụ cho lợi ích của mình. Còn “tích cực” ở đây có hai nghĩa: năng động và thái độ xây dựng, đối lập với thái độ tiêu cực. Chúng ta đã chủ động, tích cực trên cả ba lĩnh vực: Tích cực bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; Tích cực hội nhập quốc tế để có môi trường phát triển; Tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong hàng loạt các sự kiện và diễn biến sôi động trong năm qua, theo ông, sự kiện đối ngoại nào đã thể hiện đậm nét nhất dấu ấn của Việt Nam? Chắc chắn mọi người Việt Nam đều thống nhất với nhau một điểm rằng năm 2014, chúng ta đã hoạt động tích cực, chủ động để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước những diễn biến không đơn giản ở Biển Đông. Có lẽ đó là hoạt động đối ngoại nổi bật nhất của Việt Nam bên cạnh nhiều hoạt động khác trên trường quốc tế trong năm 2014. Thưa ông, năm qua cũng là năm chứng kiến những chuyển động mang tính chiến lược trong môi trường chính trị - an ninh quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng đó là một năm đầy bất an bất ổn, hỗn loạn và khó dự đoán. Một môi trường như thế đã ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta? Đúng là môi trường quốc tế năm 2014 thực sự biến động, bất định. Nếu nhìn lên bản đồ thế giới, ví dụ như về khí hậu, chỗ nào nóng thì sẽ có màu đỏ. Có thể nói, trên bản đồ chính trị thế giới năm nay cũng có một số “mảng đỏ”. Ở đây tôi xếp ngẫu nhiên, không phải cái nào quan trọng hơn cái nào. “Mảng đỏ” lớn thứ nhất là ở Đông Âu, liên quan đến Ukraine; thứ hai là Trung Đông, cái này đỏ từ lâu rồi; thứ ba là Tây Thái Bình Dương, bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông; và thứ tư là các vấn đề kinh tế, đặc biệt là giá dầu. Đây là 4 “mảng” đặc trưng của năm 2014. Tất cả các mảng này đều ảnh hưởng đến Việt Nam, bởi chúng ta là một quốc gia sống trong môi trường toàn cầu nên không thể tách biệt được. Cũng như con người sống trong không khí trong lành thì người khỏe mạnh, trái nắng trở trời thì người khó chịu. Thế giới xáo động như thế nên tất nhiên chúng ta cũng bị ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị, an ninh. Phải nói rằng, bản lĩnh Việt Nam đã thực sự được thử lửa với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Bây giờ nhìn lại, theo ông, chúng ta có thể rút ra được bài học gì về đối ngoại? Năm 2015, có nhiều ngày kỷ niệm tròn (Quốc khánh, thành lập Đảng, giải phóng miền Nam, sinh nhật Bác…). Tất cả những sự kiện lịch sử đó tạo nên đường nét chủ yếu của đường lối đối ngoại của chúng ta. Trong năm 2014, chúng ta ứng xử với sự kiện giàn khoan bằng cách vận dụng những bài học đã tích lũy được trong lịch sử lâu dài của chúng ta. Không phải là bài học chỉ qua sự kiện này, đây là một phiên bản lặp lại những kinh nghiệm chúng ta đã học được. Đó là bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta, nước ta, ngành Ngoại giao của chúng ta để lại. Về nguyên tắc: Một là, kiên định mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hai là, trong hoàn cảnh ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, mục tiêu là giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước sau khi trải qua chiến tranh khiến Việt Nam bị tụt hậu xa so với thế giới. Về triển khai: Để giữ được mục tiêu thì phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Bác Hồ đã dạy. Nguyên tắc thì kiên định, sách lược phải linh hoạt. Nguyên tắc như tôi đã nói ở trên: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình. Chúng ta đã vận dụng nhiều biện pháp linh hoạt để thực hiện nguyên tắc, mục tiêu đó, trong đó đáng kể nhất chúng ta đã vận dụng nội lực, thực lực. Phải nói rằng không có thực lực thì khó lòng chiến thắng, như Bác Hồ từng nói: “Ngoại giao có thắng thì phải do thực lực”. Thực lực như cái chiêng, chiêng to thì tiếng mới lớn. Mặt khác, cần hiểu thực lực không chỉ là “thực lực cứng”, sức mạnh kinh tế, quốc phòng… mà còn là “thực lực mềm”, mà “thực lực mềm” của Việt Nam rất lớn. Từ trong kháng chiến, chúng ta luôn đối phó với các thế lực lớn. Thứ nhất, thực lực mềm chính là lòng yêu nước, hun đúc qua hàng nghìn năm. Trước các sự kiện năm 2014, chúng ta cảm nhận rõ, từ người già đến trẻ nhỏ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, mạnh mẽ. Thứ hai, đó là sự nghiệp chính nghĩa, nhận được sự ủng hộ của toàn dân và thế giới. Thứ ba, khơi dậy tình đoàn kết toàn dân tộc nhưng không rơi vào dân tộc chủ nghĩa, kích động, hẹp hòi. Thứ tư, sự đồng tình ủng hộ của những người yêu công lý trên thế giới. Trong quá khứ, kể cả ở những nước xâm lược Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình ở đó vẫn ủng hộ ta. Thứ năm, chúng ta có đường lối đúng. Đó là những bài học về phát huy thực lực giải quyết các thách thức ngoại giao. Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự và sân bay tại đảo Gạc Ma thì có nguy hiểm hơn vụ việc hạ đặt giàn khoan hay không? Nếu như sân bay quân sự này xây dựng xong rồi thì nó sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến hiện trạng tranh chấp chủ quyền hiện tại trên Biển Đông và Việt Nam phải làm sao? Tôi không phải nhà quân sự. Tôi không phán đoán có nguy hiểm về quân sự hay không. Nhưng theo tôi, bất cứ hành động nào vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác đều là nguy hiểm. Mỗi một hành động của Trung Quốc như vậy đều có tính chất riêng nên chúng ta phải xem xét từng trường hợp cụ thể, không nên đặt phép so sánh nào cả. Thưa ông, bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn đã tạo ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam như thế nào? Sự cọ xát giữa các nước lớn không phải bây giờ mới có mà nó tồn tại lâu rồi. Nói gần hơn nó đã tồn tại mấy thế kỷ, co lại nữa là thế kỷ XX đã chứng kiến sự cọ xát nước lớn đưa đến hai cuộc chiến tranh thế giới, cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Tôi không muốn nói đến việc sự cọ xát đó đem lại những cơ hội gì, chủ yếu nó đem lại những thách thức. Có người nói “trâu bò đánh nhau” thì chúng ta có thể lợi dụng được sự đánh nhau đó, nhưng theo tôi lợi dụng như thế cũng chẳng tốt đẹp gì và không dễ dàng. Theo tôi, chính sự cọ xát đó đang làm cho thế giới trở nên rối loạn, tạo ra thách thức đối với các dân tộc, mà trực tiếp là những dân tộc bị lôi cuốn vào tranh chấp nước lớn đó. Những thách thức tồn tại ở khía cạnh chính trị - an ninh mà chúng ta đã cảm nhận thấy rất rõ, tiếp đến là những thách thức về kinh tế, sự trừng phạt lẫn nhau giữa các quốc gia làm cho quan hệ kinh tế quốc tế rối loạn và cuối cùng là thách thức trong mối quan hệ giữa các dân tộc. Tôi thấy Việt Nam phải đối mặt với thách thức nhiều hơn, tôi không muốn nói đến cơ hội. Chúng ta không có ý định lợi dụng tranh chấp của nước khác để kiếm lời. Quan hệ Mỹ-Trung đang được xem là quan hệ có tác động mạnh mẽ nhất đến chính trị quốc tế. Theo ông, các cặp quan hệ này sẽ phát triển theo chiều hướng nào? Sự vận động của quan hệ Mỹ-Trung có tác động thế nào đối với Việt Nam? “Quan hệ Mỹ - Trung” là một khái niệm không đơn giản trong quan hệ quốc tế. Đây là quan hệ của hai nước lớn. Họ có những tính toán chiến lược rộng lớn của họ. Tôi muốn nhắc lại lịch sử, từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trải qua các cung bậc khác nhau. Giai đoạn đầu từ 1949-1959, hai bên quan hệ thù địch, chính sách của Trung Quốc là đứng về bên Liên Xô, chống Mỹ, biểu hiện qua việc Trung Quốc cử quân tình nguyện sang tham chiến ở chiến tranh Triều Tiên, thực hiện chiến dịch “kháng Mỹ viện Triều”. Sau năm 1959, Trung Quốc thực hiện chính sách “phản đế phản tu”, vừa chống Mỹ, vừa xét lại, chống lại quan hệ với Liên Xô. Từ năm 1969 đến 1979, Trung Quốc xác định Liên Xô là đối thủ chính, cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Mỹ. Từ sau 1979 đến 1989 thì Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ với Liên Xô trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ với Mỹ, theo kiểu “đi hai chân”. Đến sau khi Liên Xô sụp đổ thì Trung Quốc điều chỉnh lại. Qua đó, có thể thấy Trung Quốc và Mỹ luôn “liếc mắt nhìn nhau” để điều chỉnh chính sách. Nhưng tựu chung lại cục diện chung “vừa hợp tác vừa đấu tranh” sẽ vẫn tiếp diễn. Còn xu hướng “hợp tác” hay “đấu tranh” nổi trội hơn thì tùy từng thời điểm, từng thế hệ lãnh đạo, từng khu vực chứ không có chỉ “hợp tác” hay “chỉ đấu tranh”. Cục diện đó sẽ diễn ra song song với tương quan lực lượng đang thay đổi. Về quan hệ Mỹ - Nga, ông đã nói những trừng phạt, cấm vận Mỹ và EU đang tiến hành với Nga làm quan hệ kinh tế quốc tế rối loạn, đặt ra thách thức cho các nước khác. Ông nghĩ thế nào xu hướng của mối quan hệ này? Như tôi đã nói, giữa các nước lớn có sự cạnh tranh để xác định ảnh hưởng. Đó là một thực tế lịch sử, đã diễn ra từ khi Liên Xô còn tồn tại, thế giới vận động theo trật tự hai cực. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hành động của hai phe mang đậm màu sắc tư tưởng hệ. Nói đơn giản, Mỹ đứng đầu phe tư bản chống lại phe xã hội chủ nghĩa. Nhưng hóa ra đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô Viết không còn nữa, Liên Xô đã sụp đổ, sự cạnh tranh vẫn diễn ra. Mỹ luôn đóng vai trò quan trọng sử dụng cạnh tranh này để tập hợp Tây Âu dưới cái ô bảo trợ của Mỹ. Xung quanh vấn đề Ukraine, lục đục giữa Nga – Mỹ, Phương Tây thể hiện chiều hướng đó. Mỹ kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng đi theo mình và ngăn chặn Nga. Trong khi đó, Nga là một cường quốc từ lâu rồi, và phải bảo vệ vị trí của mình. Hai mục tiêu đó va chạm lẫn nhau gây ra rất nhiều rắc rối không chỉ với họ với nhau mà còn với các quốc gia khác. |
Trong bối cảnh thế giới như vậy, nhiều độc giả băn khoăn xu thế hòa bình và hợp tác có còn là xu thế nổi trội trong quan hệ quốc tế nữa không?
Tôi nghĩ thế này: Hòa bình, hợp tác vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân loại. Đó là chân lý vĩnh viễn. Chúng ta gọi “hòa bình và hợp tác” là một xu thế thì chỉ là cách gọi, nhưng tôi sợ cách gọi như vậy dễ lẫn lộn. Tất nhiên, trong thời đại ngày nay các nước không dễ gì gây chiến với nhau, nhất là thời đại hạt nhân như hiện nay, nước nào cũng dễ “sứt đầu mẻ trán”.
Tất cả các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Hòa bình, hợp tác là khát vọng lớn lao của nhân loại, các nhà cầm quyền sẽ không dễ gì đi ngược lại xu thế đó. Các nước sẽ tính đến điều đó, nhưng họ lại muốn phát huy ảnh hưởng của mình để chi phối thế giới, làm cho sự cạnh tranh càng trở nên phức tạp.
Khi chủ quyền và lợi ích an ninh của Việt Nam bị thách thức, không ít tiếng nói cho rằng đường lối đối ngoại “là bạn với tất cả các nước” không còn phù hợp nữa bởi là bạn với tất cả tức là không có bạn đặc biệt, bạn thân nên khi xảy ra chuyện (khi lợi ích của quốc gia bị xâm phạm) không có ai thân cận đứng bên ta. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Thực ra tư tưởng này không phải mới xuất hiện từ thời Đổi mới, tư tưởng này đã được đề ra tại Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 nhưng nếu xem lại trước đó thì Bác Hồ đã nói từ năm 1947, khi đó Bác Hồ nói rằng Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với ai. Thời kỳ đổi mới năm 1991, chẳng qua chúng ta nêu lại tư tưởng đó của Bác Hồ trong hoàn cảnh mới. Tư tưởng ấy thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, không muốn thù địch, gây oán với ai. Tuy nhiên, bạn có nhiều loại bạn, có bạn thân, bạn sơ, bạn xã giao, bạn gần, bạn xa, do vậy, trong mấy trăm quốc gia trên thế giới thì đối tượng bạn của Việt Nam là khác nhau. Mức độ tình bạn cũng không phải là tùy thuộc vào ta mà còn vào người mình muốn kết bạn, điều này cũng phải linh hoạt thôi.
Trong trường hợp mình gặp hoạn nạn, cái chính nghĩa của mình sẽ quyết định ai sẽ là bạn của mình. Cưu mang mình hay không là mình có chính nghĩa hay không. Khi mình có chính nghĩa, lợi ích của mình và bạn trùng hợp thì người ta sẽ đứng về phía mình. Còn nước nào phi nghĩa thì không có bạn. Rồi cuối cùng mình cũng phải tự cứu mình thôi chứ đừng ngồi chờ ai cưu mang mình. Tóm lại, tôi nghĩ rằng khẩu hiệu hòa hiếu đã ngấm vào máu của người Việt Nam và áp dụng trong điều kiện hiện nay thì chúng ta nên nhìn nhận nó một cách biện chứng, linh hoạt chứ không thể “vơ đũa cả nắm”.
Ông nói đường lối đối ngoại phải có tính chính nghĩa. Đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội. Bác Hồ cũng nói ngoại giao như tiếng chuông. Nếu thực lực yếu thì tất bị lấn lướt, chèn ép. Theo ông, bài toán đặt ra trong năm tới về việc nâng cao nội lực cụ thể ra sao?
Như tôi đã nói, nội lực là một khái niệm rất rộng chứ không bó hẹp trong nội hàm sức mạnh kinh tế, quốc phòng. Tuy nhiên, không có nghĩa là tôi không coi trọng hai nguồn sức mạnh này. Sức mạnh kinh tế thì chúng ta có tự chủ được hay không chủ yếu dựa vào sự phát triển hiệu quả của nền kinh tế. Nếu chúng ta không vươn lên trong kinh tế thì sẽ không thể vận dụng được những cơ hội khi đất nước hội nhập, mở cửa và tham gia vào những khu vực mậu dịch tự do thì chúng ta sẽ không tận dụng được. Do vậy, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là việc cần làm để nền kinh tế của chúng ta phát triển hiệu quả hơn, tạo một thực lực thực sự. Đó là việc chúng ta đang cố làm và chắc là còn phải làm rất nhiều.
Về quốc phòng, trong những năm gần đây chúng ta đã từng bước trang bị hiện đại, có những lĩnh vực chúng ta đã tương đối hiện đại. Tuy nhiên sự hiện đại này chủ yếu là dùng cho việc mua vũ khí, khí tài từ bên ngoài. Cái hiện đại mà chúng ta cần hơn nữa cho nội lực quốc phòng của chúng ta là yếu tố con người, để làm sao nguồn lực con người trong quốc phòng của chúng ta có tư tưởng vững vàng, phát huy truyền thống anh hùng, nắm vững kỹ thuật hiện đại.
Bên cạnh sức mạnh vật chất, tôi cũng muốn nhấn mạnh sức mạnh mềm. Không phải dân tộc nào cũng có, cũng hội tụ được nguồn sức mạnh mềm đó. Rất may cho dân tộc ta rằng, trải qua nhiều năm chiến đấu lâu dài đã tôi luyện lên nguồn sức mạnh mềm đó, Việt Nam đã trở thành một địa chỉ mà bên ngoài hướng đến, coi trọng và những sự kiện năm 2014 đã chứng minh sức mạnh đó không nhỏ. Chúng ta phải tự tin rằng chúng ta có sức mạnh và không phải là một nước yếu.
Trên bình diện ngoại giao đa phương, năm qua, người đứng đầu Chính phủ tuyên bố rằng Việt Nam đã sẵn sàng tham gia kiến tạo luật chơi khu vực. Rõ ràng, từ vị thế một người chấp nhận luật chơi (rule-taker) hiện hành đến tham gia kiến tạo luật chơi (rule-maker) đòi hỏi rất lớn về năng lực. Theo ông, Việt Nam đã đủ lực để tham gia kiến tạo luật chơi mới cho khu vực hay chưa?
Trước hết chúng ta phải thống nhất thế nào là luật chơi quốc tế. Luật chơi quốc tế chẳng qua là những nguyên tắc điều phối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Nếu nói luật chơi là như thế thì Việt Nam góp phần kiến tạo luật chơi từ lâu rồi.
Bằng xương máu của mình, chúng ta đã xác lập được một nguyên tắc là các quốc gia phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Chúng ta đã góp phần vào luật chơi bằng xương bằng máu của mình, chứ không chỉ bằng những hội nghị, nghị quyết.
Ngay từ thời kỳ Đổi mới, chúng ta đã tích cực tham gia vào luật chơi quốc tế bằng việc gia nhập ASEAN. Tất cả luật chơi của ASEAN chúng ta đều đóng góp. Tất cả các sự kiện, diễn biến ở ASEAN hiện nay có một phần rất quan trọng bắt nguồn từ Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 1998. Trong quá trình xây dựng Cộng đồng thì chúng ta cũng đóng góp rất nhiều.
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào việc hình thành Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002, và hiện tại là việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, dự kiến sẽ được hình thành vào cuối năm 2015, với ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng tham gia ngay từ ban đầu.
Tôi muốn khẳng định là, Việt Nam đã tham gia kiến tạo luật chơi quốc tế rồi, nhưng tham gia chưa đủ. Bây giờ, khi chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, chúng ta cần phải tăng cường, tích cực tham gia hơn nữa vào các luật chơi. Ví dụ, ở WTO, chúng ta cần cố gắng chuyển sang “ghế chính”, không phải “ghế phụ” nữa, để tham gia luật chơi ở WTO.
Ông nhấn mạnh sức mạnh mềm của Việt Nam là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người Việt Nam. Dư luận có ý kiến cho rằng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, người dân đã tin nhà nước, nhưng ở chiều ngược lại, có lẽ nhà nước cũng phải tin dân hơn. Qua quan sát của ông trong những câu chuyện của năm 2014, nó “thử lửa” bản lĩnh nhà nước lẫn lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Ông đã ở cả hai vị trí (cán bộ nhà nước và nhân dân), ông nghĩ thế nào về câu chuyện lòng tin từ hai phía?
Nếu không có lòng tin từ hai phía thì không có sức mạnh. Nhà nước không dựa vào dân thì không làm được gì. Dân mà không có nhà nước dẫn đường thì dễ lạc lối. Nhưng “cốt tử” ở đây là đồng lòng bảo vệ đất nước của nhà nước và nhân dân. Không có nhà nước nào, nhất là nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lại đi ngược lại nguyện vọng của dân.
Còn trong điều hành đất nước, có nhiều cung bậc, hình thức cụ thể, không phải lúc nào cũng đều đem ra tham khảo ý kiến toàn dân đuợc. Người dân hãy tin Đảng và Nhà nước có trách nhiệm dựa vào ý chí của dân để chọn ra chính sách phù hợp. Đảng và Nhà nước cần có trách nhiệm và lòng mong muốn làm mọi cách tốt đẹp nhất bảo vệ lợi ích dân tộc. Nhân dân nên tin tưởng vào chính sách của nhà nước. Đảng và Nhà nước khi làm gì, hành động gì cũng phải xuất phát từ mong muốn của người dân chứ không có động cơ gì khác. Ở đây không có sự mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau. Tất nhiên có những việc làm chưa đúng làm cho nhân dân suy giảm niềm tin (quan liêu, tham nhũng…). Trong điều hành của nhà nước không thể lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp, có những sự việc làm yếu lòng dân, yếu quốc gia… nhưng chắc chắn trong mọi hành động, khi dựa vào nguyên tắc “Nhà nước dựa vào dân, dân tin vào nhà nước” thì sẽ đạt được thành công.
Thưa ông, Việt Nam vừa phải bảo vệ chủ quyền lại vừa phải thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm giữ hòa hiếu, không tạo mâu thuẫn với cộng đồng quốc tế. Điều này có khó khăn gì cho chúng ta?
Trước tiên, tôi muốn làm rõ cách tiếp cận, thế nào là thành viên tích cực, tích cực ở đây được hiểu ở hai hàm ý. Thứ nhất là tích cực, năng động; thứ hai là ủng hộ cho những mặt xây dựng. Như vậy, khi nói chúng ta là thành viên tích cực là chúng ta tích cực, chủ động, năng động để bảo vệ cho những cái xây dựng.
Do đó, việc bảo vệ chủ quyền và giữ hòa hiếu với cộng đồng quốc tế không có mâu thuẫn. Không có dân tộc nào muốn mất chủ quyền, một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế cũng là để bảo vệ chủ quyền đó.
Theo tôi, thành viên tích cực là thành viên bảo vệ những vấn đề tích cực, có xây dựng, cái nguyên tắc của quan hệ quốc tế là tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cái gì phù hợp lợi ích thì lên tiếng tích cực, điều này không có trái gì với chuyện hòa hiếu.
Trong vấn đề an ninh nguồn nước thì tại sông Mekong hiện nay đang là vấn đề nóng trong khu vực. Vậy theo ông, Việt Nam nên theo cơ chế nào để có thể ứng phó được vấn đề này?
Vấn đề an ninh nguồn nước tồn tại trên thế giới lâu rồi. Tất cả các dân tộc đều sống trên một hành tinh. Dòng sông vốn không phân biệt biên giới quốc gia, biển cả, núi non cũng không phân biệt được biên giới quốc gia. Các dân tộc có thể nói tiếng nói khác nhau, chế độ chính trị khác nhau, kinh tế khác nhau nhưng đều sống trên một hành tinh.
Ví dụ sông Danuyp có Ủy ban sông Danuyp để điều hòa lợi ích của các nước ven sông, sông Rhine ở Đức, hay sông Hằng giữa Ấn Độ và Bangladesh… Tóm lại thể chế giữa các dòng sông chung đã có từ lâu. Sông Mekong cũng có Ủy ban điều hành từ rất sớm.
Tôi muốn nhấn mạnh tất cả tài sản trên hành tinh này là của chung. Tất cả dân tộc đều phải bảo vệ lợi ích chung, không thể ích kỷ. Nếu chỉ biết đến lợi ích của mình thì sẽ đưa ra những chính sách sai lầm đem lại hậu quả cho chính nước đó. Bài học của thế giới là như vậy.
Sông Mekong liên quan đến nhiều nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam, chúng ta phải chia sẻ lợi ích chung, làm cái gì cũng phải nghĩ đến các thành viên. Nếu chỉ nghĩ đế lợi ích vị kỷ quốc gia thì sẽ có sự đối phó lại từ các quốc gia khác dẫn đến tất cả chịu thiệt.
Vậy cơ chế gì đây? Hiện nay tôi thấy sông Mekong cũng đang tồn tại nhiều cơ chế, một cơ chế là hợp tác tiểu vùng, một số cơ chế hợp tác giữa Mỹ - các nước sông Mekong, Nhật Bản – các nước sông Mekong… Cơ chế nhiều nhưng nhìn chung phải thông hiểu, tôn trọng lợi ích của nhau, cần phải có thái độ xây dựng để bảo vệ chung khu vực sông Mekong. Như vậy, điều cơ bản là thiện chí hợp tác để bảo vệ lợi ích chung. Một thành viên chết, tất cả đều chết. Con cá nó có phân biệt được nước nào đâu. Đừng làm hành động gì khiến cho người dân không có cá mà ăn, không có cá thì người ta sẽ tìm cách phản ứng.
Back Top page Print Email |