Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Wednesday, 25/12/2024 12:13

Chợ Việt trên đất Mỹ

Sống ở Mỹ, đi chợ Việt vào cuối tuần là một phần trong đời sống của người Việt ở hải ngoại. Vào những ngày cuối tuần, nếu có ai tạt ngang qua khu Bolsa, ghé vào các ngôi chợ Việt Nam sẽ thấy rõ ràng sự nhộn nhịp và tấp nập của việc buôn bán và mua sắm ở các ngôi chợ này, lúc đó mới thật sự cảm nhận được nếp sống sinh hoạt của người Việt nơi xứ người.

 

Mắm tôm, riêu tôm - những mặt hàng có thể dễ dàng tìm mua ở các chợ Việt tại Mỹ
Mắm tôm, riêu tôm - những
mặt hàng có thể dễ dàng tìm mua
ở các chợ Việt tại Mỹ

Khi ra nước ngoài sinh sống, người Việt hay sống tập trung, lại có nhu cầu cần nấu nướng các món ăn truyền thống nên chợ Việt được hình thành để cung cấp các thức ăn Việt. Chỉ riêng trong quận Cam mà trên dưới đã có hơn 20 chợ Việt lớn nhỏ. Có chợ được tạo thành một hệ thống như là Viễn Đông Supermarket, 99 Supermarket do người Việt gốc Hoa làm chủ. Có những chợ hoàn toàn do người Việt bỏ vốn và làm chủ, còn nhân viên trong chợ chủ yếu là người trong gia đình, hoặc toàn là người Việt Nam.

Cộng đồng Việt Nam ở Mỹ ngày càng phát triển và tập trung ở một số vùng như Nam Cali, chủ yếu là 3 khu vực Los Angeles, Orange County và San Diego, nên có những nơi như Little Sài Gòn, các chợ Việt Nam lần lần lấn lướt các chợ Mỹ, hoặc tìm cách mua lại các chợ Mỹ và biến đổi các chợ Mỹ này thành chợ Việt. Các hệ thống chợ Mỹ như là VONS, Ralph... dần dần phải di chuyển khỏi khu vực này do không thu hút được khách hàng Việt  khiến họ không đủ sở hụi để nuôi sống ngôi chợ nữa. Thế nên người Việt ở quận Cam quanh khu vực phố Bolsa hiện nay mỗi lần muốn đi chợ Mỹ lại phải lái xe đi khá xa tới khu vực có nhiều người Mỹ sống thì mới có chợ Mỹ để mua sắm. Và việc gặp người Mỹ đi chợ Việt cũng không còn là chuyện lạ nữa.

Chợ Việt Nam mở cửa suốt 7 ngày trong tuần, từ 8, 9h00  sáng đến 8, 9h00 tối tùy theo từng chợ. Trong chợ có bán đủ từ rau tươi, trái cây, thịt cá, các loại gia vị mà các gia đình người Việt hay dùng cho đến các món ăn làm sẵn có thể ăn ngay. Người Việt sống ở Mỹ nói từ "đi chợ" không có nghĩa là chỉ đi mua riêng thực phẩm, thức ăn mà còn đồng nghĩa là đi mua sắm đủ thứ. Vào một ngôi chợ Việt Nam, khách hàng có thể tìm thấy hay mua đủ mọi vật dụng từ thực phẩm, đồ gia dụng, nước uống cho đến vàng, bạc, nhang, đèn, bông hoa... cho đến cau trầu, hay chày cối, chổi, xà bông, thuốc lá... Nghĩa là đầy đủ các mặt hàng giống như các ngôi chợ trong nước.

Chợ ABC
Chợ ABC

Người Việt sang đây cũng tập thói quen như người Mỹ là đi chợ vào cuối tuần, hay trong tuần đi chợ một lần chứ không đi chợ hằng ngày như bên nhà. Nếu nhà gần chợ thì đôi lúc sau giờ làm việc về các bà có thể ghé ngang qua chợ mua thêm món rau để làm thức ăn tươi hay nấu nồi canh. Vì vậy, cứ đến chiều ngày thứ sáu, nguyên ngày thứ bảy và sáng chủ nhật là các bãi đậu xe trước các chợ rất đông và khó kiếm nổi chỗ đậu.

Rau tươi được các chủ trại Việt Nam trồng trong vùng cung cấp hằng ngày cho các chợ... Gần như có thể thấy là không thiếu các loại rau tươi mà người Việt hay ăn hằng ngày, từ rau xà lách, tần ô, rau muống, xà lách xoong, rau dền, cải, giá, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi... cho đến các loại rau ăn kèm với phở, mì quảng hay bún bò... như ngò gai, rau răm, rau thơm, rau dấp cá, bạc hà, bắp chuối, rau húng, rau muống chẻ, khế, chuối chát...

Trái cây đại đa số là các loại chuối, táo, thơm, dưa hấu, nho là gần như bán quanh năm, riêng các loại trái cây nhiệt đới như mít, sầu riêng thì được bán theo mùa. Các loại trái cây này được nhập chủ yếu từ Thái Lan, đôi lúc cũng có hàng từ Việt Nam sang... Thỉnh thoảng, người đi chợ cũng có thể tìm thấy khoai mì hay bắp Việt đã được hấp hay nấu sẵn, đóng bao bì nhập vào các chợ, người mua chỉ cần mua về bỏ vào lò microwave hâm nóng lên là có thể tận hưởng được mùi vị ngọt bùi của miếng khoai mì hay độ mềm dẻo của bắp Việt.

Chợ Viễn Đông III
Chợ Viễn Đông III

Thịt là món ăn thường có trong các bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình. Thịt được bán với giá rất rẻ so với rau cải, các bà nội trợ có thể tìm thấy trong bất cứ ngôi chợ nào các loại thịt bò, heo, gà hay vịt... Nhân viên gian hàng thịt luôn sẵn sàng chặt hoặc xắt theo yêu cầu chế biến của người mua. Ở các gian hàng cá hay đồ biển cũng thế. Khách hàng có thể lựa chọn cá, tôm, cua xếp trong các thùng ướp lạnh hay cá tươi được nuôi trong những bể lớn và yêu cầu nhân viên làm, thậm chí chế biến mà không tính thêm phụ phí. Nếu như thịt lúc nào cũng có đủ loại, thì cá lại theo từng mùa, có mùa cua Alaska hay cá biển được đánh bắt từ miền Bắc đem về nhiều nên bán với giá rẻ, có mùa thì tôm cua khá đắt đỏ. Cũng có một số cá được nhập từ Việt Nam như là cá basa hay catfish rất được các bà nội trợ ưa chuộng mua về làm món canh chua cá.

Người Việt hay ăn các loại gạo Thái Lan như Jasmine, Ba Cô gái, Con Voi hay Basmati Rice từ Ấn Độ nhập sang. Nước mắm Phú Quốc được sản xuất tại Thái Lan nhưng là do Viet Huong Trading Company bên Hồng Kông nhập vào Mỹ. Mắm các loại như mắm ruốc, mắm thái... bày bán ở các chợ đều dán nhãn sản xuất bên Thái Lan nhưng đồng thời lại có nhãn bằng tiếng Việt nên nhiều người cho rằng các mặt hàng này được làm ở Việt Nam mà đóng bao bì ở Thái Lan hay Hồng Kông và nhập vào Mỹ.

Hiện nay, ngày càng có nhiều mặt hàng thực phẩm đóng gói được nhập thẳng từ Việt Nam sang và có ghi rõ "made in Viet Nam", đặc biệt là mì gói, cháo, phở ăn liền, các gia vị để nấu các món phở, bún bò, hủ tiếu..., cà phê Trung Nguyên, Vina cà phê... đã được nhiều người tiêu dùng chú ý và trở nên quen thuộc đối với người Việt sống ở Mỹ.

Ở một số chợ Việt Nam khang trang và rộng rãi, thường có mở thêm một cửa hàng kế bên bán phở hay các món ăn khác để khách hàng có thể ghé ăn sáng hay ăn trưa. Có chợ còn có thêm tiệm kim hoàn, tiệm bán điện thoại di động hay thẻ điện thoại bên trong chợ, có dịch vụ đổi check thành tiền cho một số gia đình nhận trợ cấp của chính phủ hay nhận gửi tiền về Việt Nam cho thân nhân. Nhân viên tính tiền ở các chợ Việt đều biết ít nhất là 2 ngôn ngữ, thông thường là tiếng Anh và tiếng Việt, một số có thể nói được tiếng Hoa phổ thông hoặc Quảng Đông, tiếng Tây Ban Nha để giao dịch với khách hàng Mỹ hoặc Mexico.

Người Việt dù sống ở đâu cũng đều thích đổ dồn về quận Cam đi chợ Việt, nói là về dạo phố Bolsa đi chợ Việt cũng là một cách để gặp người Việt, nói tiếng Việt thoải mái mà không cảm thấy rằng mình đang sống ở một nước mà ngôn ngữ Việt không phải là ngôn ngữ chính.

Thanh Nhàn (San Jose - Mỹ) 


Related news:
Created by admin
Last modified 27-01-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin