Họp báo thường kỳ lần thứ 1 năm 2019
Ngày 24/01/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ
Nhận lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 22-25/01/2019.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay có chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi Đối thoại với Lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong Cách mạng công nghiệp 4.0”; tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo về Chương trình nghị sự hành động biển; tham gia thảo luận tại Đối thoại giữa các Lãnh đạo cấp cao với chủ đề “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa 4.0” và một số phiên thảo luận khác. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo của các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn lớn của thế giới.
2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đi Thái Lan đồng chủ trì Ủy ban hỗn hợp song phương lần thứ 3
Thực hiện thỏa thuận giữa hai nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Đon Pra-mắt-vi-nai đồng chủ trì kỳ họp lần 3 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan từ 24-25/1 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Tại Kỳ họp lần này, hai bên rà soát việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng sẽ hội kiến Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Việt Nam đã khảo sát những địa điểm tiềm năng nào cho thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Việt Nam? Khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có chuyến thăm song phương tới Việt Nam. Nếu có thì sẽ diễn ra vào thời điểm nào?
Liên quan đến chuyến thăm lãnh đạo các nước, chúng tôi hiện nay chưa có thông tin.
Liên quan đến cuộc Họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, chúng tôi cũng chưa có thông tin về việc này. Tuy nhiên tôi cũng xin khẳng định lại, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
2. Đề nghị cho biết nội dung Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc?
Ngày 22/1/2019, trong khuôn khổ Nhóm làm việc về cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát(UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu với sự tham gia của 11 bộ, ngành liên quan, đã đối thoại với 122 nước thành viên Liên hợp quốc về tình hình thúc đẩy và bảo về quyền con người tại Việt Nam.
Việt Nam đặc biệt coi trọng và nghiêm túc thực hiện UPR, một cơ chế thành công của Hội đồng Nhân quyền do dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác; coi đây vừa là nghĩa vụ của quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đồng thời là cơ hội giới thiệu với cộng đồng quốc tế những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người kể từ lần rà soát trước (năm 2014).
Hầu hết các nước phát biểu đã ghi nhận các thành tựu đạt được và khuyến khích Việt Nam tiếp tục các nỗ lực bảo đảm quyền con người, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hoan nghênh và đánh giá cao sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận tại chu kỳ II, cũng như việc xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ III.
Tại Phiên đối thoại này, Việt Nam nhận được trên 300 khuyến nghị từ các nước với nội dung rất đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực về quyền con người. Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị nhận được để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức thông báo các khuyến nghị được chấp thuận tại khoá họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 6/2019.
3. Xin cho biết tiến trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA)?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) là Hiệp định có ý nghĩa quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Trên tinh thần đó, hai bên tiếp tục nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm ký chính thức, phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào triển khai
4. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam về việc lãnh đạo phe đối lập Venezuela tự nhận là Tổng thống lâm thời và việc Mỹ cùng một số nước ủng hộ ông này? Việt Nam có chuẩn bị một số phương án bảo hộ công dân trong trường hợp tình hình ở Venezuela xấu đi hay không?
Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình và ổn định, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Venezuela, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Bộ Ngoại giao sẽ cân nhắc các hình thức khuyến cáo đối với công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
5. Việt Nam có đang trao đổi với phía Mỹ hoặc Triều Tiên về khả năng tổ chức thượng đỉnh ở Triều Tiên ở Việt Nam hay không? Nếu có khả năng này thì sẽ tổ chức ở Hà Nội hay Đà Nẵng? Tổng thống Trump có nói khả năng Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào cuối tháng 2. Việt Nam có khả năng tổ chức Hội nghị này hay không khi kì nghỉ lễ Tết sẽ kéo dài khoảng 10 ngày trong nửa đầu tháng 2?
Tôi cho rằng thời điểm cũng như địa điểm Hội nghị Thưởng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ do hai bên đó quyết định. Như tôi đã trả lời, đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào.
Tuy nhien, tôi cũng rất tự tin về khả năng và năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế ở Việt Nam khi chúng tôi đã thành công trong năm APEC 2017 và các hội nghị quốc tế khác.
6. Truyền thông Trung Quốc đưa tin phía Việt Nam đã xác nhận ngư lôi bắn tập dạt vào bờ biển Phú Yên hồi tháng 12 là của Trung Quốc và sẽ sớm bàn giao lại. Xin xác nhận lại thông tin này và việc bàn giao này đã tiến hành đến đâu?
Theo tôi được biết, Bộ Quốc phòng đã có thông tin chính thức về việc này. Để làm rõ thông tin của bạn, chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của bạn đến cơ quan liên quan.
7. Nhiều ngày nay, truyền thông trong nước đưa tin về công dân Việt Nam Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát Pháp bắt giữ ở Paris vì bị tình nghi buôn ma túy theo phán quyết của Tòa án Bỉ. Xin cho biết thêm thông tin về vụ việc.
Ngày 18/12/2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhận được thông báo của Cảnh sát biên giới Pháp tại sân bay Charles de Gaulle về việc bắt giữ công dân Việt Nam tên là Phạm Thị Tuyết Mai. Đại sứ quán đã liên hệ ngay với các cơ quan chức năng liên quan của Pháp, và được biết:
- Bà Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu (European arrest warrant – EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ 01/10/2010 – 10/05/2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.
- Hiện nay, các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) theo thủ tục Lệnh bắt giữ châu Âu - EAW. Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép bà Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp như: phải tạm trú tại nơi được chỉ định, không được rời lãnh thổ Pháp chính quốc.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có buổi gặp trực tiếp bà Mai để nghe trình bày về vụ việc và làm rõ các thông tin liên quan. Tại buổi gặp, Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn bà Mai về thủ tục hỗ trợ theo quy định bảo hộ công dân. Theo yêu cầu của bà Mai, Đại sứ quán đã đề nghị Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xác minh thời gian cư trú của bà Mai tại Việt Nam để phục vụ bào chữa tại toà và đã cấp giấy xác nhận cho bà Mai.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã làm việc với Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris để tìm hiểu thêm về vụ việc và yêu cầu Văn phòng Vatier hỗ trợ bà Mai. Hiện Văn phòng Luật sư Vatier đã nhận hỗ trợ bà Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân bà Mai.
Tại phiên toà lần thứ hai ngày 09/1/2019, Đại sứ quán đã cử đại diện tham dự phiên toà. Tại đây, đại diện Đại sứ quán đã trao đổivới luật sư bào chữa do toà chỉ định và đề nghị luật sư hỗ trợ bà Mai bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại Sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát vấn đề để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân theo đúng các quy định của pháp luật.
8. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Anh trên Biển Đông?
Như đã nhiều lần phát biểu, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Mọi hoạt động ở Biển Đông của các nước cần phải được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và đóng góp vào mục tiêu chung nêu trên./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |