Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tiến sĩ Hùng Sơn: Đối ngoại năm 2014 "Chủ động, tích cực"


Năm 2014, sự “chủ động, tích cực” thể hiện rõ trong các hoạt động đối ngoại dày đặc, đánh dấu bước trưởng thành mới của ngành Ngoại giao.

Việt Nam đã không chỉ tích cực hóa giải thách thức, ứng phó hiệu quả với sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp của bối cảnh khu vực và quốc tế mà còn có những bước đi chủ động tác động tới môi trường đối ngoại, kiến tạo luật chơi phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng

Quan hệ với các nước láng giềng được đặc biệt chú trọng. Quan hệ đặc biệt Việt – Lào và tình cảm nồng ấm giữa nhân dân hai nước tiếp tục được củng cố bằng chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng vào dịp Tết cổ truyền Bun-pi-may của nhân dân Lào trong tháng 4, và các chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng 12.

Các chuyến thăm đã góp phần khẳng định và củng cố giá trị truyền thống trong mối quan hệ đã được hai dân tộc dày công vun đắp. Mặt khác, các chuyến thăm giúp hai bên hiểu rõ hơn bối cảnh mới của khu vực và quốc tế, những thuận lợi cũng như thách thức mới trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc của hai nước. Qua đó thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Với Campuchia, ngay trong tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm làm việc nước này. Hai bên đã bàn nhiều biện pháp nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015, hỗ trợ các doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư.

Quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục được thắt chặt hơn nữa vào cuối năm 2014 bằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 35 năm ngày Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, chuyến thăm có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Quan hệ với Trung Quốc trải qua một năm “sóng to, gió lớn” song Việt Nam đã luôn giữ thế chủ động, “vững tay chèo” trong mọi hoàn cảnh, qua đó giữ ổn định được quan hệ và thúc đẩy được các mặt hợp tác cùng có lợi. Tham gia Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc tại Nam Ninh vào tháng 9, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Việt Nam đông nhất trong các nước ASEAN tham gia hội chợ, với hơn 100 doanh nghiệp và 200 gian hàng. Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh duy trì môi trường hòa bình và ổn định là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển bền vững năng động trong khu vực. Do vậy, ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm Trung Quốc trong tháng 10, tiếp tục góp phần ổn định tình hình và xây dựng cơ chế kiểm soát “sự cố” giữa hai nước, nhất là việc thiết lập đường dây nóng trực tiếp giữa hai bộ quốc phòng. Quan điểm của Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông cũng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chuyển đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn APEC vào tháng 11. Theo đó, việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Đông là một thực tế song hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.

Đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN

Là năm có ý nghĩa quyết định trước khi ASEAN bước vào chặng nước rút xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế bằng những đóng góp cụ thể, thiết thực củng cố liên kết ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Việt Nam là một trong số các thành viên ASEAN đạt tỷ lệ cao hoàn thành các dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng (2009-2015).

Các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 4 và tại Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác tháng 11 về các vấn đề an ninh khu vực được đánh giá là thẳng thắn, có trách nhiệm và xây dựng đối với lợi ích chung của cộng đồng khu vực.

Năm 2014, Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN với các đối tác tại Đà Nẵng, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác và định hình “luật chơi” trên biển. Luôn là một trong những nước đi đầu thúc đẩy thực thi DOC và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Việt Nam đã đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp thu hoạch sớm như sử dụng “đường dây nóng” ở Biển Đông, thúc đẩy hợp tác cứu trợ cứu nạn như trong vụ MH370. Sáng kiến tăng cường vai trò hải quân ASEAN được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ tám cũng được các nước ASEAN đánh giá cao.

Trên khía cạnh kinh tế, Việt Nam là một trong ba nước ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất thực hiện biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%). Năm 2014, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng góp phần triển khai Cộng đồng Văn hóa – Xã hội như Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa Nghệ thuật ASEAN lần thứ sáu (tháng 8), Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan (tháng 9)…

Đưa quan hệ với đối tác lớn đi vào chiều sâu

Quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc được đưa lên một tầm cao mới bằng chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tháng 10 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai bên đã ký bốn văn kiện hợp tác. Một cột mốc quan trọng nữa là chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại thành phố Busan nhân dịp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Hàn Quốc. Tại đây, hai bên đã kết thúc đàm phán FTA, theo đó Hàn Quốc sẽ tự do hóa 96,48% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam, ngược lại Việt Nam tự do hóa 92,75% tổng giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2012. Xét về số dòng thuế, Hàn Quốc tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga tiếp tục được củng cố và đẩy mạnh bằng chuyến đi hồi tháng 11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, hai bên đã ký chín văn kiện hợp tác.

Quan hệ Việt – Nhật được nâng lên thành Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng Ba. Trong chuyến thăm, Nhật Bản tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng thông qua các dự án quy mô lớn như Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Đường sắt Bắc-Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Cảng Lạch Huyện..., hỗ trợ Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại lên 50 tỷ USD trước năm 2020 và nhất trí sẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhật Bản cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam về khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Hợp tác Việt Nam – EU được đẩy mạnh qua chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tẫn Dũng tới Bỉ, EU, Đức, Italy và Tòa thánh Vatican (tháng 10) và chuyến thăm của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tới Pháp, Czech và Ba Lan (tháng 7). Việt Nam và EU đã tiến gần hơn tới việc phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và tuyên bố sẽ sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Là các nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, là đối tác thương mại và đầu tư và nhà cung cấp ODA hàng đầu của Việt Nam, các chuyến thăm của Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã cụ thể hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Đức và Pháp.

Nắm bắt dấu hiệu Chính phủ mới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có xu hướng đẩy mạnh chính sách “Hướng Đông”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm quốc gia này trong tháng 10. Hai bên đã đạt rất nhiều thỏa thuận quan trọng, trong đó có việc nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ và đa dạng hóa thương mại song phương nhằm đạt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020, tiếp tục hợp tác quốc phòng giữa các quân binh chủng, trao đổi tàu thăm viếng, đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, trong đó có Chương trình Hành động bom mìn vì mục đích nhân đạo. Hai bên sẽ sớm triển khai Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ dành cho Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng. Việt Nam và Ấn Độ nhất trí cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Với Mỹ, chuyến đi của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong tháng 10 là bước triển khai khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện được hai nước thiết lập năm 2013. Các cuộc đối thoại thẳng thắn, kể cả về các vấn đề “nhạy cảm”như dân chủ, nhân quyền, Biển Đông giữa Phó Thủ tướng với Chính phủ Mỹ, đại diện Quốc hội Mỹ, các doanh nghiệp và giới học giả, việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương tiếp tục góp phần thu hẹp khoảng cách, tăng cường hợp tác giữa hai nước và tạo đà quan trọng cho việc kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015.

Trong chuyến đi Canada vào tháng 10 của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Canada đã cam kết tiếp tục ủng hộ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của Việt Nam, trợ giúp Việt Nam trong các lĩnh vực cải cách hệ thống ngân hàng, trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo nghề, quản trị bền vững. Canada cũng sẽ trợ giúp Việt Nam về công nghệ sinh học, công nghệ gen, giống cây trồng - những lĩnh vực Canada có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng lớn.

Khẳng định vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế

Năm 2014, Việt Nam đã để lại dấu ấn trên nhiều diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như một thành viên trưởng thành với những đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế. Tại các Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 3 tại Hà Lan, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 130 tại Thụy Sỹ, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á tại Philippines, Diễn đàn Á – Âu tại Italy, Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn APEC lần thứ 22 tại Bắc Kinh…, đến những sự kiện ta làm chủ nhà như Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong Quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, quan điểm, lập trường của Việt Nam luôn được khẳng định một cách tự tin, tiếng nói của Việt Nam luôn được coi trọng và đánh giá cao.

Điểm mới đáng chú ý là Việt Nam không chỉ tham gia các diễn đàn một cách thụ động để bảo vệ lợi ích quốc gia, mà đã ngày càng “chủ động, tích cực” nhằm nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước, góp phần kiến tạo luật chơi khu vực và thế giới nhằm gắn kết tốt hơn lợi ích của Việt Nam với thế giới, và lợi ích của thế giới với Việt Nam thông qua ngày càng nhiều biện pháp và sáng kiến cụ thể.

Một ví dụ cụ thể là tại Diễn đàn APEC-22 tháng 11, Việt Nam đã có chín sáng kiến được đề xuất và thông qua, đưa Việt Nam thành một trong những nước đi đầu trong việc đề xuất sáng kiến trong tiến trình hợp tác này, với 80 sáng kiến đã và đang được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực hợp tác của APEC. Trong ASEAN, cách ứng xử có nguyên tắc song cũng mềm dẻo, hợp lý của Việt Nam là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên đồng thuận chung ASEAN về các nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông. Việt Nam cũng đã thực hiện tốt vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - EU, khi đã có sáng kiến và thúc đẩy thành công cuộc gặp cấp cao không chính thức lần đầu tiên giữa ASEAN - EU bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEM tại Italy (tháng 10).

Tham gia bảo vệ chủ quyền, tích cực bảo vệ công dân

Ngoại giao là một mặt trận bảo vệ lợi ích quốc gia không chỉ được thể hiện rõ nét trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong năm 2014, mà còn được đẩy mạnh trong việc bảo vệ lợi ích của công dân Việt Nam sinh sống, định cư, du lịch ở nước ngoài và của các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với các đối tác nước ngoài.

Năm 2014, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai các hoạt động đấu tranh, bảo hộ tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tốt 39 vụ việc liên quan đến 78 tàu và 714 ngư dân bị các nước bắt giữ; sử dụng Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ việc mua vé, phương tiện cho 390 ngư dân bị các nước trục xuất hoặc hết hạn giam giữ về nước. Trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, một số nước có đông người Việt sinh sống, làm ăn như Libya, Ukraine xảy ra chiến tranh, xung đột vũ trang, Bộ Ngoại giao đã can thiệp và yêu cầu một số quốc gia liên quan hợp tác và phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tiến hành chiến dịch sơ tán thành công hơn 1.762 lao động tại Libya về nước.

Riêng trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, “tuyến đầu” đã được xác định không chỉ bao gồm đấu tranh trên thực địa mà còn trên mặt trận chính trị, mặt trận pháp lý, mặt trận tuyên truyền; không chỉ trên kênh chính thức mà cả các kênh phi chính thức, và lực lượng “xung kích” không chỉ bao gồm cán bộ ngoại giao trong và ngoài nước mà có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao Đảng, ngoại giao quốc phòng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp và cộng hưởng với xu thế của thế giới để làm nên sức mạnh quốc gia Việt Nam.

Thành công và dấu ấn đối ngoại Việt Nam năm 2014 là một cơ sở quan trọng để ngoại giao Việt Nam tiếp tục vững bước trong năm 2015 dự báo cũng sẽ nhiều chông gai, sóng gió, góp phần thực hiện thành công chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng trong năm then chốt tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer