Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình
Cử tri quan tâm đến vấn đề Biển Đông, đề xuất Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội cần có nghị quyết về Biển Đông; đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, kịp thời thông tin đến nhân dân, tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia trên biển luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính sách đối ngoại. Lập trường, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển; giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn, song bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong vấn đề Biển Đông, ta kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ các biện pháp trên các mặt chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, pháp lý, tuyên truyền ở các cấp, các kênh, các diễn đàn khác nhau để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, giữ vững môi trường ổn định phát triển đất nước, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực và quốc tế. Cụ thể là:
- Xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế các vụ việc trên biển, không để ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta cũng như môi trường hoà bình, ổn định và quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó ta đã: (i) Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị với các nước có liên quan, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực, quốc tế nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên biển; (ii) Thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước láng giềng nhằm tạo cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc thực thi và bảo vệ các quyền lợi biển hợp pháp; mở rộng hợp tác quốc tế về biển nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ta có thể đánh bắt cá hợp pháp tại vùng biển của các nước phù hợp với luật pháp quốc tế và sở tại; (iii) Kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Trước các hành vi vi phạm quyền lợi biển của ta, Bộ Ngoại giao đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp yêu cầu các bên liên quan chấm dứt vi phạm, không tái diễn các hoạt động tương tự trong tương lai; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Ngoài ra, trên phương châm chủ động, tích cực, Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước trong và ngoài khu vực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực là mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế như về an toàn, an ninh hàng hải, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống tội phạm trên biển... qua đó góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, môi trường hợp tác và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.
- Tăng cường các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển của ta được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, trong đó phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm, không để bị động bất ngờ.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về vấn đề Biển Đông, chủ trương giải quyết hòa bình tranh chấp, trong đó có tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, về mong muốn duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở Biển Đông qua đó để các nước hiểu hơn về bản chất vấn đề Biển Đông, các tranh chấp trên biển, từ đó có thêm các tiếng nói mang tính xây dựng, tích cực, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông, các khó khăn, thách thức trong việc giải quyết vấn đề này; các quyền và lợi ích của nhà nước ta trên biển nhằm tạo đồng thuận ngày càng cao hơn trong xã hội cũng như nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật quốc tế trên biển trong hoạt động của bà con, ngư dân ta.
- Nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng trực tiếp bảo vệ biển, đảo. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đẩy mạnh xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.