Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kiên Giang

Cử tri đề nghị Bộ Ngoại giao sớm đàm phán cắm mốc ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên biển và công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và hỗ trợ ngư dân hoạt động hợp pháp khi bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.


Trả lời:

           Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam. Ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và đấu tranh trên thực địa trước các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đồng thời, ta quyết tâm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
            Thời gian tới, ta tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về chính trị, ngoại giao, pháp lý và dư luận, kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề về biên giới lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định và quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước. Trong đó, ta tập trung đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác trên biển theo tinh thần Công ước Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982; nỗ lực cùng các bên liên quan thúc đẩy hợp tác về an toàn biển, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, vì hòa bình thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
           Bên cạnh đó, hiện tượng ngư dân/tàu cá của ta khai thác trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn trong thời gian qua, đặc biệt tại các vùng biển của Malaysia và Indonesia. Vấn đề này ảnh hưởng bất lợi đến ta trong đàm phán phân định biển với các nước láng giềng và nỗ lực của ta trong việc vận động Liên minh Châu Âu (EU) điều chỉnh cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu của ta. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành bảo hộ đối với 119 vụ/191 tàu/ 1.643 ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó 103 vụ/178 tàu/1.520 ngư dân ta vi phạm vùng biển Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc) . Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam liên quan giải quyết, đưa về nước 499 ngư dân bị cơ quan chức năng nước ngoài trục xuất (406 ngư dân tại Indonesia, 49 ngư dân Philippines, 24 ngư dân Malaysia, 19 ngư dân tại Thái Lan, 01 ngư dân tại Brunei).
           Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân của ta nắm được tình hình và chính sách của ta và các nước, thực hiện các hoạt động đánh bắt, khai thác một cách hợp pháp, phục vụ phát triển kinh tế biển và công tác bảo vệ chủ quyền, đồng thời làm giảm tình trạng tàu cá và ngư dân của ta bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn