Doanh nghiệp Việt kiều đón thời cơ Việt Nam gia nhập WTO

Nhiều doanh nhân Việt kiều coi sự kiện Việt Nam gia nhập WTO như là một cơ hội tốt để thúc đẩy nền hành chính trong nước.

Hôm 20/5 vừa qua, ông Phan Thành - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM - tổ chức của 150 thành viên - cho người đến đón tôi bằng xuồng máy tại bến Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn.

Xuồng chạy ngược dòng chừng 10 phút thì tới khu du lịch Làng Tôi nằm bên sông của Phan Thành - một Việt kiều từ Canada đang có nhiều dự án kinh doanh tại Việt Nam.

Dáng người béo đậm, quê Trà Vinh, Phan Thành lái chiếc xe chạy ắc qui chuyên dùng cho các sân golf chở tôi lòng vòng thăm trang trại của ông gồm những ruộng lúa, rặng cau, nhà hòa nhạc…trong một lô đất rộng 60 ha.

Phan Thành hào hứng kể rằng ông đã may mắn mua được lô đất này năm 1988 với giá 320 cây vàng. Biết ông là doanh nhân mới được nhận giải thưởng Vinh danh đất Việt, tôi hỏi ông về các doanh nghiệp Việt kiều chờ đón sự kiện Việt Nam sắp gia nhập WTO ra sao.

Theo Phan Thành, các doanh nghiệp Việt kiều đang kinh doanh trong nước cũng như ở nước ngoài rất quan tâm đến sự kiện này. Ông nói: “Thực ra gia nhập WTO có cả lợi lẫn hại nhưng theo xu thế chung thì Việt Nam phải vô thôi. Gia nhập WTO cái lợi cái hại nó gần nhau. Nếu mình biết tận dụng thời cơ thì tốt”.

Phan Thành cho biết các doanh nghiệp Việt kiều trong hiệp hội của ông đón nhận tin Việt Nam sắp gia nhập WTO với thái độ rất vui. Vì sắp tới Việt Nam sẽ tham gia một cuộc chơi quốc tế mà luật chơi không thể bỗng chốc thay đổi được.

Tới đây Việt Nam mở cửa ngành ngân hàng. Phan Thành cho biết ông và các bạn đang có hai dự án lớn đón cơ hội sau khi nước ta gia nhập WTO. Mở ngân hàng Việt kiều; và xây dựng một khu kỹ nghệ tiêu chuẩn Mỹ do Việt kiều đứng ra gọi vốn từ phía Mỹ.

Tay cầm chiếc tẩu tre dùng để hút xì gà, Phan Thành bảo sẽ đặt trụ sở chính ngân hàng nói trên ở đảo Phú Quốc vì thuế ở đây rất thấp. Còn khu công nghiệp kỹ nghệ cao làm theo mô hình làng công nghiệp Mỹ, quản lý theo kiểu Mỹ sẽ đặt ở Củ Chi, TP HCM trên lô đất 334 ha.

Ông nói các doanh nghiệp Việt kiều biết chắc là sau khi Việt Nam gia nhập WTO các Cty Mỹ sẽ vào nên việc xây dựng sẵn làng kỹ nghệ theo đúng qui cách của Mỹ, từ đường đi đến hệ thống điện, điện tử, v,v. là để thu hút đầu tư Mỹ.

UBND thành phố Hồ Chí Minh rất ủng hộ ông và các doanh nghiệp Việt kiều xây dựng khu công nghiệp này. Phan Thành nói mấy anh em Việt kiều nghe tin này họ mừng lắm. Họ nói sẽ mời gọi các hãng lớn của Mỹ đầu tư vào khu kỹ nghệ này. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp Mỹ bỏ vào đó 5 triệu USD, gọi được 10 doanh nghiệp vào ta sẽ có 50 triệu USD đầu tư.

Các doanh nghiệp Việt kiều không nhiều tiền để đầu tư nhưng họ có nhiều lợi thế về ngôn ngữ, hiểu cách kinh doanh và văn hóa của hai bên để làm môi giới (broker) nêu rõ lôi kéo được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Hai doanh nhân Việt kiều Erich Đặng từ Mỹ và Trần Cedric Chính từ Thụy Sĩ thì lại coi sự kiện Việt Nam gia nhập WTO như là một cơ hội tốt để thúc đẩy nền hành chính trong nước.

Anh Erich Đặng, 42 tuổi, tốt nghiệp ngành tin học Đại học Berkerley Hoa Kỳ, từng làm việc cho một hãng phần mềm máy tính lớn ở Silicon Valley (Mỹ) cho hay: Trước đây anh từng có ý định đầu tư sản xuất phần mềm ở Việt Nam.

Nhưng sau một thời gian tìm hiểu thấy hệ thống hành chính trong nước còn nhiều yếu kém nên e ngại. Việc Việt Nam gia nhập WTO, mọi luật lệ được làm phù hợp với thông lệ thế giới đã thúc đẩy anh về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Erich Đặng khoe anh sắp làm xong thủ tục mua một căn hộ cao cấp ở khu Phú Mỹ Hưng để ở, chuẩn bị cho việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Theo Erich Đặng, nhiều Việt kiều hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong các tập đoàn tư bản nước ngoài. Chắc chắn những doanh nhân Việt kiều này sẽ làm cầu nối đưa các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam để đón cơ hội kinh doanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. 

 Nguyễn Đại Phượng