Rau Việt trên đất Séc
Trước hết tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện về rau.
Năm 1999, sau khi tôi từ nước ngoài trở về thì được một cậu em thân thiết cùng cơ quan cũ mời đi ăn trưa tại một nhà hàng bia tươi trên phố Vũ Phan. Đến nơi đã thấy khá đông bạn bè quen từ cơ quan cũ. Vừa nhấp được ngụm bia thì cậu em “khổ chủ” biệt danh “Dũng ngọng” đứng lên xin “có đôi lời khai vị”: “Nhân dịp bà chị tôi đây đi công tác xa mới về nước, tôi xin mời các đại ca (nó nói tránh từ “anh em”, vì nó sẽ nói thành “ăn em”) tới đây để chúc mừng bà chị tôi và để tôi được kể lại một kỷ niệm không thể quên của tôi với bà chị đây…” . Tôi dán mắt vào mặt nó: To tát thế! Chuyện gì nhỉ? Và thoáng chút lo lắng: Thằng em này bình thường hài hước lắm, sao hôm nay lại nghiêm trọng thế!. Nó thong thả uống một ngụm bia, nhìn khắp lượt mọi người, lúc đó cũng như tôi, đang hướng cặp mắt tò mò về phía nó. Và nó kể lại câu chuyện mà thực tình tôi cứ như nghe lần đầu, hoàn toàn không nhớ, rằng đầu năm 1993, nó được cơ quan cử đi Taskent (
Và cũng từ đó, tôi được biết thêm là vào những năm cuối của thế kỷ trước, người Việt chúng ta ở nhiều nước đã bắt đầu trồng được rau Việt để “tự phục vụ”, chủ yếu là vào mùa hè. Tôi còn nhớ khi đó, trong các cửa hàng thực phẩm tại các chợ Việt Nam ở Mát-xcơ-va đã có bán rau muống, rau cải, mồng tơi, rau đay và một số loại rau thơm, thường bán theo cân, giá cả rẻ dần. Rau muống ngọn rất to, dài 40-50cm, có nhiều gai, giá khoảng 2-3 đôla/1ký gì đó tôi không còn nhớ chính xác, nhưng đã đem lại niềm vui cho các bà nội trợ: không còn phải quá lo lắng và tốn kém mỗi khi có đoàn khách Việt. Chúng tôi vẫn đùa rằng: các bác bảo: hãy đãi anh bữa cơm thịt, chúng tôi cười ngay, chứ nếu nói: cho anh ăn cơm rau thôi, thì chúng tôi không cười được, tốn kém lắm. Mà hồi đó “ngã ba Mát-xcơ-va” hai ngày ba đoàn khách Việt qua lại là chuyện bình thường. Tôi vẫn nhớ Mát-xcơ-va mùa nào cũng rất sẵn cá chép tươi, mỗi con 2-3 ký, và bao giờ tiền rau gia vị cũng đắt hơn tiền cá. Tâm lý thiếu rau khiến tôi luôn tích trữ cả khi đã về Việt
Tôi và nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đã rất ấn tượng khi chứng kiến những khay rau tươi nguyên và giá cả dễ chịu bầy đầy trong các cửa hàng thực phẩm châu Á, từ nhà Chung-Nhàn đầu dãy tới nhà Nghĩa-Nguyệt cuối dãy chợ Sapa tại Praha. Các bà chủ cửa hàng luôn tươi cười nhã nhặn chào mời khách. Và rồi vì tò mò, tôi đã tìm đến một trang trại trồng rau Việt trên đất Séc.
Rau tươi do người Việt trồng tại Séc
không chỉ đáp ứng nhu cầu cho người dân ở đây
mà còn xuất khẩu sang Đức
Bốn khu nhà kính, mỗi khu gồm 4 mái nhà ghép lại, tổng cộng 10.000 m2 nối nhau chạy từ chân đồi lên ngang sườn đồi, nằm tách biệt giữa một không gian rộng lớn đồi rừng, không xa Karlovy Vary – thành phố điện ảnh nổi tiếng thế giới. – “Chúng cháu mua lại khu này từ một công ty chuyên trồng hoa của Séc được gần hai năm rồi. Năm đầu chúng cháu tiếp quản hoa, bán chả ai mua, rồi quyết định đầu tư trồng rau, gian nan tốn kém lắm các bác ạ!”. Chắc chắn sẽ không ai tưởng tượng được công sức mà “anh em nhà Anh” (Phan Anh, Kim Anh, Mai Anh) đã phải bỏ ra. Dọc hành lang của khu nhà văn phòng của công ty trồng hoa cũ vẫn còn những bức ảnh chụp cảnh hoa trong vườn, những bức ảnh tuyệt đẹp, chụp những luống hoa treo hoàn toàn theo kiểu công nghiệp mà tôi chưa từng được biết. – “Lần đầu tiên đến để tham quan vườn hoa trước khi quyết định mua, em thấy sợ khi nhìn thấy công nhân làm trong vườn mặc áo blu đi giày như trong bệnh viện” - Phan Anh kể. Tất cả các lối đi đều tráng xi-măng. Các cây hoa trồng trong bồn treo được phủ bằng xơ dừa, mỗi gốc hoa được cắm hai cái ống hai bên để tiếp nước và dưỡng chất nuôi cây. Toàn bộ hệ thống tưới nước, cung cấp dưỡng chất và các ống dẫn nước nóng để sưởi ấm mùa đông là thiết bị nhập của Hà Lan, hoàn toàn tự động. Không thể trồng rau trên những giá treo xinh xắn ấy được. Anh em nhà Anh đã phải thuê thợ dọn dẹp hết các phương tiện hiện đại đó - hiện vẫn đang lủng lẳng các loại dây nhựa, ống sắt thép treo hai bên tường kính của mỗi khu nhà. Họ đã phải mua 2500 m3 đất suskrat - loại đất vi sinh xốp mịn chuyên để trồng hoa, cây cảnh - để phủ một lớp dày 40cm trên nền xi măng cũ, tạo thành các luống rau. Bà chủ Kim Anh đã rất khéo léo xen kẽ các loại rau để tăng năng suất thu hoạch. Giàn sắt cao trồng mướp, bầu, bí, mướp đắng, đậu ván, lúc lỉu những quả, bên dưới vẫn xanh rì cải cúc hay thơm. Hai đầu nhà là dọc mùng, mơ lông - mà tôi nói đùa là Kim Anh cố tình cổ súy cho “thịt cầy bảy món”, giàn mơ lông kia đủ sức giết thịt vài chục chú chó Tây hoang. - “Chỉ còn rau rút và mùi tàu bọn em chưa trồng được”. – Ơ kìa, mùi tàu dễ trồng lắm cơ mà! Ngày xưa nhà cô có bụi mùi tàu, gió thổi hạt bay ra mọc loang khắp vườn, sao lại không trồng được?” – Tôi ngạc nhiên nhìn Kim Anh. – “Ở đây nóng quá, trồng xuống nó ra hoa luôn, không thu hoạch được cô ạ!”. Tôi cười ngất. Cái anh Mùi tàu này rõ vô duyên, người ta cần lá thì lại ra hoa luôn. Tại nóng hay tại giống? Mà nóng thật, dễ đến 38-40 độ. Tôi nhìn lên mái kính, hai tấm kính hai bên đã được mở ra, mà vẫn nóng. Chỉ tay vào những đầu dây nhựa vàng có gắn một vật tròn tròn lủng lẳng cách đều trên những luống rau, tôi hỏi đó là vật gì. Anh Kiểm - thợ làm vườn giải thích đó là van nước tưới rau, và anh nhanh nhẹn chạy đến bật thử nước để chúng tôi xem: một màn mưa nhân tạo rải đều những hạt li ti trên các luống rau. Thật ngoạn mục! Anh Kiểm cho biết anh Phan Anh mua hệ thống này từ Israel, cũng hoàn toàn tự động. Vui miệng, tôi hỏi chuyện về anh, anh Kiểm cúi đầu, lí nhí kể rằng quê anh ở Hải Dương, năm nay anh đã 40 tuổi, anh ở đây một mình, vợ và hai con một gái một trai đang ở quê nhà. – “Vậy là anh sang đây được gần hai năm rồi?” , - “Không, đã 5 năm rồi. Những năm đầu bán băng đĩa ở chợ Cheb, làm ăn được nhưng cũng tiêu nhiều, nên chẳng được bao nhiêu. Về làm ở đây, ổn định hơn, lại giữ được đồng tiền.” – “Thu nhập được bao nhiêu? Có gửi về được cho vợ con không?”. – “Bọn em ăn ngủ ở đây, không mất tiền, mỗi tháng được trả 700 đô, gửi về cho vợ”. Nhưng khi nói chuyện với tôi, Kim Anh cho biết Kiểm là đội trưởng nên được trả nhiều hơn những anh em công nhân khác. Sáu anh em kia, trong đó có 2 cháu là con cháu người nhà được trả 500 đô la và dăm ba tháng mới xin nhận lương để gửi về cho gia đình.
Khu nhà kính trồng rau của "anh em nhà Anh"
- “Bọn cháu củng cố cơ sở này để sử dụng chủ yếu vào mùa đông, khi mà khu vườn dưới kia không sử dụng được nữa vì lạnh”. – Mai Anh cho biết. “Khu vườn dưới”- mà thoáng nghe tôi cứ nghĩ là vườn ngoài trời- hóa ra cũng là một khu nhà kính rộng mênh mông nằm ở Radotin, ngoại ô Praha. Có đến 5-6 người Việt cùng thuê lại được của một công ty Séc, hợp đồng thuê chỉ được ký theo năm. “Anh em nhà Anh” may mắn hơn, thuê được diện tích khá rộng, gần 50.000 m2. Trời đã chiều, nhà kính nóng hầm hập, bước chân vào muốn chui ra ngay, mà thật lạ, rau vẫn tươi, vẫn xanh mơn mởn. – “Mà nó tốt nhanh lắm cô ạ. Cô nhìn đây này, hai cái quả này (Kim Anh nâng hai quả đậu đũa dài, nhỏ như hai cái que nướng thịt) chỉ ngày mai thôi là nó đã lớn bằng cái đũa rồi, sang ngày kia là thu hoạch. Phải hái thật nhanh, không lại bị già. Rau cũng vậy, không “để dành” được cô ạ!”. Đúng vậy, thời vụ mà! Nhìn hai cái bắp chân thon nhỏ nhún nhảy trên đôi guốc cao phía trước của Mai Anh, lại nhìn cái dáng cao lớn, khỏe mạnh, chắc nịch của Kim Anh bên cạnh, tôi chợt nghĩ “cái thế hệ cày đường nhựa này mà cũng liều nhỉ? Chưa một ngày làm nghề nông trong một đất nước từng có đến 80-90% dân số làm nghề nông, lại dám chọn cho mình một nghề thuần nông trên đất bạn, nơi mà chỉ có 3% dân sống bằng nghề nông”. – “Cũng phải xoay xỏa kiếm sống các bác ạ! Vất vả cũng phải làm, thức khuya dậy sớm, ăn ngủ vì rau, sáu bảy giờ tối bắt đầu cắt rau, có hôm đến 1-2 giờ sáng mới xong để chất lên xe 3 giờ sáng chạy sang Đức cho kịp”.– “Rau tươi xuất ngoại? Tuyệt nhỉ?” . – “Vâng ạ. Cứ đều đều một tuần 4 chuyến như thế, chứ không thì không tiêu thụ hết rau. Hiện tại mùa đông thì rau thiếu, mùa hè thì thừa bác ạ!” – “Vừa rồi báo chí Séc có đưa tin có người Việt trồng cây thuốc phiện. Cô chưa từng nhìn thấy cây thuốc phiện, các cháu có trồng chỉ cho cô xem với!” – “Cô cứ đùa! Bọn cháu chả dại! Bọn cháu tính chuyện làm ăn lâu dài, không thể liều mạng được”. – “Bọn cháu định gắn bó lâu dài với nghề này?” - “Vâng ạ!”. Chưa kịp dứt lời, chuông điện thoại đổ dồn, Kim Anh nâng máy và một yêu cầu vừa được gửi đến: “Bốn mươi cân rau cần có ngay cho nhà hàng Đông Đô trước 3 giờ chiều”. Tôi tưởng tượng ra ngay cảnh hơn chục công nhân kia xông vào nhà kính, vật lộn với những luống rau dưới cái nóng hầm hập trên bốn mươi độ ấy… nghề nông thật vất vả!
- “Chưa hết đâu các bác ạ! Lại còn phải cạnh tranh lẫn nhau, tăng giá hạ giá, sử dụng công nhân… Nói ra đau đầu lắm, lại mang tiếng nói xấu lẫn nhau, cháu không muốn. Cháu chỉ mong sao các nhà trồng rau ngồi được với nhau, hay gọi cho hay ho là Hiệp hội các nhà trồng rau gì đó, để có thể chia xẻ kinh nghiệm, giống vốn, cùng giúp nhau tăng gia, thu hoạch, ổn định giá cả thì cùng có lợi, lại ít bị phía chính quyền bạn nhìn vào, như thế có hay hơn không?”. – “Câu hỏi hay đấy nhưng sao lại hỏi các bác? Cháu hãy hỏi các đồng nghiệp của cháu ấy chứ? Hay cháu để bác thử lên tiếng hỏi hộ cháu xem sao nhé!”.
Vậy là câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp trồng rau: “Có hợp tác cùng có lợi với nhau được không?”. Và tôi cũng tự hỏi: đã có các doanh nghiệp trồng rau Việt, sẽ có doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Việt trên đất Séc chứ? Có được chú gà trống gáy o o mỗi sáng rồi nhảy lên bàn thờ tổ ngồi chễm chệ trên đĩa ngậm quả ớt đỏ au trong những ngày giỗ Tết, cũng tuyệt đấy chứ?
Praha ngày
ĐTV
Các tin liên quan:
- Người gốc Việt đối phó bão Ike (25-09-2008)
- “Tiểu gia đình” Việt tại Úc (24-09-2008)
- Tết Trung thu của người Việt ở Australia (11-09-2008)
- Viết cho ngày tựu trường... (08-09-2008)
- Câu chuyện thành công của SummerRolls (29-08-2008)
- Thăm lại nơi cứu sống mình (15-07-2008)
- Hành trình của một Việt kiều đi tìm rượu Bó Nậm (08-07-2008)
- Người Việt ở Mỹ chạy lũ (19-06-2008)
- Little Saigon ở San Francisco (17-06-2008)
- Ngọn rau, mầm lá quê nhà (16-06-2008)
Cập nhật 04-07-2006