Trả lời kiến nghị: Tình hình Biển Đông trong những năm qua có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao đã và đang tích cực, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo đảm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích của quốc gia, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Cụ thể:
Một là, kiên trì giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thoả thuận giữa Lãnh đạo cấp cao ta với các nước liên quan; tích cực tìm kiếm các điểm đồng để giải quyết vấn đề Biển Đông theo phương châm dễ trước khó sau, phối hợp đồng bộ, nhiều kênh, nhiều biện pháp; đồng thời tiếp tục củng cố các bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai là, chủ trì, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của ta xử lý mọi diễn biến trên biển, triển khai nhiều biện pháp đấu tranh (ngoại giao, pháp lý, dư luận) trước các yêu sách phi lý và hành động của nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, bảo vệ các hoạt động phát triển kinh tế biển bình thường của Việt Nam ở Biển Đông. Trong năm 2018, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với Trung Quốc 13 lần, trao 10 công hàm, cho lưu hành 01 công hàm tại Liên hợp quốc phản đối các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích biển hợp pháp, chính đáng của ta.
Ba là, kiên trì thực hiện DOC, thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); đồng thời, chủ động thúc đẩy cùng các nước liên quan tìm kiếm và triển khai các hoạt động hợp tác ở Biển Đông trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như an toàn hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng chống tội phạm trên biển...
Bốn là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về Biển Đông với nhiều hình thức khác nhau nhằm thống nhất nhận thức, củng cố đoàn kết trong toàn Đảng, toàn quân, sự đồng thuận trong nhân dân và kiều bào ở nước ngoài; tích cực tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương, song phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đấu tranh trước các vi phạm của nước ngoài, bảo đảm việc giữ vững các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.