Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Wednesday, 25/12/2024 12:32

Tết là những ngày quan trọng và đầy ý nghĩa


 


Đối với người Việt Nam nói chung, ai ai cũng cho Tết là những ngày quan trọng và có ý nghĩa. Thông thường thì người ta không viết hoa chữ “tết”. Nhưng theo chúng tôi, chúng ta nên viết Tết bằng chữ hoa để đánh dấu đặc biệt cho ngày đầu năm âm lịch cũng như Tết Nguyên-Đán. Theo tục lệ của người Việt, dù ai bận công lên việc xuống, đầu tắt mặt tối hay ở mãi tận đâu đâu cũng cố trở về quê cũ trước Tết để trước hết là thờ cúng tổ tiên là những vị đã sinh thành ra mình, sau là họp mặt xum vầy cùng gia đình và bà con quyến thuộc.

Tuy chúng tôi đã xa quê hương rất nhiều năm, nhưng hễ đến gần ngày Tết là cảm thấy lòng bồi hồi xúc động lạ thường. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn và những kỷ niệm thân yêu đầm ấm từ hồi còn bé lại hiện lên chập chờn trong trí óc.

Các bạn có biết không? Cho dù xa quê, xa mảnh đất Việt Nam thân yêu, nhưng những người Việt được gọi là Việt kiều vẫn nhớ đến cái Tết. Tuy đã sắm sửa những gì để đón một năm mới sắp đến tạm gọi là đầy đủ... nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy còn thiếu nhiều thứ như: đưa ông Táo về Trời ngày 23 Tết, cúng Giao-Thừa đêm 30 Tết và nghe tiếng pháo nổ ran, đi hái lộc, cây nêu, câu đối đỏ, tranh Tết dân gian. Mồng Một Tết đi chúc Tết bà con, mồng Hai Tết đi chúc bạn bè, mồng Ba Tết ở nhà tiếp khách và vui chơi cùng con cháu trong nhà...

Gọi là bánh chưng là vậy! Nhưng bánh chưng ở đây khác xa với bánh chưng ở quê ta. Phần nhiều bánh được gói bằng giấy bạc thay vì lá chuối hay lá dong. Cho nên bánh chưng thiếu màu xanh của lá, thiếu hương thơm của lá chuối hay lá dong nên đã có người phải dùng thuốc nhuộm để có được màu xanh bất đắc dĩ. Bên ngoài lại buộc bằng sợi chỉ thay vì sợi lạt tre nhuộm màu hồng hay màu đỏ làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc bánh!

Nhớ lại những cái Tết đã đi qua hồi thơ ấu bên lũy tre làng, đàn trâu cùng tiếng sáo diều với bao kỷ niệm đằm thắm, với những ngọn cau cao chót vót biểu tượng cho tục lệ ăn trầu của người Việt Nam:

Không có gì lý thú cho bằng gần 30 Tết, ngoài trời rét mướt, mấy anh em chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa bập bùng để sưởi ấm và nghe chuyện cổ tích do ông bác kể. Ông bác còn phân công cho chúng tôi, đứa thì đi lấy củi chụm thêm vào bếp lửa; đứa thì múc nước ở thùng nước sôi bên cạnh đổ thêm vào nồi bánh; đứa thì khuân củi ở sau hè đến chất ở gần nồi bánh chưng.

Không có gì thiêng liêng cho bằng trên bàn thờ khói hương nghi ngút, hai cây nến cháy đỏ rực cùng mâm ngũ quả, gói trà, chai rượu, bánh chưng, kẹo... bày biện để cúng tổ tiên. Và đại gia đình ai nấy quần áo tề chỉnh, sắp hàng tề tựu đứng trước bàn thờ thắp hương lạy tạ, khấn vái chân thành.

Không có gì nghiêm trang cho bằng những đứa bé chắp tay trước ngực nói lời chúc tụng đối với người lớn.

Không có gì sung sướng cho bằng những đứa trẻ như chúng tôi được mặc quần áo mới, được tiền mừng tuổi. Và rồi, ngày Mồng Một Tết và có tiếng xu hào nghe leng keng trong túi quần, túi áo!

Trái lại, ở nơi đất khách quê người bây giờ kiếm đâu ra hương vị Tết , không có gì khổ bằng ba ngày Tết lại không nhằm vào ngày cuối tuần được nghỉ việc nên Mồng Một, Mồng Hai và Mồng Ba Tết vẫn phải đi làm kéo cày. Như vậy, Tết xem ra nhạt nhẽo và mất đi cái truyền thống văn hóa cổ truyền của người dân Việt! Cho dù vòng quay của trái đất, sự sống đã diễn ra, mấy chục cái Tết đã qua đi nơi đất khách quê người, nhưng quê hương và người thân vẫn mãi là nỗi ám ảnh khôn nguôi!

Nhưng kể từ ngày Đất Nước đổi mới, Tết đến với chúng tôi có ý nghĩa hơn, chúng tôi có cơ hội được trở về cố quốc ăn Tết. Đi đến đâu cũng thấy cảnh buôn bán sầm uất và mọi người nô nức sắm Tết; khác hẳn ngày xưa. Vòng quanh chợ Bến Thành, những gian hàng Tết bày la liệt đủ thứ bánh, mứt, kẹo, hồng. Chợ hoa với những chậu cúc vàng óng ánh, với những cành đào đỏ rực như tô thêm sắc thắm cho màu cờ đỏ. Rồi nào với những chậu Lan để biểu tượng cho mùa Xuân. Không những vậy, chúng tôi còn được thưởng thức hoa người, với bóng dáng thướt tha của những tà áo dài với nhiều màu sắc đang tung bay trước gió như muốn ganh đua cùng những chậu cúc màu vàng, với những đóa hoa hồng, và không thể kể hết vẻ đẹp của người đi sắm Tết và của hoa được bày biện với hàng trăm cánh hoa như nép sát vào nhau như những hạt ngọc lung linh.


Đặc biệt, không có gì quý bằng mừng mừng, tủi tủi gặp được anh chị em, họ hàng sau bao năm xa cách. Được đi thăm mộ ông bà. Được đi chúc Tết họ hàng.  Đúng là bây giờ nhân dân ta được ăn Tết hòa bình, được hưởng được những ngày Xuân rộn rịp có ý nghĩa và đầy thú vị. Tưởng trên đời này không có gì lý thú cho bằng được ăn một cái Tết thanh bình trên quê hương Việt Nam yếu dấu! Quê hương, Dân Tộc đi liền với Tết như keo sơn tràn ngập tình thương, tình người và hình như có một cái gì thiêng liêng không nói lên được. Bởi thế có một chuyện thật xẩy ra, mà chúng tôi cứ tưởng là được tiểu-thuyết-hóa. Kể từ ngày Đất Nước đổi mới đến giờ, có một gia đình Việt kiều vỏn vẹn có bốn người, chồng, vợ và hai con nhỏ ở Houston, Texas. Tuy không còn ai là bà con, thân nhân ở Việt Nam và chúng tôi được biết là anh ta chẳng giàu có gì. Vợ chồng làm lụng quanh năm chỉ đủ ăn. Nhưng năm nào cũng vậy, hễ gần đến Tết là gia đình nầy lại khăn gói về Việt Nam ăn Tết. Năm thì ở ngoài Bắc, năm thì vào trong Nam, có năm lại về miền Trung… Thế mới biết là tình quê hương quá ư diệu vợi và tràn đầy yêu thương mà trong đó tình người thể hiện với nhau đến nỗi có những người ngoại quốc đến du lịch Việt Nam lúc về mang theo bao kỷ niệm mến yêu khó thể nào quên được.

Vì vậy mà mỗi lần Tết sắp đến Xuân về là mỗi lần Việt kiều ở các nơi trên khắp thế giới lại rộn rịp, đổ xô về quê hương ăn Tết, có năm có đến hơn 200.000 người. Quê hương Việt Nam trở thành điểm hẹn của những cặp tình nhân, và cũng là nơi bạn bè năm châu về gặp nhau sau bao năm xa cách.  Đã thành thông lệ, hàng năm lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền nhiều địa phương đều gặp gỡ chúc Tết bà con kiều bào về quê ăn Tết. Đặc biệt TP Hồ Chí Minh còn tổ chức đón tiếp, trợ giúp thủ tục cho kiều bào ngay tại sân bay Tân Sân Nhất trong thời gian cao điểm của dịp Tết là từ ngày 01/12/2005 đến ngày 31/01/2006. Riêng Việt kiều Thái-Lào năm nào cũng tổ chức họp mặt Tết và vui Xuân với nhau tại Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó đã nói lên tình đoàn kết keo sơn của người Việt Nam cho dù ở bất cứ nơi nào, không kể đến thời gian, không gian và cũng nói lên Tết là những ngày quan trọng trong đời sống và trong di sản văn hóa của tiền nhân ta để lại đã trở thành truyền thống hi hữu của người Việt Nam.

Năm nay, Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập quốc tế, tăng trưởng kinh tế  khoảng 8%. Cộng đồng Tài trợ Quốc tế cam kết giúp đỡ Việt Nam một con số kỷ lục 3,7 tỷ USD trong chương trình ODA là một bằng chứng cho thấy Việt Nam đã làm tốt công việc của mình và được các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ. Đóng góp vào sự phát triển chung đó của Việt Nam có phần công sức không nhỏ của bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Các hoạt động chuyển giao chất xám, công nghệ, đầu tư thương mại, kiều hối của kiều bào về nước ngày càng gia tăng mạnh mẽ góp sức cùng đồng bào trong nước phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Đa số kiều bào cho rằng với đường lối và chính sách tiếp tục đổi mới mở cửa và quyết tâm chống tệ nạn quan liêu tham nhũng của Nhà nước, chắc rằng 5 năm sau (2010) mục đích tổng sản lượng đầu người của Việt Nam đạt đến mức 1.000 USD/người là mức trung bình của thế giới không vượt ngoài tầm tay.

Nhân dịp Tết Bính Tuất sắp đến, kiểm điểm lại, chúng ta thấy Việt Nam đang trên đà thay da đổi thịt. Đất Nước đang đổi mới phù hợp với chính sách của Nhà nước, triệt để thực hiện đại đoàn kết làm cho dân giàu, nước mạnh, để người người ấm no hạnh phúc!

Hoài Việt (Hoa Kỳ)

Created by admin
Last modified 27-01-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin