Nhân tố con người trong chuyển giao công nghệ
Trong thời gian này, tôi có được tiếp chuyện bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và có một điều đã động viên, khích lệ tôi rất nhiều đó là từ một câu nói của ông: “Con người là quan trọng nhất, trang thiết bị thì sau hẵng hay“ và điều này thực tế cũng phù hợp với suy nghĩ của tôi lúc đó.
Thực vậy, là một giáo sư hiện đang công tác tại trường Đại học Cơ khí và Hàng không quốc gia Pháp (ENSMA), bản thân tôi, cũng như các giáo sư khác đã và đang trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu từ những năm 70 cho đến nay, tôi rất mong muốn góp một phần gì đó cho việc đào tạo con người và nghiên cứu. Trước hết tôi xin phép được liệt kê sơ lược một số vấn đề chính trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy trong thời gian gần đây nhất mà tôi tham gia:
1. Nghiên cứu sự bất ổn định động cơ tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn propergol
* Mô phỏng ứng xử bên trong (trạng thái, tính chất, tương tác xuất hiện bên trong tên lửa)
* Xây dựng mô hình số dùng cho tính toán tên lửa đẩy.
Mục tiêu: Đưa ra các cách thức bố trí nhiên liệu để hạn chế sự bất ổn định.
2. Hệ thống nhiệt áp dụng trên máy bay
* Phương pháp thực nghiệm và phương pháp số (tăng hiệu xuất, giảm trọng lượng và giá thành của máy bay vận chuyển).
* Cô lập hoả hoạn trong một không gian giới hạn trong đó có tính đến sự phát tán nhiệt của các dây cáp điện.
Mục tiêu: Thiết kế những hệ thống nhiệt tối ưu, hiệu quả nhất cho những máy bay hiện tại và tương lai, và để có thể giành nhiều thời gian hơn cho việc đánh giá phân tích các phương pháp chuyển giao công nghệ cũng như biện pháp thu hút trí thức trẻ, tôi cũng chỉ xin được nêu lên một vài kết quả nghiên cứu mới nhất của tôi đăng trong các tạp trí quốc tế chuyên ngành.
Như đã trình bày ngay trong phần mở đầu của bài tham luận này, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng nhân tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai nghiên cứu cũng như trong công tác chuyển giao công nghệ. Bất kỳ trong lĩnh vực nào đi chăng nữa, để có thể đạt được những thành công to lớn, thì điều trước tiên luôn phải nghĩ đến vấn đề con người. Con người mà tôi muốn nói ở đây là những người có trình độ và được đào tạo một cách bài bản, biết cách làm khoa học và hăng say với nó. Những người này sau đó nếu được bố trí đúng vào lĩnh vực của mình sẽ tạo cho họ trước tiên cảm giác được tin dùng và sự yêu thích ngành nghề, điều này sẽ phần nào đem lại hiệu quả lớn hơn cho công việc mà họ được giao. Hơn thế nữa, một khi đã có những người có được trình độ, nắm vững được chuyên môn thì việc trao đổi, chuyển giao sẽ diễn ra dễ dàng và đạt hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Có một vấn đề cũng hết sức tế nhị trong việc chuyển giao công nghệ mà tôi muốn đề cập tại đây, và tôi nghĩ rằng cũng có rất nhiều những đồng nghiệp như tôi gặp phải đó là chúng tôi có những chương trình nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực không dễ dàng cho phép chúng tôi có thể đem chuyển giao trực tiếp cho bất kì một tổ chức nào khác. Nhưng với hình thức đào tạo con người, bằng cách này hay cách khác thì việc chuyển giao sẽ là điều dễ dàng hơn đối với chúng tôi. Mà tôi có thể nói ở đây rằng đào tạo con người cũng là một sự chuyển giao công nghệ, và công nghệ này là một sản phẩm vô giá.
Với nhận định như vậy, cùng với kinh nghiệm có được từ việc tham gia trực tiếp giảng dạy cũng như là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cộng với suy nghĩ muốn giúp đỡ cho quê hương đất nước, tôi đã tiến hành tập trung trước hết vào việc đào tạo con người. Từ gần 10 năm nay, chúng tôi đã kết hợp với hai trường Đại học BKHN và BK TpHCM đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành Hàng không rồi sau đó phát triển nằm trong chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp. Tính đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 400 kỹ sư được cấp bằng tốt nghiệp ngành này, khoảng 60% số tốt nghiệp được nhận vào công tác trong các hãng Hàng không trong và ngoài nước. Khoảng 15% hiện đang theo học sau đại học và làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Những con số này cộng với sự phản hồi từ các công ty mà các kỹ sư đang công tác, phần nào chứng minh cho sự nhận định của chúng tôi.
Riêng với tôi, vẫn theo đuổi mục đích là đào tạo con người là trước tiên, từ nhiều năm nay, hàng năm chúng tôi vẫn cho thi và cấp học bổng cho khoảng 3-4 em sang làm thạc sĩ và tiến sĩ. Những sinh viên này được chúng tôi suy nghĩ xắp xếp vào các lĩnh vực sao cho vừa phù hợp với khả năng, vừa có tính chất đa dạng ngành nghề để có thể tạo thành một đội ngũ trẻ có thể triển khai trong nhiều lĩnh vực sau này khi về nước. Tính đến hiện tại đã có khoảng 20 sinh viên VN đã và đang tham gia học tập và nghiên cứu tại ENSMA và trong đó đã có 6 tiến sỹ bảo vệ thành công các công trình nghiên cứu của mình và được hội đồng xét duyệt đánh giá với chất lượng cao. Như vậy, bước đầu đây sẽ là một trong những nhân tố đầu tiên và rất quan trọng trong việc tiếp nhận, cũng như là tiếp tục phát triển những chuyển giao công nghệ có tính chất kỹ thuật cao và chuyên sâu. Họ vừa có thể là những người đón nhận trực tiếp các chuyển giao công nghệ từ chúng tôi, từ các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu của nước ngoài, lại vừa có thể tự tiếp tục triển khai những nghiên cứu tiếp theo một cách sâu và rộng hơn. Tôi có thể liệt kê ra đây một vài lĩnh vực chính trong ngành Hàng không mà hiện tại cùng với những tiến sĩ, nghiên cứu sinh Việt Nam ở đây có thể triển khai chuyển giao trực tiếp và tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu trong các phòng thí nghiệm của các trường Đại học trong nước:
* Vật liệu Hàng Không:
- Phương pháp đánh giá cơ tính của vật liệu composit, vật liệu polyme tái sinh.
- Cách thức xác định cơ chế phá huỷ của vật liệu composit.
- Phương pháp xác định và hạn chế vết nứt trong vật liệu composit nền epoxy.
Các vấn đề này hiện đang được tập trung nghiên cứu rất nhiều trong các phòng thí nghiệm về vật liệu hàng không. Nó được áp dụng trực tiếp vào việc tìm và phát hiện ra những vật liệu vừa tốt, vừa nhẹ để dùng trong chế tạo các thiết bị của máy bay hiện đại mà trong tương lai những vật liệu này có thể chiếm đến 60% trong số vật liệu dùng để chế tạo máy bay.
* Sự cháy và Nhiệt học
- Biện pháp hạn chế hoả hoạn trong động cơ máy bay.
- Cách thức phân phối dòng khí sao cho việc hoà trộn với nhiên liệu đạt được hiệu quả tối ưu trong buồng cháy.
- Phương pháp làm mát thành buồng cháy và cánh lá turbin của động cơ máy bay.
Hiện tại trong động cơ máy bay, việc tiết kiệm nhiên liệu, chống cháy, làm mát và đồng thời giảm được ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm lớn đối với nhà sản xuất. Để có thể tiết kiệm được 0. 01 lit nhiên liệu/người/km hay giảm được nhiệt độ trong động cơ xuống vài độ C là một thành công rất lớn, chính vì vậy, những biện pháp nêu trên là rất cần thiết cho việc tạo cơ sở để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.
Ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như Khí động học với những phương pháp nghiên cứu tính chất dòng chảy phía sau của tên lửa đẩy, hay tin học với các phương pháp thiết lập và quản lý dữ liệu hàng không.
Đến đây, vấn đề đặt ra là họ, những nghiên cứu sinh trẻ, sẽ làm việc thế nào và cách tiếp nhận của chúng ta với đội ngũ này?
Theo bản thân tôi, để có thể thu hút và phát huy nguồn nhân lực này, hay nói cách khác là đội ngũ trí thức trẻ, tôi xin được đề nghị một vài điểm sau đây:
- Nên tập trung thành lập một vài phòng thí nghiệm hiện đại có tầm cỡ quốc tế trong các lĩnh vực kỹ thuật cao để có thể tiến hành các nghiên cứu cơ bản cao cấp. Các phòng thí nghiệm này có thể nằm trong sự quản lý của Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, có thể nằm trong các trường Đại học Kỹ thuật đầu ngành như BKHN và TpHCM. Một khi đã có được những phòng thí nghiệm này cùng với đội ngũ trí thức được đào tạo cơ bản, đúng ngành, đúng nghề nó sẽ dễ dàng và đem lại hiệu quả cao hơn cho việc chuyển giao, tiếp nhận cũng như là phát triển các nghiên cứu.
- Tin tưởng tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trẻ những cơ hội được làm chủ những đề tài phù hợp với ngành nghề để họ tiếp tục trau dồi và phát huy những khả năng của họ.
- Một điều mà theo tôi cũng tương đối quan trọng, nhằm thu hút giới trí thức trẻ đó là tạo điều kiện cho họ một mức sống đầy đủ để họ có thể hoàn toàn yên tâm, toàn tâm, toàn ý cho công việc triển khai nghiên cứu.
Khi trong nước đã có được một đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn, yêu ngành nghề và yên tâm với công việc, cộng với một số phòng thí nghiệm hiện đại thì việc hợp tác, phối hợp nghiên cứu với các phòng thí nghiệm cũng như là các trung tâm nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới sẽ là vấn đề dễ dàng và tất yếu sẽ xẩy ra. Đồng nghĩa với điều này là việc thu hút được những trí thức Việt kiều về tham gia đóng góp cho việc phát triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ một cách có hiệu quả hơn.
Với cá nhân tôi, trong gần 10 năm tham gia xây dựng ngành Hàng không cho hai trường ĐHBK HN và TpHCM, tôi càng nhận thấy rằng nhân tố con người sẽ quyết định hiệu quả của việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Và đây sẽ vẫn là mục đích, nhiệm vụ chính mà tôi tự đặt ra cho mình trong việc góp phần xây dựng cho sự phát triển nghiên cứu khoa học cho đất nước.
Trong bài tham luận trên đây, tôi chỉ xin được trình bày về khía cạnh nhân tố con người trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ như vậy. Tất nhiên, ngoài yếu tố này, để có thể đạt hiệu quả cao trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thì còn rất nhiều các yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng như: Thiết bị, tổ chức, quản lý.
GS. TS. Đoàn Kim Sơn (Pháp)
Cập nhật 07-09-2006