Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNVNONN Nguyễn Phú Bình trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam
* Xin ông cho biết tình hình của cộng đồng người Việt
TT Nguyễn Phú Bình: Hiện nay ước tính có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại gần 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 4/5 sống ở các nước công nghiệp phát triển, tập trung ở Mỹ (1,3 triệu), Pháp (300.000), Úc (250.000), Canađa (trên 200.000), Đức (100.000), Nga (100.000)…
Nhìn chung, đời sống của bà con ngày càng ổn định, hoà nhập tốt hơn vào xã hội nước sở tại. Mặc dù sống xa Tổ quốc, thậm chí tại một số địa bàn rất phức tạp về chính trị hoặc khó khăn về đời sống, đi lại, thông tin, nhưng tuyệt đại bộ phận đồng bào vẫn luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và một lòng hướng về quê hương, đất nước. Nghị quyết 36 của BCT về công tác cộng đồng đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một “bộ phận không thể tách rời” và “một nguồn lực” của dân tộc Việt Nam. Tiềm năng của bà con là rất quan trọng. Sự đóng góp của bà con đối với sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng tăng và thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chỉ trong hơn 10 năm từ 1993 đến 2004, số Việt kiều về nước thăm hoặc làm ăn đã tăng gần 3 lần từ 160.000 lượt người/ năm lên 430.000 lượt người/ năm. Tính đến nay đã có khoảng 1520 dự án của kiều bào đầu tư về nước theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước với tổng vốn đăng kí đạt 3500 tỷ VND và 110 dự án theo Luật Đầu tư nước ngoài với số vốn 630 triệu USD. Lượng kiều hối gửi về đã đạt con số hàng tỷ đô la Mỹ, riêng kiều hối năm 2005 tăng gấp hơn 2 lần mức năm 2000. Hàng năm có hàng trăm trí thức kiều bào về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo hoặc đóng góp bằng những hình thức khác, đóng góp tri thức của mình vào các lĩnh vực phát triển nhà nước đang quan tâm. Cộng đồng kiều bào ở bên ngoài đồng thời là cầu nối góp phần thúc đẩy các mối quan hệ cụ thể giữa trong nước với nước sở tại. Cũng cần nói thêm là các hoạt động thiện nguyện của kiều bào ngày càng tăng, thể hiện tình cảm chia sẻ và có ý nghĩa thiết thực góp phần giải quyết những khó khăn của đồng trong nước.
* Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài?
TT Nguyễn Phú Bình: Trong năm qua, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 được các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện. Kết quả đạt được thể hiện trên các mặt:
Thứ nhất, Nghị quyết đã được quán triệt và phổ biến sâu rộng trong và ngoài nước tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Ở trong nước, công tác đối với người Việt
Thứ hai, nhiều chính sách, biện pháp đã và đang được rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho bà con kiều bào, đặc biệt là những chính sách nhằm thu hút trí thức, doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào về hợp tác với trong nước, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho kiều bào nhập xuất cảnh, lưu trú trong đó có việc xem xét miễn thị thực cho một số đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thêm 2 đối tượng người Việt Nam được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam; cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước; tăng cường thông tin cho kiều bào; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước,... Đồng thời, tiến hành đơn giản hoá các thủ tục hành chính như thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, hợp pháp hoá các loại giấy tờ, chính sách một giá...
Thứ ba, công tác vận động cộng đồng được thúc đẩy mạnh mẽ theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh làm điểm tương đồng, chấp nhận những quan điểm khác nhau miễn là không trái với lợi ích chung của dân tộc; không phân biệt quá khứ, chính kiến, hướng tới tương lai; mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước miễn là mong muốn đóng góp vào mục tiêu trên thì đều có chỗ đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Các chuyến về thăm Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Nhạc sỹ Phạm Duy và nhiều người khác đã thể hiện chính sách đó và có tác động tích cực tới cộng đồng.
Trong các chuyến thăm tới các nước có kiều bào ta sinh sống, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, ngành... đều thông báo nội dung Nghị quyết 36 và đề nghị với chính quyền sở tại tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống và hội nhập xã hội sở tại; đồng thời, tiếp xúc, gặp gỡ động viên bà con làm tròn trách nhiệm đối với nước sở tại và luôn hướng về đất nước, làm nhịp cầu hữu nghị giữa nước mà bà con sinh sống với Việt Nam.
Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sau hai năm hoạt động đã tài trợ nhiều dự án hỗ trợ về giáo dục cho cộng đồng ở một số địa bàn khó khăn, tổ chức cho thanh niên, trí thức kiều bào tiêu biểu về nước giao lưu, làm việc... tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa bà con kiều bào với trong nước.
Các cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài đặc biệt tại Hoa kỳ, Canada, Pháp, Lào, Thái, Cămpuchia, Nga, Bỉ, Đức đã làm tốt công tác vận động cộng đồng, công tác động viên khen thưởng, tổ chức nhiều hoạt động thích hợp nhằm tập hợp và vận động cộng đồng gắn bó với trong nước, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động chống phá của các nhóm người Việt cực đoan; đồng thời, chú trọng tới công tác bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết nhanh chóng các yêu cầu chính đáng và hợp pháp của bà con về các vấn đề quốc tịch, cấp phát hộ chiếu, thị thực, hồi hương, khai sinh, công chứng...
Thứ tư, công tác thông tin văn hoá, khuyến khích giao lưu hội đoàn, văn hoá, thể thao được đẩy mạnh một bước. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là các báo điện tử, các chương trình truyền hình và phát thanh ra nước ngoài, thông tin về tình hình đất nước đã được truyền tải nhanh chóng và đẩy đủ tới cộng đồng. Các hoạt động giao lưu của cộng đồng với trong nước được mở rộng như các hoạt động Trại hè 2004 cho Thanh niên kiều bào, đón đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước, nhiều nghệ sỹ kiều bào về nước biểu diễn, các hoạt động từ thiện nhân đạo của kiều bào được tạo thuận lợi tại Việt Nam... Việc hỗ trợ cộng đồng dạy và học tiếng Việt đang được các cơ quan trong nước và ở nước ngoài phối hợp triển khai.
Tóm lại, Nghị quyết 36 và Chương trình hành động của Chính phủ đã và đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, theo đúng kế hoạch đề ra. Qua đó, có thể nói, từng bước đã dần hình thành một hệ thống chính sách đồng bộ cũng như một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành liên quan, tạo nên chuyển biến mới trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
* Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, trong đó có quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều mua nhà ở và về nước đầu tư. Ý kiến của ông về vấn đề này?
TT Nguyễn Phú Bình: Đây là một biểu hiện rõ ràng và cụ thể cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp Đổi mới nói chung cũng như thực hiện Nghị quyết 36, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho bà con hướng về quê hương, đất nước. Chắc chắn trong thời gian tới, các cấp các ngành và các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi hơn nữa về những vấn đề thiết thân đối với bà con. Tôi tin rằng sắp tới sẽ ngày càng có nhiều kiều bào về nước đầu tư góp phần xây dựng đất nước.
* Xuân Bính Tuất đang đến gần, ông có tâm sự gì dành cho cộng đồng người Việt
TT Nguyễn Phú Bình: Năm cũ đã qua, xuân mới đang đến, đây là lúc người ta ôn lại những gì đã diễn ra trong cả năm. Tôi biết không chỉ đồng bào trong nước mà cả 3 triệu đồng bào Việt
Mọi vui buồn, khó khăn của kiều bào, Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước luôn luôn lắng nghe, với sự thông cảm sâu sắc và sẵn sàng sẻ chia. Đồng thời thành tâm mong tất cả kiều bào, không phân biệt về dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, nguồn gốc xuất thân, cùng tự nguyện đứng vào khối đại đoàn kết dân tộc để có thể chung sức đồng lòng xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Cập nhật 30-12-2005