Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Trả lời kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng

Cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới và khu vực đối với quan điểm của ta trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; đồng thời tiếp tục có hành động quyết liệt hơn để phản đối các hoạt động xây bồi và đưa các thiết bị quân sự lên các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ phi pháp của Việt Nam. Cử tri thành phố Hồ Chính Minh đề nghị Đảng và Nhà nước cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trả lời kiến nghị: Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế; có chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển tại Biển Đông phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Do những yếu tố phức tạp của lịch sử, địa lý và pháp lý, tại Biển Đông có tranh chấp liên quan đến Việt Nam về chủ quyền, lãnh thổ, quyền lợi biển và phân định biển chưa được giải quyết. Đối với vấn đề này, lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi chính đáng của Việt Nam trên biển; đồng thời tích cực giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Trước khi đi đến giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp, Việt Nam yêu cầu các bên kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tuyệt đối không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Chủ trương đúng đắn nêu trên của Việt Nam đã được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và luôn được Chính phủ quán triệt thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau. Ta chủ động thúc đẩy các cơ chế, diễn đàn với Trung Quốc và các nước để tìm kiếm các giải pháp lâu dài, sáng tạo, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, phù hợp lợi ích của các bên liên quan. Việt Nam đã lần lượt giải quyết được vấn đề phân định biển tại Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, tại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000 và phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003. Đồng thời, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, Việt Nam cũng có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết, xử lý tranh chấp như Thỏa thuận tiến hành khai thác chung dầu khí với Malaysia tại thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước trước khi phân định năm 1992; Thỏa thuận về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 giữa ta và Trung Quốc. Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) nhằm mục đích duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Hiện nay, ta đang tích cực cùng các nước ASEAN đàm phán với Trung Quốc Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực để góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển tại Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Trước các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần giao thiệp và trao công hàm phản đối Trung Quốc, cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc phản bác yêu sách biển bất hợp pháp của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ta cũng sẵn sàng sử dụng các biện pháp pháp lý vào thời điểm phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Ta cũng tích cực tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của quốc tế. Ta tiếp tục đấu tranh đưa vấn đề Biển Đông một cách phù hợp vào các hội nghị của Liên hợp quốc, ASEAN hay các diễn đàn quốc tế và khu vực khác; tranh thủ các cơ chế trao đổi song phương hiện có để thường xuyên chia sẻ với các đối tác đang quan tâm đến việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và an ninh, hòa bình, ổn định trên Biển Đông như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga, các nước Châu Âu, Mỹ... Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng tích cực triển khai công tác thông tin tuyên truyền về Biển Đông với nhiều hình thức khác nhau nhằm cập nhật tình hình và phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề Biển Đông cho cán bộ các bộ, ban, ngành, chiến sỹ, nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế; qua đó, giúp thống nhất nhận thức, củng cố đoàn kết, đồng thuận dư luận trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mặc dù tình hình tranh chấp ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp, song với những chủ trương đúng đắn, biện pháp kịp thời của Đảng và Nhà nước, ta đã bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời thúc đẩy xu thế đối thoại để giải quyết tranh chấp và giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer