Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ năm, 26/12/2024 11:39

Tết trên đất Mỹ - Tìm một chút hương quê


 


Từ 2 hoặc 3 tháng trước Tết, tại những vùng có đông người Việt Nam sinh sống như quận Cam, San Jose (bang California), các đoàn hội người Việt thường tụ họp lại để thảo luận chương trình Tết và định ngày ăn Tết. Mặc dù Tết Nguyên đán là những ngày đầu tiên của năm Âm lịch, nhưng tổ chức các lễ hội Tết thì luôn phải làm vào kỳ nghỉ cuối tuần, trước hoặc sau tết  vì ở Mỹ người ta đâu có nghỉ Tết Nguyên đán như ở Việt Nam. Tại quận Cam, các lễ hội mừng Tết luôn được tổ chức rất nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu. Tại đây, trung bình mỗi năm có từ 2 đến 4 hội chợ (thường được tổ chức trong các công viên) với đầy đủ trò chơi truyền thống như ở Việt Nam và đặc biệt hầu như luôn có cuộc thi hoa hậu áo dài. Có năm bà con còn thuê cả máy bay trực thăng bay biểu diễn trên bầu trời với đuôi chữ rất lớn “Tết Việt Nam” trong khi mọi người đi diễu hành dọc theo đường Bolsa (con đường làm ăn chính của cộng đồng người Việt tại đây), rước xe hoa, thả bong bóng, múa lân... Còn ở những nơi cộng đồng người Việt sống rải rác, các hoạt động thường diễn ra theo từng nhóm nhỏ, chẳng hạn trong hội sinh viên Việt Nam ở các trường đại học, trong nhà thờ, gia đình Phật tử hoặc một nhóm bạn nào đó. Nhiều nhất vẫn là các buổi họp mặt diễn ra tại những hội sinh viên Việt Nam mà hầu như trường đại học nào cũng có. Ca hát bằng tiếng Việt, múa cổ truyền, diễn kịch... vẫn là chương trình chủ đạo trong những buổi họp mặt đầu năm này. Đối với nhiều bạn nữ thì đây chính là dịp để diện... áo dài.

Riêng chuyện ẩm thực, đến các cửa hiệu tại quận Cam, San Jose cũng như nhiều nơi khác có bà con mình sinh sống, sẽ thấy chẳng thiếu một món ăn truyền thống Việt Nam nào: từ bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, đến dưa, hành, củ kiệu... Mọi thứ đều có sẵn, cuộc sống lại quá bận rộn nên hầu như ai cũng mua tất cả từ ngoài tiệm. Tuy vậy, một số gia đình vẫn tranh thủ tự gói bánh chưng để cố tạo ra cái không khí chộn rộn ngày Tết xa xưa. Quy trình nấu bánh thường diễn ra nhanh chóng trong vòng 5 hoặc 6 tiếng bằng bếp ga. Dù rất bận rộn nhưng ai cũng muốn ngày đầu xuân trong nhà mình có một cành đào, một ít bánh mứt, một cặp bánh chưng trên bàn thờ..., vừa để cúng ông bà, vừa gợi nhớ đến quê hương.


Ngoài đường chộn rộn là vậy, trong nhà đầy đủ là thế nhưng nỗi niềm của mỗi người dân xa xứ vẫn thật khó diễn tả... “Gia đình mình mỗi năm đều tranh thủ tự gói vài cặp bánh chưng, đêm giao thừa nào cũng tụ họp cả nhà lại để chúc Tết và lì xì lẫn nhau như hồi còn ở Việt Nam nhưng tất cả đều chỉ cố khơi dậy lại một chút kỷ niệm xưa chứ hương vị thực sự của Tết chẳng thể kiếm được ở đâu khác ngoài mảnh đất quê hương của mình” - một cô gái sống ở Massachusetts đã tâm sự như vậy. Còn một chàng trai ở Texas thì “mình nhớ khi còn ở Việt Nam, mình không bị ba mẹ la mắng trong những ngày đầu năm bao giờ, trái lại đi đâu mình cũng nhận được những nụ cười rạng rỡ, mình được nghỉ học, được đi thăm bà con chòm xóm... Còn Tết bây giờ vẫn phải dậy sớm đi làm, buổi sáng chỉ kịp viết vài chữ mừng tuổi để vội trong phòng ba mẹ là phải đi ngay...”.

Tết thường đến vào tháng 2 Dương lịch, đa phần nước Mỹ còn đang ngủ vùi trong tuyết nên người Việt Nam thường phải đón những “cái Tết trắng”, khác hẳn với bầu không khí đầu Xuân ngập nắng và hoa ở Việt Nam. Tuyết rơi ngoài phố, tuyết rơi trên thềm và rơi cả trong lòng những người dân xa xứ... May mà trong mùa Đông ấy vẫn có những đốm lửa hồng đủ làm bớt lạnh. “Đã hơn 10 năm rồi, cứ mỗi dịp Tết đến, mình lại nhận được bao lì xì đỏ thắm của một người thầy Mỹ dạy mình từ hồi trung học gửi tặng”. Đó chính là đốm lửa làm ấm lòng một thanh niên gốc Việt sống ở New York. Nhưng dù sao chăng nữa, cứ mỗi khi Tết đến, trong tận đáy lòng của mỗi người Việt xa xứ vẫn là một ước mơ cháy bỏng: giá như giờ này mình được đón Xuân trên quê hương Việt Nam...

Kiều Oanh


Các tin liên quan:
Tạo bởi admin
Cập nhật 27-01-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin