Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Saturday, 26/04/2025 22:6

Các kết quả nghiên cứu ứng dụng của Phòng thí nghiệm Nga - Việt thuộc Viện các vấn đề quản lý Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga giai đoạn 1996-2004 và triển vọng trong giai đoạn 2006-2010 cho đất nước


I. Mở đầu

Với mục tiêu của Hội thảo “Trí thức NVNONN với sự nghiệp xây dựng quê hương”, chúng tôi xin trình bày tham luận với các phần sau:

-Những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, kết quả hoạt động về nghiên cứu của bản thân;

- Về một lĩnh vực mà bản thân đã, đang và sẽ làm để chuyển giao, đóng góp với trong nước: tham gia dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê Hà Tĩnh;

- Vài nét về tình hình đội ngũ trí thức Việt Nam ở Nga hiện nay và một số kiến nghị, đề xuất;

Thông qua các đề tài và kết quả nghiên cứu, ứng dụng của Phòng thí nghiệm Nga - Việt thuộc Viện các vấn đề quản lý Viện hàn lâm khoa học Liên Bang Nga, giai đoạn 1996-2004 và dự kiến thời gian tới.

II. Những tiến bộ khoa học mới nhất trong lĩnh vực chuyên môn và kết quả hoạt động và nghiên cứu của bản thân.

Từ khi tốt nghiệp đại học năm 1974, làm việc từ 1974-1979, bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ năm 1983, tiến sĩ khoa học năm 1997, và cho đến bây giờ, điều may mắn nhất của tôi là luôn được học và làm theo đúng chuyên ngành của mình là điều khiển học kỹ thuật, cụ thể hơn là xây dựng các thuật toán  xác định đặc tính đối tượng để giúp cho việc lựa chọn các thuật toán, thiết bị điều khiển các quá trình sản xuất nhằm đạt chất lượng sản phẩm tốt. Trong quá trình thực hiện chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 1986-1990, tôi đã từng làm phó chủ nhiệm hai đề tài, và chủ nhiệm đề tài cấp viện ở Viện khoa học Việt Nam. Chủ trì thực hiện đề tài hợp tác quốc tề về tự động hóa thiết kế. Năm 1989 Viện các vấn đề quản lý mang tên Trapeznhikov V.A (VCVĐQL) Viện hàn lâm khoa học Liên Bang Nga (VHLKHN) cùng với Viện khoa học tính toán và điều khiển, nay là Viện công nghệ thông tin thuộc Viện khoa học tự nhiên và công nghệ Việt Nam phối hợp thành lập Phòng thí nghiệm hỗn hợp Nga Việt (PTNNV) tại (VCVĐQL), và tôi được cử làm phó rồi trưởng phòng. Năm 1993-1995 PTNNV tham gia chương trình hợp tác khoa học giữa Viện khoa học Việt Nam và VHLKHN. Năm 1996-2000 chủ trì thực hiện đề tài số 13, và đề tài số 5 giai đoạn 2001-2005 về xây dựng các chương trình, tư vấn cho việc lựa chọn các thiết bị điều khiển. Quá trình hoạt động khoa học của tôi thời gian qua gắn liền với  PTNNV.

Nhận dạng đặc tính động học đối  tượng điều khiển là ngành mũi nhọn trong điều khiển học kỹ thuật, cứ 2 năm 1 lần, VCVĐQL nơi tôi làm việc thường tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về lĩnh vực này, là nơi các công trình nghiên cứu và ứng dụng mới nhất được giới thiệu. Việc nghiên cứu về lý thuyết, đối với tôi ngày càng ít, phần lớn thời gian dành cho việc tổ chức các xeminar về việc lựa chọn các thiết bị về tự động hóa cho các nhà máy.

Trong lĩnh vực chuyên môn, là tác giả của hơn 60 công trình nghiên cứu và hơn 50 hợp đồng lớn nhỏ với các cơ sở. Các công trình nghiên cứu đã được giới thiệu ở các hội nghị khoa học quốc tế và được đăng ở các tạp chí đầu ngành của Nga, Hungari, Đức. Tham gia viết một sách chuyên khảo chuyên ngành ở Việt Nam, các công trình này đều thuộc chuyên môn hẹp. Về phần ứng dụng, ngay từ năm 1989, sản phẩm phần mềm do tôi chủ trì đã được giới thiệu ở triển lãm quốc tế ở Nga, được dùng trong một số trường đại học ở Nga, nhiều hợp đồng mang tính riêng lẻ cũng đã được thực hiện với một số cơ sở ở Việt Nam giai đoạn 1985-1989 như quy hoạch  việc sử dụng khí mỏ Tiền Hải Thái Bình, xây dựng các thiết bị điều khiển nhiệt độ v.v..

Qua trao đổi với một số cán bộ khoa học ngành xã hội, một lĩnh vực mà tôi quan tâm hiện nay là nghiên cứu về văn hóa dòng họ ở Việt Nam. Và cũng đã có được một số lượng lớn báo cáo khoa học, các bài đăng ở các tạp chí trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

Hiện nay trong quá trình ứng dụng các hệ thống điều khiển, vấn đề chế tạo các thiết bị điều  khiển, các phần mềm được cài đặt trong đó, thường là các thiết bị chương trình đã được chuẩn hóa, vấn đề là lựa chọn hệ thống điều khiển nào hợp lý cho quá trình sản xuất, đảm bảo giá thành rẻ, chất lượng sản phẩm cao. Thông thường, trong một nhà máy, phần tự động hóa thường chiếm 10-15-20% giá thành nhà máy. Việc tư vấn đúng cho nhà máy khi lựa chọn mua, lắp đặt, vận hành các hệ thống này thường mang  lại lợi nhuận bằng khoảng 15-20% giá thành hệ thống.

Trong công việc tư vấn này, trọng tâm hoạt động chính của PTNNV tại VCĐQL, tôi may mắn được làm việc với thầy GS-TSKH Itkovich E.L là chuyên gia hàng đầu của Nga về lĩnh vực này.

Ngoài công tác nghiên cứu và thực hiện hợp đồng tư vấn, PTNNV tại VCVĐQL VHLKHN tham gia công tác giảng dạy đào tạo cán bộ cho phía Việt Nam, một số cán bộ nghiên cứu Việt Nam đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ở VCĐQL. Hàng năm VCĐQL có một số suất học bổng của Bộ Giáo Dục và Khoa Học Nga dành cho việc đào tạo học sinh đại học và đặc biệt là nghiên cứu sinh.

III. Về một lĩnh vực có thể chuyển giao đóng góp với trong nước

(Về Dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê – Hà Tĩnh)

Để xây dựng được các hệ thống điều khiển quá trình công nghệ một cách có hiệu quả, thường các chuyên gia ngành tự động hóa cần tham gia từ giai đoạn  đầu tiên của quá trình, từ việc lập luận chứng kinh tế, kĩ thuật, thiết kế lắp ráp thi công và vận hành nhà máy. Phòng thí nghiệm của chúng tôi, từ năm 2002 tới nay với sự tham gia của nhiều cơ sở nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành của Nga đã chủ trì một chương trình tư vấn khoa học với Việt Nam về việc xây dựng luận chứng tiền khả thi cho việc khai thác, sử dụng quặng sắt của mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Giai đoạn 1998-2001, là giai đoạn chuẩn bị cơ sở số liệu bằng cách liên hệ với các cơ quan,cán bộ khoa học Nga đã làm các việc liên quan tới mỏ quặng sắt Thạch Khê như: khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng. Cùng các cơ quan đó đánh giá lại các giải pháp kĩ thuật, trao đổi với đối tác Việt Nam. Năm 2002-2003, thu thập lại các số liệu về khí hậu, thời tiết, cơ sở hạ tầng và năm 2003-2004 lập luận chứng tiền khả thi  cho việc khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh. Báo cáo đã phân tích lại đặc tính địa chất, đặc tính lý hóa của quặng với hai yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình khai thác mỏ là quặng nằm ở sâu dưới lòng đất, gần bờ biển có các mạch nước ngầm và hàm lượng kẽm trong quặng cao. Đã đưa các giải pháp ổn định bờ mỏ, độ dốc khai thác,…..,lựa chọn các thiết bị phù hợp trong đó có các thiết bị liên quan đến điều khiển và những kiến nghị về vấn đề lựa chọn công nghệ luyện kim phù hợp với việc xử lý loại quặng như quặng sắt của Thạch Khê.

Báo cáo được thông qua kiểm định của Ủy ban xây dựng nhà nước Nga và trình bày lần cuối cùng vào ngày 11/10/2004 tại Hà Nội và được bộ Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt về hợp tác kinh tế thương mại  và khoa học kỹ thuật đánh giá cao tại phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban vào tháng 4.2005, tháng 7.2005, được Hội đồng thẩm định dự án Bộ công nghiệp chính thức thông qua và đề nghị Chính phủ thông qua và chuyển sang giai đoạn lập báo cáo khả thi.

Cùng với luận chứng tiền khả thi cho việc xây dựng khu liên hiệp luyện kim có công xuất 4,5 triệu tấn thép/năm tại Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, với khả năng sử dụng tối đa nguồn quặng từ khu mỏ Thạch Khê, do công ty tư vấn Arcelor thuộc tập đoàn Arcelor lập, việc xây dựng khu liên hiệp mỏ luyện kim tại Hà Tĩnh đã được phía Việt Nam thông qua về mặt chủ trương. Cùng với sự thay đổi giá thép, giá quặng vào cuối năm 2003 đầu 2004, việc phía Việt Nam có được luận chứng tiền khả thi việc khai thác quặng sắt mỏ Thạch khê là rất có ý nghĩa. Hiện nay rất nhiều công ty, tập đoàn kinh tế thương mại dành sự quan tâm đặc biệt đến khu mỏ và khu liên hiệp luyện kim này.

Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn công nghệ luyện kim hợp lý nhằm khắc phục ảnh hưởng của hàm lượng kẽm đến chất lượng sản phẩm thép là rất quan trọng. Trong những năm 90 của thế kỷ trước phía Việt Nam đã có nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này, nhưng cho đến nay chưa đi đến kết quả cụ thể. Về hai vấn đề xử lý nước ngầm và hàm lượng kẽm, phải công nhận là phía Nga rất có ưu điểm, họ đã và đang khai thác một số mỏ có nhiều mạch nước ngầm và có hai nhà máy vào loại lớn nhất nhì ở Nga có kinh nghiệm thực tiễn về xử lý quặng sắt có chứa hàm lượng kẽm cao. Hiện tại Phòng thí nghiệm Nga Việt tại VCĐQL đang cùng các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu thiết kế và một số cơ sở sản xuất tiến hành các công việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo :

Xác định lại yêu cầu về các cơ sở dữ liệu để thiết kế khu mỏ và cách thu thập dữ liệu;

Lựa chọn công nghệ luyện kim hợp lý;

Yêu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở;

Đảm bảo vấn đề môi trường v.v. ;

Công việc trên đòi hỏi sự cộng tác của các chuyên gia đầu ngành, đặc biệt các chuyên gia từng tham gia Dự án Thạch Khê trước đây, của các cơ quan như: Viện thiết kế mỏ, Viện luyện kim đen, Viện thiết kế khu công nghiệp luyện kim, Trung tâm làm giàu quặng, Trung tâm xử lý nước ngầm v.v. của Nga, tiến hành với sự hợp tác của các cơ quan, cán bộ khoa học Việt Nam và địa phương là tỉnh Hà Tĩnh, phần này chúng tôi xin trình bày tiếp ở phần III, trước lúc đi vào phần đề xuất, kiến nghị với nhà nước Việt Nam, chúng tôi xin điểm qua về tình hình đội ngũ trí thức Việt Nam tại Liên bang Nga.

IV. Vài nét về tình hình đội ngũ trí thức Việt Nam ở Nga hiện nay

Trong cộng đồng người Việt ở Nga hiện nay, đội ngũ trí thức có thể nói là rất ít, chủ yếu là lưu học sinh, nghiên cứu sinh trước đây ở lại làm ăn kinh tế. Trong các cơ quan nghiên cứu, các trường, các cơ sở nghiên cứu, thiết kế của các công ty chỉ có số ít nghiên cứu sinh, thực tập sinh người Việt làm việc theo đề tài nghiên cứu để bảo vệ luận án. Số trí thức (tốt nghiệp đại học, nghiên cứu sinh) ở lại chủ yếu là kinh doanh, phải nói đại đa số doanh nhân thành đạt hiện ở Nga là các trí thức được nhà nước cử đi học, nghiên cứu giai đoạn những năm 90 như: TS Trịnh Viết Ngọ Chủ tịch trung tâm thương mại Lion, TS Nguyễn Văn Niên Chủ tịch tập đoàn Sông Hồng, TS Võ Văn Hồng Chủ tịch công ty Bến Thành v.v.. Một bộ phận nữa chuyển sang làm quản lý cho các trung tâm thương mại, công ty của người Việt, đại bộ phận tập trung ở Matxcơva, ở các thành phố khác rất ít, như thành phố Upha có khoảng 4000 người Việt Nam, trong đó chỉ có mươi người đã qua các trường trước đây ở Liên Xô cũ, hầu như không có người làm trong các trường, viện, cơ sở nghiên cứu ứng dụng của Nga.

Vì vậy nên các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng vào sản xuất rất xa vời với trí thức Việt Nam ở Nga. Một số công ty Việt Nam khi muốn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nước là rất khó khăn, do không có thông tin ở Nga. Một số yêu cầu về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ trong nước thường lại do các công ty Việt Nam đảm nhận, mà họ lại không có cán bộ trong lĩnh vực, không có quan hệ, có chăng chỉ quan hệ qua một số người làm kiểu qua hình thức môi giới nên hiệu quả không cao.

Mặc dù ít, lại ở rải rác, nhưng anh em ở đây đã tập hợp nhau lại thành Hội khoa học kỹ thuật người Việt ở Liên Bang Nga và cũng đã có nhiều đóng góp với cộng đồng người Việt ở Nga cũng như ở Việt Nam. Phòng thí nghiệm Nga Việt tại VCVĐQL, qua quá trình thực hiện các đề tài hợp tác giữa VKHVN và VHLKHN, cũng như việc xây dựng luận chứng tiền khả thi khai thác quặng sắt mỏ Thạch khê và tham gia công tác đào tạo cán bộ khoa học cho Việt Nam.

V. Một số đề xuất, kiến nghị với nhà nước Việt Nam:

1. Trong biên bản cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Bang Nga ngày 4-5 tháng 4 năm 2005 tại Matxcơva đã ghi rõ mục III-6.1: Giao cho Tiểu ban hợp tác và khoa học kỹ thuật tiếp tục trao đổi ý kiến và thảo luận các đề tài và dự án hợp tác cho giai đoạn 2005-2006, chúng tôi mong được Bộ khoa học công nghệ Việt Nam thông báo cho biết các đề tài và dự án để có thể đăng ký tham gia.

2. Trong dự thảo đề án phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu và  danh mục các chương trình khoa học và công  nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006 – 2010, chúng tôi xin kiến nghị được tham gia mục 3.3 và mục 3.4 theo hình thức vay vốn cụ thể là: nghiên cứu lựa chọn công nghệ luyện kim phù hợp cho việc xử lý quặng sắt mỏ Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Ứng dụng công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao hiệu quả quá trình khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đề nghị cơ quan quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cho chúng tôi biết nội dung  yêu cầu của các chương trình 3.3 và 3.4 để chúng tôi có thể tham gia theo hình thức hoặc đấu thầu hoặc vay vốn có hoàn trả để thực hiện đề tài trên.

3. Hàng năm cuối kế hoạch 5 năm, Viện khoa học công nghệ Việt Nam và VHLKHN thường ký các đề tài chương trình hợp tác cho năm năm tiếp, cụ thể cuối năm nay, chuẩn bị ký cho giai đoạn 2006-2010, thông qua Hội thảo này xin kính đề nghị  lãnh đạo Viện khoa học công nghệ Việt Nam lưu ý đến việc xây dựng chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giai đoạn 2006-2010 có ưu tiên cho các đề tài dành cho việc giải quyết các nhiệm vụ của Việt Nam.

4. Quá trình hoạt động khoa học của tôi rất may mắn là được thực hiện ở Viện các vấn đề quản lý là Viện dẫn đầu ngành của Nga, nơi tập trung các nhà khoa học xuất sắc nhất. Trước đây, các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam thường theo mô hình của Nga: Viện khoa học Việt Nam-Viện hàn lâm khoa học Nga,Viện Toán học, Viện Vật lý v. v… phương hướng hoạt động, kinh phí nghiên cứu đều theo một môtíp như nhau. Ngày nay, kinh tế của Nga đã chuyển sang kinh tế thị trường. Các Viện khoa học Nga, các trường đại học đào tạo cán bộ đã thay đổi rất nhiều, ví dụ: không có các chương trình trọng điểm. Nhưng ở Việt Nam chúng tôi thấy các cơ quan nghiên cứu khoa học chưa chuyển hướng, hoặc chuyển hướng chưa tốt phục vụ nền kinh tế thị trường. Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: Nhà nước, Viện lớn, Viện nhỏ, các cơ quan Bộ, tổng cục, tỉnh, huyện v. v. quá nhiều, trùng lặp, mà thiếu kết quả cụ thể, nên chăng với thời gian tới, viện nghiên cứu khoa học và ứng dụng phải đi trước nhằm giải bài toán hạn chế tụt hậu hiện nay của Việt Nam.

VI. Kết luận:

Trên cơ sở kết quả hợp tác quốc tế của việc thực hiện chương trình trọng điểm cấp nhà nước 1986-1990 về Tự động hóa, Viện khoa học tính toán và điều khiển, Viện khoa học Việt Nam cùng Viện các vấn đề quản lý, Viện hàn lâm khoa học liên bang Nga đã thành lập Phòng thí nghiệm Nga-Việt nhằm triển khai các nghiên cứu và ứng dụng về điều khiển cho các quá trình công nghệ định hướng cho quy trình sản xuất ở Liên Bang Nga và Việt Nam.

Hơn mười lăm năm đảm đương trách nhiệm ở Phòng thí nghiệm, phía Việt Nam, chúng tôi đã thu được một số kết quả: hơn 100 công trình nghiên cứu và hợp đồng ứng dụng đã được công bố ở các tạp chí đầu ngành, báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế, giúp đỡ nhiều cán bộ khoa học Việt Nam bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.

Hơn sáu năm qua (1998-2004), đã tham gia xây dựng luận chứng tiền khả thi cho việc khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê-Hà Tĩnh và đã chuẩn bị cơ sở để thực hiện tiếp các bước tiếp theo, nhằm tiến tới việc xây dựng khu liên hiệp khai thác và chế biến quặng sắt với các hệ điều khiển đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm: Quặng có thể xuất khẩu và dùng cho quá trình luyện kim, có được các loại thép tốt. Luận chứng đã được các cơ quan chức năng Việt Nam đánh giá cao và đang được Chính phủ Việt Nam xem xét.

Đồng thời chúng tôi vẫn theo dõi sát tình hình phát triển khoa học kỹ thuật trong nước để cùng với các trớ thức người Việt đang làm ăn, sinh sống ở Liên Bang Nga, có những đóng góp với trong nước nhằm giải quyết tốt các yêu cầu của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới. Một số kiến nghị được chúng tôi mạnh dạn đề xuất với nhà nước Việt Nam, đặc biệt với các cơ quan quản lý khoa học công nghệ của Việt Nam thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

VS GS Nguyễn Huy Mỹ (Nga)

Created by admin
Last modified 07-09-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin