Trả lời kiến nghị: Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua tập trung vào nhiệm vụ đã được Đại hội Đảng XII đề ra là bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế trong hai năm vừa qua, tình hình thế giới và khu vực có những biến chuyển rất sâu sắc, đặt ra nhiều thách thức cho việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại này. Đơn cử là sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân tộc – dân túy, các điểm nóng trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam đã áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta đã có những bước đi rất chủ động giữ đà và thúc đẩy được quan hệ với các đối tác. Đặc biệt quan hệ của Việt Nam với mạng lưới các đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu.
Một trong những điểm sáng trong thời gian vừa qua là đối ngoại đa phương của Việt Nam. Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 đã diễn ra rất thành công trong bối cảnh chính trị thế giới khi đó có nhiều biến động và xáo trộn. Ngày 12/11/2018, Quốc Hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ủy ban Châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) và đang trình Hội đồng Châu Âu cho ý kiến nhằm tiến tới kỳ kết chính thức và trình Nghị viện Châu Âu phê duyệt để Hiệp định này có hiệu lực. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang cùng các đối tác thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Bảo hộ thương mại hiện nay đang gia tăng. Đặc biệt, chiến tranh thương mại nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực nói chung, cũng như tác động tới chuỗi sản xuất và các nền kinh tế nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tập trung nâng cao nội lực, tính cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Bên trong cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, và bên ngoài tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại.
Về Biển Đông, chúng ta kiên quyết và nỗ lực xử lý vấn đề biển Đông trên cơ sở hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Hiện nay tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc đạt kết quả bước đầu quan trọng. Hai bên đã nhất trí được một văn bản đàm phán chung. Một COC toàn diện, hiệu quả, có tác dụng lâu dài là đóng góp quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thực tế trong những năm qua, trong bối cảnh quốc tế nhiều biến chuyển, đối ngoại Việt Nam đã góp phần quan trọng khiến cho thế và lực nước ta được củng cố và nâng cao, được bạn bè quốc tế coi trọng. Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động trực tiếp đến ta. Đối ngoại Việt Nam sẽ phải chủ động, tích cực, linh hoạt, nhạy bén hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hai ưu tiên và dấu mốc đối ngoại thời gian tới đó là việc Việt Nam tích cực chuẩn bị cho việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và hiện nay ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.