Sáng 5/9/2016, tại Vientiane, đã diễn ra các Hội nghị trù bị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, gồm Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 18 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 14. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.
Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, các Bộ trưởng đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ diễn ra trong 3 ngày tới với sự tham dự của các Lãnh đạo 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Australia, New Zealand) và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Theo đó, các Lãnh đạo sẽ tập trung bàn phương hướng và biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế. Các Lãnh đạo dự kiến sẽ ký, thông qua hoặc ghi nhận gần 50 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Các Bộ trưởng cũng đã xem xét báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về hợp tác ASEAN trong năm qua và báo cáo tình hình hoạt động của các cơ quan trực thuộc như Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR), Nhóm Đặc trách Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC), Ban Thư ký ASEAN và Quỹ ASEAN. Các Bộ trưởng đánh giá cao kết quả triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên 3 trụ cột, ủng hộ gắn kết triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, nhất trí trình các Lãnh đạo ASEAN thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Công tác IAI giai đoạn III về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ tiến trình liên kết ASEAN. Hội nghị nhất trí cần tiến hành đồng bộ các biện pháp để thực hiện hiệu quả các Kế hoạch đề ra, trong đó coi trọng việc tăng cường vai trò điều phối của CPR và Ban Thư ký ASEAN trong bối cảnh các hoạt động hợp tác ASEAN ngày càng sâu rộng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan ASEAN cũng như ở cấp quốc gia và khu vực. Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển quan trọng trong quan hệ đối ngoại của ASEAN, nhấn mạnh cần thực hiện hiệu quả các Chương trình Hành động của ASEAN với các đối tác, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn/cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.
Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, các Bộ trưởng tập trung trao đổi các biện pháp triển khai Kế hoạch Tổng thể Chính trị-An ninh ASEAN 2025 và hoạt động của các cơ quan chuyên ngành. Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành trong gần 1 năm qua với nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là 141/290 dòng hành động (đạt 49%) đã được triển khai trên cả 4 cụm vấn đề chính của Kế hoạch Tổng thể Chính trị-An ninh là : xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ và hướng tới người dân ; bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực ; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ; và nâng cao hiệu quả thể chế ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục dành nỗ lực và quyết tâm cao để triển khai hiệu quả và thực chất các hoạt động hợp tác trong thời gian tới; tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc xử lý những thách thức an ninh ở khu vực, trong đó có Biển Đông.
Cũng trong sáng nay, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký các văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) để các nước Chile, Morocco và Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước này, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 35. Việc tham gia Hiệp ước TAC của các nước ngoài khu vực thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, đồng thời cho thấy vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN ở khu vực và thế giới.
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những nỗ lực của Lào trong việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2016 cũng như trong công tác chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao và cam kết Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Lào và các nước thành viên khác, đóng góp tích cực vào thành công của các Hội nghị lần này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần xác định rõ những trọng tâm, ưu tiên cũng như đề ra các cách thức và biện pháp sáng tạo để thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra; cụ thể là:
Về chính trị-an ninh, ASEAN cần củng cố và đề cao các giá trị và nguyên tắc cơ bản, tăng cường đoàn kết và thống nhất, thể hiện vai trò trung tâm và tiếng nói chung trong các vấn đề chiến lược ở khu vực. Về kinh tế, cần triển khai hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết kinh tế, thúc đẩy các biện pháp tự do hóa thương mại, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp tục ưu tiên kết nối ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển. Về văn hóa-xã hội, thúc đẩy an sinh xã hội, giáo dục, đào tạo nghề; tăng cường các hoạt động giao lưu, tuyên truyền, thúc đẩy tình cảm gắn kết nhân dân các nước ASEAN, tạo dựng bản sắc ASEAN, hướng tới kỷ niệm 50 năm ASEAN vào năm 2017. Về tổ chức bộ máy, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, nhất là các cơ chế điều phối, theo dõi-đánh giá việc thực thi.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị cần ưu tiên xử lý các thách thức an ninh hiện nay như khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, tăng cường năng lực ứng phó của ASEAN, kể cả vận hành các cơ chế cảnh báo sớm và ứng phó nhanh. Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần có các biện pháp thiết thực để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm hoàn tất COC.
Chiều 6/9, Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Viêng-chăn. Ngay sau Lễ khai mạc, các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ họp phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và tham dự một số hoạt động khác.