Trả lời:
1. Từ nhiều năm nay, ngành Ngoại giao luôn coi trọng việc
hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là một nhiệm vụ
ưu tiên hàng đầu trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Bộ Ngoại giao đã
chỉ đạo xây dựng kế hoạch hỗ trợ địa phương trong tổng thể kế hoạch ngoại giao
kinh tế hàng năm của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Ngoại giao đã cử 26 đoàn Lãnh đạo Bộ đến làm
việc với 20 địa phương để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của các địa phương.
Bộ Ngoại giao tập
trung hỗ trợ các địa phương tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là đối với
các đối tác chủ chốt, các thị trường lớn. Ví dụ, thúc đẩy ký Nghị định thư về
xuất khẩu sữa vào thị trường Trung Quốc; nâng số mặt hàng hoa quả xuất khẩu
chính ngạch sang Trung Quốc lên 9 mặt hàng (măng cụt, thanh long, dưa hấu, chôm
chôm…); mở đường cho xoài vào Mỹ; mở đường cho lao động Việt Nam vào thị trường
Đông Âu… Trong năm 2018 và đầu năm 2019 đã tổ chức 5 sự kiện “Quảng bá địa
phương Việt Nam” tại Pháp, Mỹ, Italia, Nhật Bản, Australia; 06 Tọa đàm kết nối
địa phương ở trong nước như Tọa đàm hợp tác địa phương Việt – Nga… Các hoạt động
này thu hút đông đảo địa phương tham gia quảng bá, kết nối đối tác, riêng hoạt
động tại Pháp thu hút tới 24 địa phương.
Trong bối cảnh
tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, thuận lợi,
khó khăn đan xen, Bộ Ngoại giao hết sức coi trọng công tác thông tin đa chiều
cho các địa phương; đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Cơ quan đại diện tăng
cường thông tin cho các địa phương về diễn biến tình hình kinh tế thế giới và
khu vực, đặc biệt là các thông tin cảnh báo và các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu
hàng hóa, lao động, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch. Bộ Ngoại giao đang vận
hành trang Ngoại giao kinh tế trực tuyến, gửi bản tin kinh tế thế giới 2 số/tuần
đến lãnh đạo các địa phương để cung cấp thông tin kinh tế thế giới, cơ hội đầu
tư kinh doanh với nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Ngoại
giao tranh thủ hoạt động đối ngoại để khai thông, xử lý vướng mắc trong quan hệ
kinh tế với các đối tác chủ chốt tại một số địa phương như dự án Nhiệt điện
Long Phú 1, Nhiệt điện Quảng Trị, Điện khí Ninh Thuận, Lọc hóa dầu Nghi Sơn,
Nhiệt điện Vân Phong 1…Đồng thời, khai thác các diễn đàn đa phương để hỗ trợ địa
phương thu hút đầu tư nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như Diễn
đàn WEF-ASEAN 2018, ASEM, Hợp tác tiểu vùng Mê Công…
Bộ Ngoại giao đã
chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực thẩm định đối tác
nước ngoài theo yêu cầu của các địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro trong triển
khai kinh tế đối ngoại. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã thẩm định khoảng 30 đối
tác cho các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Gia Lai, Sóc Trăng… Bên cạnh
đó, Bộ Ngoại giao hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ địa phương. Trong 5 tháng đầu
năm 2019, đã tổ chức 05 khóa đào tạo thu hút 950 lượt cán bộ địa phương tham dự.
2. Về việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về
tỉnh Thừa Thiên Huế trên các kênh truyền thông quốc tế, đặc biệt là các di sản
văn hóa vật thể, phi vật thể của Huế, Festival Huế và các hoạt động liên quan đến
Festival Huế:
Việc hỗ trợ cho
các địa phương nói chung cũng như Thừa Thiên Huế nói riêng về các mặt kinh tế,
văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Ngoại giao. Trong thời gian
qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương, trong
đó có Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực này. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ
quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đưa tin giới thiệu về Thừa Thiên Huế với
bạn bè quốc tế; đưa nhiều đoàn phóng viên quốc tế đến Huế để đưa tin quảng bá
cho tỉnh, đặc biệt là các dịp lễ hội, trong đó có Festival Huế.
Bộ Ngoại giao đã
phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và tỉnh Thừa Thiên Huế vận động
thành công UNESCO công nhận: Di sản Văn hóa thế giới quần thể Di tích Cố đô Huế
(1993), Di sản Văn hóa Phi vật thể Nhã Nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam
(2003), Di sản Tư liệu Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế (2016), Mộc bản Triều
Nguyễn (2009) và Châu bản Triều Nguyễn (2014). Huế đồng sở hữu 2 Di sản Văn hóa
phi vật thể: Thực hành tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ (2016); Nghệ thuật Bài Chòi
Trung Bộ Việt Nam (2017). Bộ Ngoại giao đã tham gia phối hợp tổ chức, mời Ngoại
giao đoàn, đoàn Đại sứ UNESCO đi thăm Huế trong các dịp như Festival Huế; đồng
hành với tỉnh Thừa Thiên Huế trong nhiều sự kiện như Hội nghị quốc tế các thị
trường Đông Nam Á tài trợ và triển khai các dự án phát triển bền vững các đô thị
Đông Nam Á, Hội nghị lần thứ 7 Đại hội đồng Chương trình ký ức thế giới khu vực
Châu Á – Thái Bình Dương (2016), phối hợp với Huế tổ chức Hội nghị Thị trưởng mạng
lưới các thành phố văn hóa của FEALAC tại Huế (2016)...
Trong thời gian tới,
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thừa Thiên Huế triển khai chiến lược
ngoại giao văn hóa cho tỉnh, trong đó có việc tăng cường thông tin tuyên truyền
đối ngoại, quảng bá hình ảnh và thương hiệu của tỉnh, các di sản văn hóa vật thể,
phi vật thể của Huế, Festival Huế và các hoạt động liên quan đến Festival Huế;
đồng hành cùng tỉnh xây dựng “Chiến lược phát triển Ngoại giao văn hóa tỉnh Thừa
Thiên Huế đến năm 2030” nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hướng tới một
thành phố “Di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại”.
3. Về việc phổ biến các chính sách về hỗ trợ Việt kiều của
tỉnh Thừa Thiên Huế đến với Việt kiều tại các nước:
Thời gian qua, Bộ
Ngoại giao đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên truyền, thông tin những
chính sách liên quan đến kiều bào của tỉnh để tập hợp, vận động kiều bào đóng
góp trí tuệ, vật chất xây dựng quê hương; phối hợp tích cực, chu đáo bảo đảm an
ninh, an toàn cho các hoạt động của đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam dành cho
thanh/thiếu niên kiều bào được tổ chức tại Huế. Tại các chương trình, sự kiện lớn
do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức như Xuân Quê hương, Hội nghị Việt kiều toàn thế
giới, Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương..., Bộ Ngoại giao đều có thư mời
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tham dự để gặp gỡ, trao đổi,
giới thiệu với kiều bào các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người
Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại tỉnh. Bộ ngoại giao đã giới thiệu Hiệp hội
Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với tỉnh và thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa
các hội đoàn doanh nhân với tỉnh Thừa Thiên Huế.