Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNVNONN Nguyễn Phú Bình trả lời phỏng vấn Tuần báo Quốc tế
* Xin Thứ trưởng đánh giá về những thành công của Uỷ ban qua một năm thực hiện Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao về việc triển khai Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài.
TT Nguyễn Phú Bình: Công tác vận động kiều bào ta ở nước ngoài luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng và là một nhiệm vụ chung được các ngành, các cấp tích cực triển khai, nhất là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Là cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ trong lĩnh vực này, Bộ Ngoại giao coi việc triển khai Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 36 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã giành được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Uỷ ban đã chủ động thúc đẩy và phối hợp với các Bộ, ngành như Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá-Thông tin, Xây dựng…tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách nhằm khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư, làm ăn buôn bán, du lịch, thăm thân…Uỷ ban cũng đã cùng với các Bộ, ngành và địa phương đánh giá lại kết quả một năm thực hiện NQ 36, báo cáo kiến nghị Bộ Chính trị những việc cần làm tiếp trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh công tác vận động cộng đồng. Ủy ban đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể đạt kết quả rất tốt: các đoàn kiều bào tiêu biểu về dự một số hoạt động lớn trong nước như đoàn về thăm quê đón Tết 2005, dự Quốc lễ Giỗ tổ các vua Hùng, dự Lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, dự Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII….Uỷ ban đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cấp một khoản kinh phí quan trọng hỗ trợ xây dựng trường học cho con em kiều bào ở Lào. Công tác thông tin, các hoạt động giao lưu văn hoá cũng được Uỷ ban chú trọng thúc đẩy, hỗ trợ giúp bà con hiểu rõ tình hình trong nước. UBVNVNONN đã tổ chức thành công Hội thảo “Trí thức kiều bào với sự nghiệp xây dựng quê hương” với sự tham gia của hơn 60 trí thức kiều bào từ khoảng 20 nước, giới thiệu, hỗ trợ hàng chục trí thức đầu ngành về nước giảng dạy, chuyển giao công nghệ và giúp đỡ các ngành, địa phương, trong nhiều lĩnh vực. Một hoạt động khác có ý nghĩa rất quan trọng là Trại hè Việt Nam 2005 với 82 cháu từ 20 nước tham dự, tạo cơ hội cho lớp trẻ thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 về thăm quê Cha đất Tổ, tìm hiểu cội nguồn, gặp gỡ giao lưu với thanh niên trong nước, tăng tình cảm gắn bó với quê hương. Cũng cần nói thêm, các chuyến về thăm Việt Nam của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và 190 tăng thân Làng Mai, của ông Nguyễn Cao Kỳ và việc ta giải quyết cho nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương và được lưu hành những nhạc phẩm tích cực đã tác động mạnh tới cộng đồng, góp phần phân hoá những lực lượng cực đoan.
* Những hoạt động nổi bật của UBVNVNONN trong năm qua đã có kết quả tích cực như thế nào đối với công tác vận động người Việt
TT Nguyễn Phú Bình: Những hoạt động của UB trong năm qua đã có tác động mạnh đến tình hình cộng đồng, làm cho bà con thêm phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới và chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy tinh thần hướng về cội nguồn của bà con, động viên bà con có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời các hoạt động này cũng tiếp tục góp phần cô lập và phân hoá bọn phản động cực đoan người Việt, nhất là ở Mỹ và các nước phương Tây. Trong năm 2005 số lượng kiều bào về nước tiếp tục gia tăng, dự kiến trên 450.000 lượt người, kiều hối nhiều hơn năm 2004 khoảng 10-15%. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, tri thức cũng như các hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng sôi động hơn. Bà con ở bên ngoài ngày càng gắn bó với nhau. Đáng chú ý là những biểu hiện mới trong cộng đồng người Việt ở một số địa bàn công khai đứng ra đấu tranh chống lại các nhóm phản động cực đoan trong vấn đề cờ ba sọc và một số vấn đề khác.
* Xin Thứ trưởng cho biết ấn tượng sâu sắc nhất với Thứ trưởng trong những hoạt động vận động bà con Việt kiều năm 2005, nhất là trong chuyến đi công tác Đông Âu?
TT Nguyễn Phú Bình: Trước hết, đó là sự vui mừng và phấn khởi trước những chuyển biến tích cực của cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài. Cuộc sống của bà con đã dần đi vào ổn định, hòa nhập được với xã hội nơi bà con cư trú. Một số không nhỏ bà con, nhất là thế hệ thứ 2, thứ 3 đã có vai trò và địa vị vững chắc và ngày càng cao trong xã hội sở tại, lực lượng trí thức kiều bào, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến, mũi nhọn ngày càng nhiều. Đây thực sự là một nguồn lực chất xám vô cùng quý báu mà chúng ta cần phải có chiến lược và chính sách đúng đắn để kịp thời phát huy khả năng của họ, góp phần làm giàu cho quê hương đất nước. Tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều tri thức Việt kiều còn rất trẻ, hầu hết trong số họ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhưng tôi nhận thấy ở họ một tình cảm nồng cháy với quê hương, xứ sở, nơi cội nguồn của họ. Họ cũng rất giàu lòng nhân ái, có tinh thần tương thân tương ái rất cao của những người mang trong mình dòng máu “con Hồng cháu Lạc”, nhiều người trong số họ đã về Việt Nam nhiều lần để làm công tác từ thiện, chia sẻ nỗi đau và khó khăn với các trẻ em và phụ nữ nghèo, bị dị tật hoặc kém may mắn trong cuộc sống. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi trăn trở, suy ngẫm nhiều hơn về những việc chúng ta cần phải làm để thu hút, khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, xứ sở.
Tại Đông Âu, cộng đồng người Việt Nam đại đa số là những người mới rời xa Tổ Quốc chưa lâu, anh chị em vẫn giữ nguyên tình cảm sâu nặng với quê hương và duy trì mối quan hệ dòng tộc với thân nhân ở trong nước. Đời sống vật chất của anh chị em nhìn chung ổn định, một số có thu nhập khá và có một số ít có thu nhập cao so với sở tại. Số kiều bào là trí thức khá đông, nhiều người đã và đang phát huy được năng lực của mình ngay tại nước sở tại. Tôi rất mừng là với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, đời sống văn hóa tinh thần của bà con nơi đây rất phong phú, bà con được tiếp cận và cập nhật với nhiều thông tin về tình hình trong nước qua VTV4, Đài tiếng nói Việt Nam, báo chí từ trong nước trong đó có Tạp chí Quê hương (viết và điện tử) của UB. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với sự phát triển ngày càng tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước có bà con ta làm ăn, sinh sống, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ ngày càng có nhiều cơ hội thuận lợi để hòa nhập với cộng đồng sở tại cũng như góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Cập nhật 30-12-2005