Lễ Bế giảng lớp học tiếng Việt tại Genève, Thụy Sĩ
Anh Christian Limousin (mẹ là người Việt, ba người Pháp) cho biết: – khi được biết có mở lớp học, anh đã ghi danh liền. Anh mới cưới vợ là người Việt
Chị Nicole Buttigieg có chồng là người VN. Nhìn cung cách của chị và nghe chị giải thích mới hiểu được mong ước hấp thụ nề nếp đạo lý VN của chị. Chị cho biết rất thích thú không khí đầm ấm gia đình hiện nay nên cương quyết học cho được tiếng Việt để hiểu biết nhiều hơn nữa văn hóa VN. Sau những lớp học tiếng Việt, chị rất tư hào và cảm thấy thú vị khi được hát hai bài hát tiếng Việt mà chị đã học ở lớp để cùng hát với gia đình và bạn bè. Niềm hạnh phúc tưởng như nhỏ bé, đơn giản nhưng đối với chị quí giá vô cùng. Chính chị đã thuyết phục chồng mình tham gia hát chung trong Lễ Bế giảng.
Còn anh Serge Pralong, võ sư Việt võ đạo, đã nhận thấy ngay từ đầu sự cần thiết cho anh và các võ sinh trong võ đường của anh hiểu và nói đúng những chữ tiếng Việt để trao đổi trong mỗi lần luyện tập. Giọng nói mạnh mẽ của một võ sư phải đụng chạm với sự uyển chuyển nhẹ nhàng trong phát âm của tiếng Việt là một khám phá thích thú của anh. Phát âm tiếng Việt cũng là phát ra hơi thở, phát ra một làn điệu, phát ra cái hồn trong một ngôn ngữ, giúp anh nắm thêm cái "nhu" (cái mềm mại), bên cạnh cái "cương" cứng rắn thông thường của võ thuật. Anh luôn đi đầu, khuyến khích các học viên khác của trường võ mình tropng việc học tiếng Việt. Anh tập hợp các tiếng Việt đã học được, ngay cả trong môn võ, thành những cuốn "từ điển bỏ túi" nho nhỏ để tra cứu dễ dàng. Anh đang sửa sọan đưa cả võ đường của anh về Bình Định để tham gia đấu võ trong dịp hè 2006 này.
Chị Grob Loan, tuy đã có 2 con lớn tuổi nhưng chị rời VN hồi nhỏ tuổi, nên còn có đôi chút thuận lợi trong việc phát âm tiếng Việt. Các em nhỏ là những học viên tiếp thu tiếng Việt dễ dàng và nhanh nhất, nhưng lại đòi hỏi người dạy nhiều chú ý và có thêm phương tiện dạy hơn. Riêng trường hợp của hai chị em Kim và Đan (Lương Bá) có mẹ không phải là người VN nên ít nhiều khó khăn, tôi hiểu thêm hòan cảnh và ao ước của cả gia đình khi tôi được dịp trao đổi với người cha VN có mặt cùng với vợ mình tại buổi lễ bế giảng hôm đó. Sự vui mừng hay có thể nói là hạnh phúc đang bộc lộ trên khuôn mặt và sự đôn đả của ông.
Rõ ràng những mong đợi ở lớp tiếng Việt đó cũng như sự khao khát tìm hiểu và thưởng thức văn hóa VN của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đặt chúng ta trước một trách nhiệm không nhỏ và rất bức thiết.
Sau khi bà Trương Thị Ngọc Hương, phụ trách giáo huấn, giới thiệu về phương pháp dạy và báo cáo điểm kết quả của 3 tháng học tập, cô giáo Lê Anh Đào, một sinh viên đang tu nghiệp về ngành môi trường, kể lại những thực tế khó khăn cũng như thuận lợi hàng ngày của các lớp; TS Hoàng Văn Khẩn – phụ trách lớp học đã trình bày về hướng đi và tương lai của các lớp học. Anh cho biết : « Chúng ta vui mừng vì hầu hết các học viên sẽ tiếp tục trình độ 2 (trong 4 trình độ cơ bản), sẽ có ít nhất 2 lớp mới khác vào lúc nhập học niên khóa tháng 9 tới. Ngòai ra, ngay lễ bế giảng, đại diện của một võ đường khác cũng đã nêu yêu cầu mở cho họ 1 lớp học.
Đại sứ Ngô Quang Xuân được mời phát chứng chỉ và quà kỷ niệm, đã phát biểu đôi lời, nêu lên điểm son của lớp tiếng Việt là 1 cầu nối quan trọng giúp tăng cường quan hệ hiểu biết giữa các dân tộc, các nước có ngôn ngữ khác và giàu văn hóa như VN.
Phương pháp dạy đặc biệt thành công và gây sự thích thú cho học viên là nhờ nhiệt tâm của ban trách nhiệm, mặt khác dựa trên những khám phá khoa học của Tomatis về tai và âm thanh. Ngoài học các câu đối thọai và các từ vựng, cũng như về phong tục tập quán của VN, học viên được giúp sửa phát âm bằng cách nói trên bộ phận phóng lớn âm thanh nằm sau vành tai của học viên để họ sửa cho chính xác và dễ dàng. Thêm vào đó, học viên sẽ học hai bài hát VN, phù hợp về phát âm và âm điệu, để ngôn ngữ (với 3 yếu tố: làn hơi, âm điệu và từ vựng) sẽ từ từ đi vào tiềm thức, tạo nhiều thuận lợi cho những khóa kế tiếp.
TS Hoàng Văn Khẩn cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đang tìm kiếm những cơ quan, công ty ở VN để xây dựng những lớp đi xa hơn. Hiện nay, chúng tôi cũng đang cộng tác với công ty CNTT Halo ở Hà Nội để làm những truyện tranh "động" về các truyện cổ tích VN giúp học tiếng Việt. Vừa qua đã tạm xong truyện "Trí khôn" : Tại sao con Hổ có vằn, với cách học phát âm tiếng Việt và phụ đề nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Pháp. Các học viên đã thích thú khám phá truyện. Nhiều bạn bè được xem trong lễ bế giảng đã đánh giá cao và đề nghị nên bán cho các công ty hàng không hay du lịch, để các du khách tới VN có điều kiện khám phá đất nước một cách thú vị".
Đội ngũ giáo viên và khách mời rất thích thú nghe các học viên hát hai bài hát tiếng Việt, cũng như giáo viên được các học viên biếu quà, chứng tỏ truyền thống VN trọng mến thầy cô và tình cảm quyến luyến qua ba tháng cùng học tập. Sau đó mọi người đã được thưởng thức các món ăn VN thuần túy trong bầu không khí thật cởi mở.
(Theo Người Viễn Xứ)
Related news:
- Nuôi dạy con ở hải ngoại (07-01-2009)
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- Học tiếng Việt ở Úc (19-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
Last modified 23-06-2006