Nét Việt giữa Dublin
Hội Liên hiệp Ái-Việt tại Ailen
Chỉ cách London một giờ đồng hồ bay, nhưng số lượng người Việt ở Ai-len ít hơn ở London rất nhiều. Người Việt sống tập trung tại thủ đô Dublin với khoảng 1.500 người, chỉ có một số ít nằm rải rác ở các tỉnh khác của Ai-len.
Các cửa hàng của người Việt tại đây đều mang tên tiếng Anh như: Lido, New Land (Vùng đất mới)... Khách tới đây mua những đồ ăn đóng gói sẵn và mang đi chứ không ngồi lại quán.
Với cách kinh doanh này, chỉ cần một ngôi nhà nho nhỏ mặt phố và một khu bếp là có thể kiếm sống được. Có cửa hiệu của người Việt lợi nhuận mỗi tuần lên tới 10.000 - 20.000 euro (tương đương 23 triệu đến 46 triệu đồng/tuần). Thời gian mở cửa của những quán này thường từ 5 giờ chiều đến đêm khuya.
Ngoài số lượng khách đến tận nơi mua hàng, còn có một đội ngũ nhân viên chuyên đi giao hàng. Nếu chăm chỉ, một người giao hàng có thể kiếm được hơn 100 euro/tối, tương đương 2,3 triệu đồng.
Tất nhiên, để có được một cửa hàng đàng hoàng nơi mặt phố, những người chủ Việt đã phải trải qua nhiều năm làm thuê mới tích cóp được một số vốn kha khá để mở cửa hàng. Và hầu hết những người Việt kinh doanh thành đạt tại đây đều có một thời vất vả vào những ngày đầu đặt chân tới nơi đất khách quê người.
Những người Việt đầu tiên đặt chân tới đây vào khoảng những năm 1979. Đó là những người như bác Thẩm Thiên Phúc (người Hải Phòng), bác Thái Văn Ngà (người Vũng Tàu)... Họ là những người đặt nền móng cho sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Ai-len.
Cả Dublin, có duy nhất một nhà hàng mang hương vị Việt Nam với cái tên rất Việt: Hồ Sen Restaurant. Tuy nhiên, kinh doanh nhà hàng khá tốn kém, nhất là thuế cao, nên phải là người “chịu chơi” lắm mới có thể mở nhà hàng. Bên cạnh đó, có một số chủ quán có dư khả năng mở nhà hàng nhưng do thuế quá cao nên họ lựa chọn kinh doanh đồ ăn nhanh.
Người Việt tại Ai-len sống chủ yếu ở Dublin 17, nơi có các tòa nhà chung cư. Người khá giả hơn thì sống trong những ngôi nhà riêng hai tầng ở Dublin 13. Con số sau chữ Dublin càng nhỏ thì biểu hiện là càng gần trung tâm thành phố.
Các tòa nhà Chính phủ nằm ở Dublin 1 và Dublin 2, khu trung tâm mua sắm ở Dublin 3. Càng vào gần những khu này, nhịp sống càng nhộn nhịp. Những quán bar, cafe nằm ở Dublin 3 náo nhiệt từ chập tối hôm trước tới sáng hôm sau.
Ngôi nhà chung của người Việt
Nằm ngay ở trung tâm thành phố, trụ sở của Hội Liên hiệp Việt-Ái tại Ai-len đặt tại 45 - 46 phố Hardenwicke, Dublin 1. Trái với những ngôi nhà mang nét hiện đại của phương Tây xung quanh, cách bày trí và mọi vật dụng bên trong trụ sở của Hội lại rất Việt Nam với các bức trướng đỏ, cành mai vàng, chùm pháo Tết, câu đối, bức tranh Vịnh Hạ Long, bản đồ Việt Nam...
Dòng chữ Việt: Cung chúc Tân Xuân Đinh Hợi 2007 vẫn còn dù năm 2007 sắp trôi qua. Hai bên cánh gà của Hội trường là câu đối nhắc nhở những người Việt xa xứ: “Người Việt đến Năm châu Tết vẫn hướng về đất Mẹ- Dân Nam đi Bốn biển Xuân không quên ngày giỗ tổ vua Hùng”.
Bác Thái Văn Ngà (còn gọi là Bảy Ngà), Phó Chủ tịch thường trực của Hội dẫn tôi tham quan trụ sở Hội và khoe: “Mọi thứ đều mang từ Việt Nam sang đấy”. Bác Ngà cho biết, trước đây, Hội duy trì các cuộc gặp mặt bà con vào các ngày thứ Hai, Ba hàng tuần. Nhưng gần đây, do mọi người bị cuốn vào công việc nên các cuộc gặp mặt cũng khó duy trì.
Tuy nhiên, vào những ngày lễ lớn của dân tộc như ngày Quốc khánh 2/9, Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán, bà con dù bận đến mấy cũng tới đây để được gặp gỡ những người đồng hương và cùng hướng về quê cha đất tổ trong giờ khắc thiêng liêng.
Cách đây hơn 10 năm, những người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới đây đã cùng nhau bàn bạc và bỏ tiền túi để mua một ngôi nhà làm trụ sở Hội. Đó là những người như bác Thẩm Thiên Phúc - Chủ tịch Hội, bác Thái Văn Ngà, anh Nguyễn Quốc Trị... Ngoài ra, họ cũng được hỗ trợ một phần kinh phí từ Chính phủ Ai-len.
Từ bấy tới nay, căn nhà này đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người Việt Nam tại đây trở thành địa chỉ tin cậy của những người Việt tha hương. Hội có thẩm quyền công chứng và xác nhận giấy tờ cho những người Việt cũng như có thể đối thoại với chính quyền sở tại để đòi hỏi quyền lợi cho người Việt.
Các đoàn lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam sang công tác tại Cộng hòa Ai-len đều ghé thăm Hội và được các thành viên của Hội đón tiếp nồng nhiệt. Cách đây vài năm, Hội đã vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên vì đã có nhiều thành tích trong tập hợp, vận động cộng đồng người Việt tại Ai-len đoàn kết, hướng về Tổ quốc.
“Bây giờ căn nhà này đáng giá hơn 1 triệu euro rồi đấy. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ bán nó, mà để lại cho con cháu. Lớp trẻ sẽ tiếp bước chúng tôi duy trì hoạt động của Hội” - bác Bảy Ngà khẳng định. (TPO)
Các tin liên quan:
- Người Việt ở Lào (03-12-2008)
- Tôi đến với nước Nga trong tuyệt vọng và trở về Việt Nam trong niềm hạnh phúc (21-11-2008)
- Cô Hiệu trưởng tâm huyết với học sinh Việt Nam (21-11-2008)
- Khó khăn đang dàn trải trước mặt đối với tân Tổng thống (19-11-2008)
- Thêm một “món ăn” tinh thần cho kiều bào xa quê (14-11-2008)
- Người Việt nối vòng tay trên đảo quốc sư tử (14-11-2008)
- Lập nghiệp ở Myanmar (05-11-2008)
- Gieo chữ Việt nơi xứ tuyết (04-11-2008)
- Đến thăm nơi người công nhân Việt được quan tâm (03-11-2008)
- Tuổi già tha hương (26-09-2008)
Cập nhật 26-11-2007