Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 16:4

Thông tư liên tịch 03/2000/TTLT ngày 6/6/2000 của Tổng cục Hải quan và Bộ Ngoại giao về hướng dẫn thi hành Điều 4 Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài


Căn cứ Điều 5 Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài;

Để thống nhất quản lý và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước;

Tổng cục Hải quan và Bộ Ngoại giao thống nhất hướng dẫn cụ thể Điều 4 Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi đối với việc tạm nhập – tái xuất ô tô 4 chỗ ngồi và các trang thiết bị, đồ dùng cá nhân của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước làm việc như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Thông tư này áp dụng cho những người Việt Nam định cư ở nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề (gọi tắt là người Việt Nam ở nước ngoài) về nước làm việc trong thời gian từ 01 năm trở lên theo lời mời của Cơ quan Nhà nước Việt Nam, có xác nhận của Cơ quan mời.

2. Một số từ ngữ trong thông tư này được hiểu như sau:

a/ “Cơ quan Nhà nước Việt Nam” gồm Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao, các cơ quan cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b/ “Xác nhân của Cơ quan mời” là văn bản xác nhận có dấu và chữ ký của Thủ trưởng của Cơ quan Nhà nước Việt Nam (nói tại điểm a, mục 2, phần I nêu trên) mời người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, bao gồm các nội dung sau:

- Tên, số hộ chiếu, địa chỉ ở nước ngoài của người Việt Nam ở nước ngoài được mời.

- Thời gian công tác ở Việt Nam.

- Các công việc cụ thể hoặc dự án, đề án người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tại Việt Nam.

c/ “Trang thiết bị làm việc” là những thiết bị, máy móc, tài liệu phục vụ cho công việc dự án tại Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài.

d/ “Đồ dùng cá nhân” bao gồm đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt.

e/ “Miễn thuế” là miễn các loại thuế hải quan, các loại lệ phí có liên quan (trừ phí lưu kho, cước vận chuyển và cước phí về những dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành) do Hải quan thu khi làm thủ tục.

3. Về nguyên tắc, tất cả hàng hoá được tạm nhập miễn thuế của người Việt Nam ở nước ngoài sau khi hết thời hạn làm việc tại Việt Nam đều phải tái xuất, trường hợp biếu tặng, chuyển nhượng thì phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

4. Cơ quan Nhà nước Việt Nam khi cấp văn bản xác nhận về việc tạm nhập, gửi lại, tái xuất xe ô tô, trang thiết bị làm việc, đồ dùng cá nhân cho người Việt Nam ở nước ngoài để làm thủ tục hải quan, gửi Tổng cục Hải quan 01 bản để theo dõi.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ TẠM NHẬP

A. Tạm nhập khẩu ô tô:

1. Điều kiện tạm nhập khẩu ô tô:

Người Việt Nam ở nước ngoài quy định tại mục 1, phần I nêu trên, khi về nước làm việc trong thời gian từ 01 năm trở lên được tạm nhập khẩu miễn thuế 01 xe ô tô 04 chỗ ngồi để làm phương tiện phục vụ cho việc đi lại trong thời gian làm việc ở Việt Nam (tiêu chuẩn này không áp dụng đối với người thân của người Việt Nam ở nước ngoài) và phải tuân theo các điều kiện sau đây:

- Người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu tạm nhập xe ô tô thì việc tạm nhập phải được thực hiện trong 06 tháng đầu kể từ khi đến nhận công việc tại Việt Nam (tính từ ngày nhập cảnh lần đầu).

- Xe ô tô mới, tay lái thuận (tay lái ở bên trái xe) theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp tạm nhập xe ô tô đã qua sử dụng thì chất lượng còn lại của xe phải đảm bảo từ 70% trở lên và phải xuất trình giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu xe.

- Trường hợp xe ô tô của người Việt Nam ở nước ngoài bị hư hỏng do tai nạn không thể sử dụng được, có xác nhận của cơ quan Công an, chỉ được xem xét giải quyết tạm nhập xe khác thay thế khi thời gian làm việc tại Việt Nam phải còn từ 06 tháng trở lên và đã hoàn thành thủ tục thanh lý xe ô tô cũ tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đã cấp giấy phép tạm nhập.

2. Thủ tục Hải quan tạm nhập khẩu ô tô:

Người Việt Nam ở nước ngoài có đơn đề nghị được tạm nhập khẩu miễn thuế ô tô kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan Nhà nước Việt Nam mời với nội dung như sau:

- Tên người Việt Nam ở nước ngoài, số hộ chiếu, hộ tịch.

- Tên chương trình, dự án làm việc với Cơ quan Nhà nước Việt nam.

- Thời gian công tác tại Việt Nam.

- Nhãn hiệu và các thông số kỹ thuật xe.

- Cửa khẩu nhập hàng.

Và xuất trình các chứng từ nhập khẩu liên quan đến xe.

Cục Hải quan tỉnh, thành phố (nơi đóng trụ sở của Cơ quan Nhà nước Việt Nam mời người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam) cấp giấy phép tạm nhập miễn thuế ô tô cho người Việt Nam ở nước ngoài.

- Trường hợp địa phương không có tổ chức Hải quan thì người Việt Nam ở nước ngoài đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố thuận tiện nhất để cấp giấy phép.

Cục Hải quan tỉnh,thành phố sử dụng mẫu giấy phép xuất nhập khẩu hàng phi mậu dịch (theo mẫu HQ102) để cấp giấy phép tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô của người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định, giấy phép tạm nhập ô tô được cấp 04 bản (01 bản lưu tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép, hai bản giao chủ hàng để làm thủ tục nhập xe tại Hải quan cửa khẩu (01 bản) và làm thủ tục đăng ký lưu hành xe tại cơ quan Công an (01 bản), 01 bản gửi Tổng cục Hải quan thay báo cáo).

3/ Tái xuất xe ô tô:

Trước khi xuất cảnh (hết thời hạn công tác), người Việt Nam ở nước ngoài có đơn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập ô tô để được cấp giấy phép tái xuất xe.

4/Thủ tục chuyển nhượng xe ô tô:

Sau khi hết thời hạn làm việc tại Việt Nam, xe ô tô đã được phép tạm nhập phải tái xuất, nếu biếu tặng hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam phải làm thủ tục hải quan và truy nộp các loại thuế (kể cả thuế nhập khẩu) theo quy định của các luật thuế hiện hành trước khi xuất cảnh.

* Người Việt Nam ở nước ngoài có đơn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập ô tô, nêu rõ lý do chuyển nhượng xe.

* Điều kiện chuyển nhượng xe:

+ Người Việt Nam ở nước ngoài hết thời hạn làm việc tại Việt Nam.

+ Các lý do khác phải có xác nhận của cơ quan Nhà nước Việt Nam mời và được Cục Hải quan tỉnh, thành phố chấp thuận bằng văn bản.

- Các đối tượng nói tại mục 1, phần I của thông tư này, nếu chuyển nhượng xe ô tô cho nhau hoặc cho các đối tượng được hưởng ưu đãi miễn thuế theo quy định hiện hành thì được miễn thuế nhập  khẩu, thuế và lệ phí có liên quan khác và được cơ quan Hải quan nơi quản lý theo dõi trừ vào tiêu chuẩn tạm nhập khẩu miễn thuế của đối tượng được chuyển nhượng.

- Thủ tục chuyển nhượng xe thực hiện đúng quy trình chuyển nhượng xe do Tổng cục Hải quan ban hành.

B. Tạm nhập trang thiết bị làm việc và đồ dùng cá nhân:

1/ Trang thiết bị làm việc và đồ dùng cá nhân của người Việt Nam ở nước ngoài:

- Được làm thủ tục hải quan ngay tại cửa khẩu.

- Trên cơ sở văn bản xác nhận của cơ quan Nhà nước Việt Nam nói tại điểm b, mục 2, phần I, Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập miễn thuế đối với trang thiết bị làm việc và đồ dùng cá nhân.

* Trang thiết bị phục vụ cho công việc mà người Việt Nam ở nước ngoài mang về sử dụng trong thời gian làm việc với cơ quan Nhà nước Việt Nam được tạm nhập miễn thuế, bao gồm:

- Các dụng cụ và thiết bị trong phòng thí nghiệm.

- Dụng cụ làm việc chuyên ngành.

- Các tài liệu về khoa học, kỹ thuật, đồ dùng văn phòng liên quan đến công việc.

* Đồ dùng cá nhân phục vụ cho sinh hoạt của người Việt Nam ở nước ngoài mang theo khi về nước làm việc được tạm nhập miễn thuế mỗi thứ 01 chiếc để sử dụng trong thời gian công tác tại Việt Nam (theo bản danh mục kèm).

2/ Hành lý và các hàng hoá xuất nhập khẩu khác của người Việt Nam ở nước  ngoài và người thân:

- Được làm thủ tục ngay tại cửa khẩu xuất nhập cảnh (trường hợp mang theo hàng hoá thuộc diện quản lý của các Bộ, Ngành chức năng thực hiện theo quy định hiện hành).

- Tiêu chuẩn hành lý miễn thuế được hưởng theo quy định như đối với khách xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của Việt Nam.

3/ Thủ tục tái xuất trang thiết bị làm việc:

Người Việt Nam ở nước ngoài xuất trình cho Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục xuất tờ khai hải quan khi tạm nhập để được giải quyết. Trường hợp tái xuất tại cửa khẩu khác (không cùng cửa khẩu khi tạm nhập), sau khi hoàn tất thủ tục tái xuất, Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tái xuất có trách nhiệm sao gửi bộ hồ sơ tái xuất cho Hải quan cửa khẩu làm thủ tục ban đầu để thanh khoản.

4/ Thủ tục đối với hàng hoá đã được tạm nhập gửi lại Việt Nam (không mang theo khi xuất cảnh):

- Người Việt Nam ở nước ngoài có đơn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép tạm nhập nêu rõ lý do, thời gian xin gửi lại và nội dung hàng hoá gửi lại; tên, địa chỉ của cơ quan nhận giữ hộ hàng hoá, có xác nhận của cơ quan Nhà nước Việt Nam cho nhận gửi lại để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền. (Riêng đối với xe ô tô thời hạn gửi lại không vượt quá 12 tháng).

- Cơ quan Nhà nước Việt Nam nhận giữ hàng của người Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về các khiếu nại liên quan đến hàng hoá gửi lại.

- Trường hợp giải quyết cho người Việt Nam ở nước ngoài gửi lại xe ôtô, hàng hoá đã được tạm nhập. Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Hải quan và thông báo cho Hải quan cửa khẩu, nơi người Việt Nam ở nước ngoài xuất cảnh được biết.

III. XỬ LÝ VI PHẠM:

Tổ chức, cá nhân vi phạm Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn này đều bị xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Cơ quan Nhà nước Việt Nam mời người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Ngoại giao đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư này.

Hằng quý, các cơ quan Nhà nước Việt Nam mời có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao danh sách ngườiViệt Namở nước ngoài được mời thuộc đối tượng của thông tư này để Bộ Ngoại giao tổng hợp thông báo cho Tổng cục Hải quan.

3. Tổng cục Hải quan và Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp, xem xét, giải quyết kịp thời những vụ việc vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thông tư này.

4. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo các đơn vị Hải quan liên quan thực hiện các quy định tại thông tư này và niêm yết công khai ở những nơi quy định để mọi người được biết và thực hiện.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

Nguyễn Ngọc Túc (đã ký)

                             KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
                                THỨ TRƯỞNG

                        Nguyễn Tâm Chiến (đã ký)

 

 

DANH SÁCH ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN ĐƯỢC NHẬP KHẨU MIỄN THUẾ

ÁP DỤNG CHO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

(Kèm theo thông tư liên tịch TCHQ-BNG số 03 ngày 6/6/2000) 

 

Số TT

Tên đồ dùng, vật dụng

Số lượng

Ghi chú

1

Radio

01

 

2

Máy ghi âm

01

 

3

Đầu máy quay đĩa CD

01

 

4

Máy cassette

01

 

5

Tivi

01

 

6

Đầu video

01

 

7

Máy tính cá nhân

01

 

8

Máy giặt

01

 

9

Lò nướng điện

01

 

10

Lò vi sóng

01

 

11

Điều hoà nhiệt độ

01

Không quá 18.000 PTU

12

Tủ lạnh

01

 

13

Máy ảnh

01

 

14

Máy quay phim (camera)

01

 

15

Các vật dụng điện cá nhân khác (máy cạo râu, máy sấy tóc...)

01

 

 

Created by admin
Last modified 23-08-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin