"Xoá bỏ khoảng cách giữa người Việt Nam ở nước ngoài với người Việt Nam ở trong nước"
* Xin Ông đánh giá những thay đổi trong chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong năm qua.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Sau các Quyết định số 210 và 114 của Thủ tướng Chính phủ trong những năm 1999-2000 về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, có thể nói về căn bản người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước đã được hưởng chính sách một giá như người ở trong nước.
Nghị định 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ hướng dẫn triển khai trên thực tế các quy định mới của Luật đất đai về việc người Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hiện một chính sách ổn định, lâu dài, nhằm thu hẹp, tiến tới xoá bỏ khoảng cách giữa người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam ở trong nước. Năm 2002, một số người đã về nước mua nhà, ổn định cuộc sống.
Ngày 28/6/2002, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan khẩn trương thi hành các giải pháp thúc đẩy công tác thông tin, tăng cường cung cấp các sản phẩm văn hoá và cử các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài phục vụ kiều bào. Đáng chú ý là kênh truyền hình VTV4 đã phủ sóng đến tất cả các khu vực có nhiều người Việt Nam sinh sống. Hiện nay chúng ta đang tích cực triển khai kế hoạch đưa chương trình VTV4 vào hệ thống truyền hình cáp ở một số địa bàn để giúp bà con tiếp cận dễ dàng hơn với phương tiện này. Chúng ta cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án truyền hình qua mạng Internet phục vụ cộng đồng.
Ngày 30/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao (gọi tắt là Quỹ hỗ trợ cộng đồng). Quỹ được thành lập trên cơ sở ngân sách Nhà nước cấp. Trong quá trình hoạt động, Quỹ sẽ tiếp nhận thêm các nguồn tài trợ, viện trợ và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các nguồn khác. Quỹ hỗ trợ cộng đồng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hoà nhập vào xã hội và đất nước cư trú, giúp bà con ổn định cuộc sống, giữ gìn truyền thống dân tộc và hướng về quê hương.
Gần đây Bộ Ngoại giao đã ban hành Quy chế khen thưởng kiều bào có thành tích phát triển cộng đồng và trong xây dựng đất nước. Việc thực hiện Quy chế này đang góp phần động viên bà con tham gia tích cực và có hiệu quả hơn vào việc củng cố cộng đồng, hướng về cội nguồn và tham gia xây dựng quê hương.
* Tại các cuộc hội thảo ở trong nước với sự tham gia của kiều bào, có nhiều ý kiến cho rằng: mặc dù năm qua đã có những chuyển biến tích cực trong chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, song trong quá trình thực thi vẫn còn những thủ tục không ít phiền hà, vướng mắc...
Đây là một thực tế không vui và cũng nằm trong tình hình tồn tại chung đòi hỏi phải nỗ lực để khắc phục là nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước chưa được quán triệt đầy đủ và thi hành nghiêm túc. Xin đề cập đến một số vấn đề nổi cộm và ý kiến của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm xử lý các vấn đề này.
Trong lĩnh vực kiều hối, lẽ ra phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước là kiều hối chuyển về bằng ngoại tệ nào, ngân hàng hữu quan chi trả cho người nhận bằng ngoại tệ đó mà không nên qui đổi ra đôla Mỹ. Song trên thực tế, các ngân hàng thường quy đổi ra đôla Mỹ mà không tính đến mong muốn và nhu cầu của cả người gửi và người nhận.
Trong lĩnh vực nhà đất, ngày 05/11/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2001/NĐ-CP về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Theo quy định các cơ quan hữu quan phải kịp thời có các hướng dẫn thực hiện. Song do sự phối hợp nhằm ban hành một văn bản chung không có kết quả, nên đến ngày 02/8/2002 Bộ Ngoại giao mới có văn bản số 1475 hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy xác nhận cho bà con theo quy định tại Khoản 2C Điều 5, còn đối với các điều khoản khác của Nghị định thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Sự chậm trễ này ảnh hưởng đến việc đưa chính sách vào cuộc sống. Sau một năm thực hiện Nghị định 81, ở thành phố Hồ Chí Minh, dù là địa phương đi đầu, cũng mới chỉ có 16 trường hợp làm xong thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình này, nhất là cần đề nghị Nhà nước sớm cho phép chuyển quyền sở hữu nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất ở cho khá nhiều bà con trước đây đã mua nhà và nhờ người thân đứng tên. Mặt khác, Nghị định 81 mới cho phép 4 đối tượng kiều bào (gồm: những người về nước đầu tư lâu dài, người có công đóng góp với đất nước, các nhà văn hóa và khoa học có nhu cầu về nước hoạt động thường xuyên, người có nhu cầu về nước sống ổn định) được mua nhà ở tại Việt Nam là chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chính đáng của những bà con muốn mua nhà ở trong nước.
Việc thực hiện trợ giá đối với cước vận chuyển ấn phẩm văn hoá, giá vé máy bay của các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng còn gặp không ít khó khăn. Sau một năm thực hiện Thông tư liên tịch số 103/2001/TTLT đến nay vẫn chưa có đoàn nghệ thuật nào được hưởng trợ giá vì cơ chế trợ giá chỉ áp dụng được cho các đoàn nghệ thuật thuộc biên chế Nhà nước, trong khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con không chỉ hạn chế như vậy. Đây là vướng mắc cần sớm có biện pháp tháo gỡ.
* Do những vướng mắc về địa vị pháp lý của một bộ phận người Việt Nam tại Nga và các nước SNG, nên năm vừa qua bà con còn gặp nhiều bất ổn trong sinh hoạt. Là cầu nối giữa kiều bào và đất nước, tới đây Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đưa ra những kiến nghị và biện pháp gì để bảo hộ và hợp pháp hoá sự có mặt của công dân Việt Nam, góp phần ổn định tình hình cộng đồng người Việt Nam ở những nước này?
Cộng đồng người Việt Nam ở Nga và khu vực Liên Xô cũ được hình thành trong điều kiện lịch sử đặc biệt, là sản phẩm của quan hệ hữu nghị Việt - Xô trước đây. Theo các số liệu không chính thức, hiện có khoảng 80.000 người Việt Nam sinh sống, làm ăn ở Liên bang (LB) Nga. Đa số người Việt Nam ở Nga và khu vực Liên Xô cũ là những người được Nhà nước ta cử sang làm việc, lao động và học tập. Sau này có thêm một số người sang làm ăn và du lịch... Ngoại trừ những người có vợ hoặc chồng là người sở tại, số sinh viên hiện còn theo học ở các trường và số người làm việc ở các công ty v.v... một bộ phận của cộng đồng chưa có đủ giấy tờ hợp lệ do nhiều lý do khác nhau, nên cuộc sống không ổn định, khó khăn.
Những năm gần đây, quan hệ giữa nước ta với LB Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ đã có những bước phát triển mới. Trong tiếp xúc ở cấp cao, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhiều lần đề nghị Chính phủ các nước này tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn. Hội nghị chuyên đề về cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga và khu vực Đông Âu họp tháng 4/2002 ở Hà Nội đã trao đổi, thảo luận và kiến nghị các biện pháp giúp cộng đồng ổn định và phát triển.
Mới đây, Quốc hội Nga ban hành "Luật về địa vị pháp lý của công dân nước ngoài ở LB Nga" với những quy định chặt chẽ về nhập cảnh, cư trú, lao động và việc làm. Việc hợp thức hoá sự có mặt của một bộ phận cộng đồng ở đây là sự quan tâm chính đáng của bà con và các cơ quan hữu quan trong nước. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành kiến nghị các chủ trương, biện pháp cần thiết, phối hợp với các cơ quan liên quan của bạn hỗ trợ tối đa cho bà con trong việc khắc phục tình trạng giấy tờ hiện nay và từng bước hợp thức hoá việc cư trú của bà con. Các cơ quan thông tin đã dịch sang tiếng Việt và thông báo rộng rãi về Luật này để bà con ở Nga cũng như ở trong nước hiểu rõ và tôn trọng những quy định mới của LB Nga, không ảo tưởng vào việc sang Nga để làm giàu.
* Theo nhiều nguồn tin, lượng kiều hối năm nay đạt trên 2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, việc gửi tiền về nước còn nhiều khó khăn. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài có kiến nghị gì để giải quyết những phức tạp hiện nay? Có thể hi vọng gì ở lượng kiều hối trong năm tới?
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về nước trong năm 2002 ước đạt 2,2 tỉ USD, tăng hơn 14% so với năm ngoái và tăng gấp đôi so với năm 1999 (1,1 tỷ USD). Tốc độ tăng bình quân trong 10 năm 1991-2001 là 48,5%/năm. Sở dĩ kiều hối chuyển về nước ngày càng tăng là do những nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là các quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiều hối không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng ngày càng thông thoáng hơn. Trước đây, người thụ hưởng trong nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng theo tỷ giá qui định để nhận bằng tiền Việt Nam và phải nộp thuế thu nhập. Từ khi có Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/08/1999 về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước, họ tự quyết định việc nhận ngoại tệ hay bán cho ngân hàng để nhận bằng tiền Việt Nam và không phải nộp thuế thu nhập. Năm 2002, Thủ tướng ban hành Quyết định số 78/2002/QĐ-TTg điều chỉnh và bổ sung một số điều của QĐ 170, theo đó các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối hoặc không được phép kinh doanh ngoại hối đều có thể làm đại lý cho các tổ chức kinh tế làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ cho người thụ hưởng kiều hối; các tổ chức tín dụng làm đại lý chi trả kiều hối bằng ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối – tổ chức tín dụng này làm đại lý cho tổ chức tín dụng khác trong việc trả kiều hối. Quyết định này đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho kiều bào và thân nhân của họ trong việc gửi và nhận tiền.
Hai là các ngân hàng đã tăng cường chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối, triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh, an toàn đến tận nhà trong vòng 24 giờ tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng... Chính sự tiện ích, an toàn và phí thấp của dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng là yếu tố thuyết phục kiều bào và người thụ hưởng kiều hối trong nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định rằng lượng kiều hối chuyển về sẽ tiếp tục tăng. Điều này không chỉ góp phần đáng kể bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế mà còn góp phần quan trọng tăng cung ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, ổn định tỷ giá hối đoái giữa VND và USD. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài luôn khuyến khích bà con người Việt ở nước ngoài sinh sống và làm việc theo luật pháp của nước sở tại để có thu nhập chính đáng, chuyển ngoại tệ về góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Ủy ban cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở thêm các đại lý, tổ chức thu nhận tiền ở nhiều khu vực; sớm thực hiện việc chi trả cho người nhận kiều hối bằng loại ngoại tệ mà người thân của họ gửi về, không nên qui đổi ra USD; tăng cường quảng bá các dịch vụ chuyển tiền của các công ty kiều hối ở các nước có đông kiều bào sinh sống.
Có thể khẳng định rằng chính sách kiều hối trong thời gian qua đã đi đúng hướng, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước. Đây là nguồn ngoại tệ tiềm năng cần được tiếp tục khai thác một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
(Tạp chí Quê hương số Tết năm 2003)
Cập nhật 27-01-2005